Họa sĩ Ngô Xuân Khôi và niềm vui song hành với văn chương
Những năm gần đây, họa sĩ Ngô Xuân Khôi được nhiều báo, tạp chí chuyên lĩnh vực văn hóa-văn nghệ đặt vẽ minh họa và vẽ tranh bìa báo Xuân. Ông luôn làm bằng sự nhiệt tình, lòng đam mê và niềm mong muốn được song hành cùng những tác phẩm văn chương.
Góp phần làm tác phẩm văn chương trở nên đáng đọc
Làng báo có mùa báo Tết. Đây cũng là mùa vẽ minh họa của họa sĩ Ngô Xuân Khôi. Mỗi năm, có 6 đến 7 báo, tạp chí mời ông vẽ tranh để làm bìa. Ông sẽ lại trăn trở, vận dụng những kinh nghiệm về văn hóa dân gian để có thể xây dựng được một bìa báo, tạp chí đầy mỹ cảm, có tác động mạnh đến thị giác của bạn đọc. Đây là công việc khó hơn làm minh họa nhiều, bởi mỗi ấn phẩm Tết chỉ có một bìa.
Ông Khôi bảo rằng, tranh bìa Tết do tòa soạn “đặt hàng” họa sĩ, tùy theo ý tưởng của mỗi cơ quan. Khi nhận, bao giờ ông cũng làm hết sức mình, có khi vẽ hai, ba phương án để tòa soạn chọn lựa. Bìa báo Tết là bộ mặt của cả một giai phẩm, nên phải bảo đảm các yếu tố mỹ thuật, lại có chất xuân, mang đến niềm hứng khởi vươn lên, phát triển của tòa soạn trong năm mới.
Họa sĩ Khôi chia sẻ thêm: “Bìa báo Tết, có dạo các báo thích dùng ảnh, ghép ảnh hoặc dùng kỹ thuật đồ họa nhưng mấy năm gần đây nhiều báo “chơi sang” ưa tranh vẽ hơn. Đây là cái khó và áp lực với họa sĩ vẽ trang bìa báo Tết. Vẫn ngần ấy dữ liệu, con giáp, hoa đào hoa mai, nhưng yêu cầu: rực rỡ, sức xuân, vươn lên, phát triển, mới mẻ mà vẫn truyền thống. Ví dụ như Tết Ất Tỵ sắp tới là một trong những con giáp khó vẽ nhất. Tạo hình rất khó, hình tượng con rắn trong mỹ thuật dân gian rất hiếm”.
Nhìn các bức minh họa của họa sĩ Ngô Xuân Khôi dù cho truyện ngắn, hay thơ hoặc văn học dành cho thiếu nhi trên các báo, tạp chí, tôi nhận ra một cá tính sáng tạo riêng biệt khó trộn lẫn với ai khác. Dường như, mỗi thể loại văn chương ông lại tìm ra lối vẽ phù hợp. Nét vẽ về các nhân vật rất biểu cảm, nhiều sắc thái, ra tính cách, có khi như ra cả thành phần, “lý lịch trích ngang”.
Quan sát các bức vẽ tôi còn phát hiện ra điều này: Dù là vẽ về nhân vật phản diện, tên tội phạm, người xem vẫn thấy sự nhân ái, nhân văn qua nét họa. Tôi hỏi ông rằng, vẽ minh họa có khó? Họa sĩ bảo rằng, vì là làm theo đặt hàng, có giới hạn về thời gian, nên với họa sĩ cũng có áp lực. Ông chia sẻ: “Với họa sĩ vẽ tranh thì được quyền lựa chọn lĩnh vực, rồi có thể thâm canh, xới đi xới lại một mảnh đất mà mình hiểu nhất. Nhưng vẽ minh họa là phía tòa soạn giao đề tài nào thì phải vẽ đề tài đó. Ví dụ như vẽ minh họa cho truyện ngắn viết về một nền văn hóa khác mà mình chưa am hiểu, thì phải đọc và tìm hiểu kỹ để vẽ cho chính xác”.
Minh họa không phải để lấp chỗ trống, mà mỗi bức vẽ có sức sống riêng, độc lập, nó có thể đóng vai trò dẫn dụ, níu kéo độc giả. Có người mua báo là vì thấy minh họa đẹp, hấp dẫn. Vậy nên, họa sĩ vẽ minh họa phải vượt lên chính mình, luôn tìm tòi sáng tạo. Bởi mỗi tác phẩm văn chương đều có vùng văn hóa, nên họa sĩ cần tìm ra lối vẽ phù hợp để không cũ mòn. “Theo tôi, bức minh họa không chỉ tạo sự sinh động, tăng tính thẩm mỹ của mỗi ấn phẩm báo chí, mà còn góp phần lan tỏa cho tác phẩm văn học được minh họa”, họa sĩ Ngô Xuân Khôi nhấn mạnh.
