Họa sĩ Lê Huy Hạnh - Người nghệ sĩ tài năng

Họa sĩ Lê Huy Hạnh (1950) rời cõi tạm đến nay cũng đã được 5 ngày. Anh mất tại nhà riêng hôm 20-7 vì bệnh hiểm nghèo, hưởng thọ 75 tuổi. Vẫn biết sinh - lão - bệnh - tử vốn là quy luật của đời người, mà sao cứ thấy ngậm ngùi... Bao kỷ niệm về một thời gắn bó với anh chợt ùa về, như mới đây thôi...

Họa sĩ Lê Huy Hạnh

Họa sĩ Lê Huy Hạnh

Tôi gặp họa sĩ Lê Huy Hạnh từ những ngày đầu sau 29-3-1975, ngay khi Khu triển lãm Quảng Nam - Đà Nẵng được tiến hành thành lập tại địa chỉ 88 Hùng Vương, Đà Nẵng. Lúc này, do nhu cầu cấp bách nhiệm vụ tuyên truyền đường lối chính sách Nhà nước cách mạng qua hình thức văn hóa, nên nơi đây thu nhận đông đảo các họa sĩ chuyên nghiệp lẫn anh em trẻ nghiệp dư có khả năng trang trí, kẻ chữ, làm pa-nô cổ động… Trong bối cảnh đó, hàng ngày mỗi buổi sáng, chúng tôi thường tụ tập tại một quán cà-phê đối diện cổng Khu triển lãm, trước giờ làm việc. Trong mắt chúng tôi, anh Lê Huy Hạnh là hiện thân một anh bộ đội miền Bắc hơi lạ lẫm, tưởng có nhiều khoảng cách, nhưng lại rất gần gũi, mang dáng vẻ nghệ sĩ với quần áo, tóc tai bụi bặm, phóng khoáng… cùng những câu chuyện về chiến tranh, về rừng núi Trường Sơn, về tình yêu, về nghệ thuật… theo lối pha trò dí dỏm. Càng ấn tượng hơn, khi phần việc mà anh nhận trách nhiệm tại Khu triển lãm là thực hiện các bức tranh liên hoàn, với nét vẽ khỏe khoắn, màu sắc rực rỡ thể hiện hình ảnh những chàng trai, cô gái công nhân, người chiến sĩ rạng rỡ, tươi vui... Những ngày ấy, có thể nói những giờ phút giải lao, hoặc có điều kiện, là bọn trẻ chúng tôi cứ thích xúm quanh bên các phác thảo của Lê Huy Hạnh để xem anh vẽ và nghe tán gẫu…

Tác phẩm "Sông Hoài phố Hội" (bút Gelly trên giấy canxon) của họa sĩ Lê Huy Hạnh.

Tác phẩm "Sông Hoài phố Hội" (bút Gelly trên giấy canxon) của họa sĩ Lê Huy Hạnh.

Song không lâu sau đó, do những biến động nhất định của giai đoạn đầu sau giải phóng, chúng tôi nhiều người rời khỏi công việc ở Khu triển lãm, để làm những phần việc khác. Thế nhưng, duyên nợ đưa đẩy, tình cờ đến khoảng cuối thập niên 80 (của thế kỷ XX-P.V), tôi lại có dịp gặp gỡ và gắn bó anh Lê Huy Hạnh một lần nữa. Đó là, vào năm 1988, khi thành phố Đà Nẵng (lúc này thuộc tỉnh Quảng Nam) diễn ra Đại hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ nhất, tôi và anh Lê Huy Hạnh đều được bầu vào thành viên Ban chấp hành của Hội (Tổng thư ký: cố nhà thơ Lưu Trùng Dương (Nhiệm kỳ 1), cố GS Hoàng Châu Ký (Nhiệm kỳ 2); Phó TTK thường trực: cố nhà thơ Duy Nguyễn (Trần Khảm). Trưởng các phân hội gồm: Văn học: Trần Trung Sáng; Âm nhạc: Nguyễn Huy Hùng; Mỹ thuật: Lê Huy Hạnh; Nhiếp ảnh: Hồ Xuân Bổn…). Cứ như thế, suốt mấy chục năm qua, hầu như dăm ba ngày, chúng tôi luôn có những cuộc gặp gỡ trao đổi công việc hoặc tán gẫu vui chơi…

