Họa sĩ trẻ mơ ước 'kê cao quê hương' bằng hội họa

Là sinh viên hiếm hoi người dân tộc thiểu số của Đại học Mỹ thuật Việt Nam, thế nhưng Vàng Hải Hưng (sinh năm 1995, dân tộc Giáy) đã nỗ lực, phấn đấu hết mình với thành tích học tập 'khủng' và tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu năm 2020. Trong tranh của Hưng, người xem dễ dàng nhận thấy hình ảnh của đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi biên cương hiện lên sinh động, hấp dẫn và đầy cuốn hút.

Họa sĩ Vàng Hải Hưng (thứ 3 từ trái sang) tham gia vẽ tranh cổ động do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc tại Việt Nam và Viện Dinh dưỡng tổ chức. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Họa sĩ Vàng Hải Hưng (thứ 3 từ trái sang) tham gia vẽ tranh cổ động do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc tại Việt Nam và Viện Dinh dưỡng tổ chức. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Họa sĩ trẻ Vàng Hải Hưng từng gây ấn tượng với tôi khi chia sẻ: “Tuổi trẻ sẽ không tránh khỏi sự bồng bột, xốc nổi, thế nhưng được theo đuổi đam mê với công việc sáng tạo là niềm hạnh phúc lớn lao. Mặc dù con đường phía trước còn nhiều gập ghềnh nhưng đó chắc chắn sẽ là những trải nghiệm để mình khôn lớn và trưởng thành hơn”. Đó là khi Hưng nói về việc mình từng học đến năm thứ 2 Đại học Lâm nghiệp rồi bỏ giữa chừng đi theo tiếng gọi của trái tim để thi vào Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Hưng kể, mình sinh ra ở xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai và sớm có tình yêu với hội họa. Từ bé, xem trên ti vi hay xem các cuốn sách, cuốn truyện, Hưng cứ mê mẩn theo những bức vẽ và đôi tay cảm giác như muốn vẽ lại những hình đó. Dù lắt léo, rẽ ngang nhưng cuối cùng Hưng đã can đảm đi theo con đường đam mê của mình, mặc sự ngăn cản của gia đình. Bố mẹ Hưng cho rằng, phải làm công an, bộ đội, kiến trúc sư, kỹ sư... mới là công việc được xã hội trọng vọng, mới có thu nhập ổn định, còn theo hội họa sau khi tốt nghiệp tương lai không biết ra sao? Hơn nữa, với người dân tộc thiểu số như quê hương của Hưng thì hội họa còn là một thứ khá xa lạ, không gần với thực tế, thậm chí còn rất viển vông.

Vì thế, khi Hưng chuyển trường, bố mẹ Hưng đã cắt “viện trợ” hằng tháng. Hưng một mặt phải đi làm thêm kiếm sống, một mặt phải chứng minh năng lực thực sự của mình để bố mẹ thấy được hội họa không viển vông, hội họa là một nghề có thể kiếm sống. Và “nút thắt” được mở vào năm thứ 2 đại học, khi Vàng Hải Hưng nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì “đã có thành tích tốt trong học tập và rèn luyện trong năm 2015 và 2016”, đồng thời vinh dự là một trong 10 sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu được gặp mặt Phó Chủ tịch nước tại Phủ Chủ tịch vào cùng một ngày (ngày 27-10-2016).

Đã gần 5 năm trôi qua nhưng trong tâm trí của mình, Vàng Hải Hưng còn nhớ những lời nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh căn dặn: “Trong bộ máy Nhà nước, các con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số lượng không ít, các em hãy cố gắng để tiếp nối theo tiếng vọng ấy”. Đó chính là động lực thôi thúc Hưng nỗ lực hơn nữa với dân tộc Giáy, với quê hương Lào Cai yêu mến của mình.