Những tranh minh họa, dù nhỏ hay chỉ là màu đen trắng, ông vẫn vẽ bằng tâm huyết, sự kỳ công và lòng yêu nghệ thuật. Ông vẽ xuân sẽ rất xuân, vẽ phụ nữ nói chung sẽ hằn lên sự nhân hậu, vẽ hoa thì hoa sẽ thật rực rỡ…. Khi nhận bản thảo từ mỗi tòa soạn, ông đều đọc rất kỹ tác phẩm văn chương để cảm được các tầng ý nghĩa của tác phẩm, từ đó tìm chi tiết, hình dung nhân vật và vẽ sao cho có thể đồng cảm với văn chương và làm sáng rõ lên ý tưởng, nội dung của câu chuyện, thậm chí góp phần làm cho mỗi tác phẩm trở nên đáng đọc hơn.
Tôi hỏi, có tác phẩm nào được đặt vẽ minh họa mà ông không biết nên bắt đầu từ đâu? Ông trả lời: “Thực tế là có. Bởi có những truyện ngắn rất nhạt, nội dung đơn giản. Nếu là truyện ảo diệu, gợi cho tôi vẽ về sự ảo diệu, mông lung thì cũng tuyệt vời lắm. Làm nghề minh họa, đọc được cái truyện hay, đa nghĩa, vẽ sẽ… sướng tay lắm!”.
Luôn tự làm mới mình
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi sinh năm 1961, tại Nghệ An. Ông từng trải qua thời gian quân ngũ, ông ra quân năm 1982 rồi trải qua nhiều nghề để kiếm sống. Năm 1985, ông thi đỗ ngành Hội họa của Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Cơ duyên ông đến với hội họa là năm 1997, khi đang làm ở Nhà xuất bản Thế giới, cùng phòng với ông là nhà thơ Nghiêm Huyền Vũ. Một hôm ông Vũ dẫn ông Khôi sang Báo Văn nghệ chơi với nhà thơ Hữu Nhuận, đang làm thư ký tòa soạn.
Ông Khôi kể lại: “Nhà thơ Nghiêm Huyền Vũ thấy tôi vẽ được nên đề xuất với Hữu Nhuận cho tôi cộng tác thử ở mảng tranh minh họa. Báo Văn nghệ rất có tiếng trong giới văn học nghệ thuật, ai được cộng tác là vinh dự lớn, đó là một kênh để công chúng biết đến họa sĩ. Rồi tôi được mời thử vẽ minh họa cho một bài ký. Sau khi tranh được in, đầu năm 1998 tôi được đặt vẽ minh họa truyện ngắn “Thương cả cho đời bạc” của Nguyễn Huy Thiệp. Vừa đọc truyện, tôi vừa thấy hãnh diện, vui mừng bởi lúc đó Nguyễn Huy Thiệp là cây bút rất nổi tiếng, tranh minh họa cũng sẽ được chú ý”.
Rồi từ đó công việc vẽ minh họa của tôi lan tỏa, nhiều cơ quan như Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Văn nghệ Công an, Người Hà Nội… mời cộng tác. Tôi nhanh chóng “bén duyên” với nhiều báo, tạp chí văn nghệ ở các địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Thọ… cũng như được mời vẽ bìa sách cho nhiều nhà sách, nhà xuất bản và các văn sĩ.
Công nghệ thông tin, truyền thông mạng đang ngày càng đẩy báo giấy vào khó khăn, giảm số lượng ấn bản, thu hẹp phạm vi phát hành, sức lan tỏa trong cộng đồng bạn đọc cũng đang ngày càng yếu đi. Điều đó đồng nghĩa với việc các minh họa trên báo giấy ngày càng ít đi, thưa vắng hơn. Nhưng họa sĩ vẫn tin rằng, trong một xã hội văn minh tất cả đều là sản phẩm công nghệ thì người ta lại trân quý, thấy giá trị hơn đồ handmade. Những bức minh họa được sinh ra từ nguyên cớ văn học, từ câu chuyện, từ nhân vật của nhà văn và làm tròn sứ mệnh của mình khi song hành với văn chương, với báo chí. Chắp cánh cho văn chương, làm sáng rõ ý nghĩa, thông điệp câu chuyện thông qua ngôn ngữ tạo hình.
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi có nhiều dự định, nhưng trước mắt, ông muốn làm một vệt tranh sáng tạo về văn hóa truyền thống mà không phải theo đặt hàng. Ông muốn vay mượn, khai thác di sản văn hóa dân gian để kể những câu chuyện thôn dã, làng quê của thời chưa xa lắm, về phong tục, nếp sống dân dã, đời thường mà ít họa sĩ quan tâm, người trẻ đang ngày càng ít biết đến. Đó có thể là cái trục lúa bằng đá, cối xay, có thể là hình ảnh một người cha đưa con đến gặp thầy xin học… Ông muốn, nếu có thể sẽ làm một triển lãm ra mắt công chúng.
Ngô Xuân Khôi tâm sự: “Sau rất nhiều năm làm nghề tôi thấy mình hợp với những cái thuộc về văn hóa truyền thống. Tôi mê những bức phù điêu đình chùa. Các nghệ nhân dân gian xưa tài hoa lắm, cao siêu lắm. Xem những bức chạm bong, chạm lộng xoăn xuýt cuồn cuộn, thô mộc có, tinh xảo có mới thấy đời sống tinh thần và tay nghề của cha ông ta rất đáng nể. Đó là một kho tàng mà chưa ai dám nói là mình hiểu hết. Tôi làm tranh khai thác những yếu tố đó bằng chất liệu mới và bút pháp mới”.