Họa sĩ Lê Huy Hạnh được đánh giá là một tác giả thành công nổi trội trên lĩnh vực điêu khắc, qua một số công trình như: Tượng đài Chứng tích Thủy Bồ, Điện Bàn, Quảng Nam (Bê tông, 1983); Tượng đài Nghĩa trang liệt sĩ Bình Lâm, Quảng Nam (Bê tông 1993); Tượng đài Nghĩa trang liệt sĩ Điện Quang, Quảng Nam (Bê tông, 1983); Tượng đài Tây Giang, Quảng Nam (Bê tông 9m x 3,5m x 3m); Biển hát (Đá granite, 250 x 200 x 70cm); Khát vọng (Đá trắng, 70 x 35 x 300cm); Khoảng lặng (Acrylic, 70 x 100cm)… Bên cạnh các sáng tác tranh, tượng, anh còn tham gia thiết kế sân khấu và phục trang cho 40 vở diễn kịch nói, kịch múa, dân ca, tuồng, cải lương và phim truyền hình. Thiết kế hơn 300 mẫu bìa sách, tiểu thuyết, thơ, văn, tạp chí. Anh cũng đã xuất bản 8 tập thơ; 1 tập ca khúc phổ thơ. Với những đóng góp dày dặn, không mệt mỏi, anh được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Sân khấu Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Tác phẩm tượng "Nguồn sống" của cố họa sĩ Lê Huy Hạnh.

Tác phẩm tượng "Nguồn sống" của cố họa sĩ Lê Huy Hạnh.

Nói về anh, họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng - nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng nhìn nhận: "Anh Lê Huy Hạnh sinh ra trong một gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật. Cả 5 anh em đều là những họa sĩ đa tài, thành danh, như các họa sĩ Lê Huy Hòa, Lê Huy Quang… Nếu nhắc về một họa sĩ thể hiện trực quan sinh động như vẽ pa-nô thì suốt mấy chục năm qua, khó có thể kể ai vượt qua Lê Huy Hạnh được. Đến nay, ở các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk… đều có những tác phẩm tượng đài liệt sĩ do anh sáng tác, gần đây nhất là tượng đài ở Tây Giang (Quảng Nam). Nhìn chung, anh là một nghệ sĩ đa năng, luôn nỗ lực tìm đến cái mới, chẳng hạn cần ghi nhận, thời gian sau này anh thành lập và làm Chủ nhiệm CLB đồ họa Đà Nẵng đã góp phần thúc đẩy phong trào mỹ thuật trẻ Đà Nẵng đem lại dấu ấn mới lạ và độc đáo".

Nhiều lần cùng Lê Huy Hạnh tham gia các Trại sáng tác tại những nơi như Tam Đảo, Đại Lãi, Đà Lạt…, tôi thường nhận ra, nguồn cảm hứng của hiện thực chiến tranh vẫn luôn là một trong những chất xúc tác quan trọng giúp đưa Lê Huy Hạnh bước vào thế giới thi ca, đưa anh đi tìm từng tứ thơ, nhặt từng thanh âm cuộc sống, đếm từng sắc màu thời gian, đong từng niềm đau và gọi từng mùa hạnh phúc... Và giờ đây, tiễn biệt anh Lê Huy Hạnh - người nghệ sĩ tài năng đã chọn Đà Nẵng là quê hương thứ hai, xin được trích mấy câu thơ mà anh đã để lại gần đây như là định mệnh: "Và một ngày không tiếng chuông reo/Và một ngày không tin nhắn đến/Là một ngày ngỡ như mình lỗi hẹn/Là một ngày nghe nỗi nhớ rưng rưng…" (Thơ Lê Huy Hạnh/Không đề/ Tháng 5-2024).

Trần Trung Sáng

Họa sĩ Lê Huy Hạnh sinh ngày: 23-9-1950; nguyên quán: Yên Nhân, Thanh Hà (nay là Thạch Hà), Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP Đà Nẵng, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng…

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/hoa-si-le-huy-hanh-nguoi-nghe-si-tai-nang-post298775.html