Họa sĩ Vàng Hải Hưng sớm chọn cho mình phong cách vẽ ý niệm, nghĩa là lối ẩn dụ trong tranh mà có thể người xem chỉ nhìn qua thì không thể hiểu hết được nội dung. Như bức “Chi chi chành chành” giành giải Nhất cuộc thi - triển lãm Mỹ thuật sinh viên năm 2020, nếu nhìn qua chỉ thấy 4 em học sinh mặc đồng phục, lưng đeo cặp đang đứng trước vách tường đá cao. Điều sâu xa mà họa sĩ muốn truyền thông điệp là những đứa trẻ vùng cao có những hoàn cảnh khác biệt hoàn toàn với những đứa trẻ ở thành phố, mọi thứ từ gia đình, kinh tế và hiểu biết bị hạn chế. Chúng phải đối mặt với những điều đó mỗi ngày, lâu dần tự tạo thành những bức tường đá vô tình cản trở ít nhiều con đường đến với con chữ của các em. Và trong hoàn cảnh này, các em phải tự đối thoại với chính những điều đó và tự vượt lên để thoát ra vòng vây đó.

Rồi đơn giản trong bức vẽ cái dĩa và con dao trên một cái đĩa, Hưng đã truyền đi thông điệp đó chỉ là kết thúc một bữa ăn để lại một cảm giác khi nhìn vào đĩa và nó có những gợi ý về những thứ còn sót lại. Bức vẽ này chính là sản phẩm Hưng đã tham gia vẽ tranh cổ động về việc ăn uống lành mạnh do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc tại Việt Nam và Viện Dinh dưỡng tổ chức và tranh đã được treo trang trọng tại trụ sở Liên hợp quốc tại Hà Nội.

Hay trong những ngày này, khi cả nước đang “căng mình” chống dịch, Hưng đã vẽ bức “Ánh sáng không bao giờ tắt” ghi lại cảnh làm việc trong đêm tối của 2 bác sĩ, bên ngoài có xe cứu thương và Công an túc trực với hàm ý năng lượng và ánh sáng làm việc của bác sĩ và cũng mở ra niềm hy vọng về ngày chiến thắng đại dịch.

Vàng Hải Hưng bộc bạch: “Các tác phẩm của tôi được xây dựng bằng cách tạo những hình ảnh đặt câu hỏi một cách thẳng thắn và hồn nhiên của một đứa trẻ, hình ảnh ấy mang tính ẩn dụ nhưng không phải lúc nào cũng cụ thể cho một thông điệp. Qua đó, tôi muốn khuyến khích trí tưởng tượng, cho phép người xem tạo ra những câu chuyện của riêng họ”.

Còn họa sĩ Đào Quốc Huy – thầy giáo hướng dẫn tốt nghiệp đại học cho Vàng Hải Hưng thì cho rằng: “Hu#ng là người biết vận dụng những kỹ na#ng và kiến thức tích lũy trong quá trình học tập kết hợp với bản năng vốn có của mình để thực hành sáng tác. Và bằng một cách nào đó, Hưng đã làm cho tinh thần của xã hội hiện đại chuyển động trong tranh của mình”.

Dù có tuổi đời còn rất trẻ nhưng họa sĩ Vàng Hải Hưng đã tham gia nhiều triển lãm có uy tín, như: Mỹ thuật khu vực 3 Tây Bắc - Việt Bắc tại Lào Cai năm 2018, họa sĩ trẻ “How much is it” tại Hà Nội năm 2018; triển lãm sinh viên năm 2020; triển lãm “Mời bạn vào” năm 2020; Festival Mỹ thuật Trẻ năm 2020; triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2020 và gần đây nhất là triển lãm “Bạn đang nghịch gì?” ở Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom...

Dễ dàng nhận thấy trong nét vẽ của mình, Hưng đặc biệt quan tâm đến cuộc sống sinh hoạt của người dân tộc thiểu số như bốc vác qua biên giới, làm việc trên nương..., hay cảnh mây núi biên cương. Hưng mong muốn, qua những bức ảnh của mình, mọi người sẽ có cái nhìn đầy đủ về cuộc sống của người dân tộc ở biên cương, từ đó, có thể gợi mở vấn đề phát triển du lịch, phát triển kinh tế để người dân bớt đi sự nhọc nhằn, gian khó. Trong tương lai, họa sĩ trẻ mong muốn vẽ về văn hóa, tập tục của dân tộc mình để mọi người biết đến người Giáy nhiều hơn, qua đó, động viên, khuyến khích những bạn trẻ người Giáy cố gắng gìn giữ văn hóa của ông cha để lại.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hoa-si-tre-mo-uoc-ke-cao-que-huong-bang-hoi-hoa-post442771.html