Họa sĩ trẻ phiêu lưu cùng sơn mài

Lựa chọn lối đi riêng, khi là chuyển động của chất liệu, lúc lại là kỹ thuật tạo hình, các họa sĩ trẻ theo đuổi nghệ thuật sơn mài đã vượt qua nhiều trở ngại để khai phá, chuyển dịch cả chủ đề và chất liệu trong bối cảnh không ngừng biến đổi của hội họa đương đại.

Kiên trì theo đuổi đam mê

Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của tranh sơn mài, nhưng với các họa sĩ độ tuổi trên dưới 30, theo đuổi chất liệu này không hề dễ dàng. Ngay bước làm ra một tấm vóc, tức là phần khung thô của một bức tranh sơn mài, đã phải trải qua 12 nước sơn, mùn cưa, bó đất rồi lại sơn mới tạo ra được phần nền đen bóng. Sau đấy mới đến công đoạn trang trí họa tiết bằng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai, vỏ trứng, ốc, cật tre... vẽ trên nền vóc màu đen. Tranh có thể được vẽ rồi mài nhiều lần tới khi đạt hiệu quả họa sĩ mong muốn. Sau cùng là đánh bóng tranh. Để ra đời một sản phẩm, họa sĩ phải kiên trì với phương pháp thủ công, thậm chí hàng tháng trời với sự đầu tư công phu.

Chiêm ngưỡng bức sơn mài trên vóc "Vườn mộng mơ" của Phạm Trà My. Ảnh: HS

Chiêm ngưỡng bức sơn mài trên vóc "Vườn mộng mơ" của Phạm Trà My. Ảnh: HS

Nhưng chính sự khác biệt và công phu này đã thu hút nhiều họa sĩ trẻ theo đuổi dòng tranh sơn mài; họ thích sự tỉ mỉ khi vẽ, nhất là cảm giác hồi hộp, chờ đợi khám phá xen lẫn tò mò trong quá trình mài màu để lộ dần những lớp màu sắc ẩn sau đó và việc tận hưởng niềm vui khi tác phẩm được hoàn thành.

Vũ Văn Tịch tuy là gương mặt mới đối với công chúng yêu mỹ thuật, song trong giới hội họa, anh đã được công nhận qua việc thử nghiệm thành công nhiều kỹ thuật phức tạp. Trong khoảng hơn 10 năm, anh đã kiên trì học hỏi, nghiên cứu, hiểu sâu hơn về các kỹ thuật sơn mài, phát triển mở rộng biên độ chất liệu. Theo Vũ Văn Tịch, sơn mài là chất liệu đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. “Đa số sáng tác của tôi phải mất từ 1 - 3 năm để hoàn thành và không có cách nào khác là kiên trì. Chính sự kiên trì đã nuôi giữ cảm xúc trong tôi suốt quá trình làm việc”.

Năm 2014, bước ngoặt của Vũ Văn Tịch là gặp gỡ thầy Triệu Khắc Tiến, tiến sĩ chuyên ngành sơn mài duy nhất tại Việt Nam thời điểm hiện tại. Anh và một số họa sĩ trẻ đã nghiên cứu, hiểu sâu hơn về các kỹ thuật sơn mài Việt Nam và phát triển theo những hướng riêng, đặc biệt là ứng dụng những vật liệu mới vào tranh. Từ thử nghiệm thành công kỹ thuật nét vẽ tinh trên sơn mài, đến năm 2019 - 2022, series Trong vườn gồm 30 bức sơn mài của Vũ Văn Tịch được đánh giá đã không còn bị chi phối, không phụ thuộc vào chất liệu. Theo anh, kỹ thuật sơn mài cơ bản không nhiều, nhưng phải phát triển lên đến hàng nghìn ứng dụng khác nhau, phù hợp với tư duy và phong cách tạo hình của mỗi họa sĩ.

Biến hóa với chất liệu và kỹ thuật

Sau thành công đầu tiên với Huy chương Vàng dành cho tác phẩm Dạo khúc vào năm 2015, Nguyễn Thị Thúy Nguyệt tham gia nhiều hơn các dự án và triển lãm về sản phẩm sơn mài. Cô vẽ các chủ đề tình yêu, chân dung phụ nữ, Phật giáo, và nhiều nhất là sinh hoạt của các cô gái thành thị hiện đại. Bằng chất liệu sơn mài truyền thống, họa sĩ khai thác đề tài rất đời thực của phụ nữ với son phấn, váy vóc trong vũ trường, trên sân khấu và cả những góc riêng tư khi họ tĩnh lại. Các bức tranh thể hiện kỹ thuật tạo hình hội họa và việc làm chủ chất liệu. Nguyệt cho rằng, bảng màu sơn mài tuy không chuyển nhiều sắc độ nhưng lại có sự chuyển động về bề mặt. Cùng là một lớp chất liệu nhưng mang nhiều trạng thái khác nhau, khi là màu nguyên, khi được hòa trộn với các chất liệu khác như bạc, vỏ trai, vỏ trứng... tạo thành hình thái màu mới.

Còn với Phạm Trà My, sơn mài cô thể hiện có biên độ dao động khá lớn cả về màu, hình và phong cách. Điểm đáng chú ý trong tranh của cô là kỹ thuật đa dạng và cách sử dụng hình đồng hiện trong không gian. Mặc dù khá vất vả khi theo đuổi sáng tác sơn mài nhưng chất liệu này khiến cô cảm thấy thú vị và muốn chinh phục. Cô thường chọn cách xử lý khác biệt giữa mảng hình và khoảng trống trong tranh, phô diễn kỹ thuật.

“Tôi muốn thoát khỏi những màu sắc quen thuộc của sơn mài truyền thống và cả bố cục cổ điển trong hội họa để câu chuyện trong tranh hiện lên như một bữa tiệc sắc màu bí hiểm. Tôi hy vọng góp tiếng nói riêng trong xu hướng chung của sơn mài Việt, với hiệu ứng nhiều lớp và kỹ thuật mài phẳng, chủ động dẫn dắt các mảng màu mang tính nghệ thuật”, Phạm Trà My chia sẻ.

Họa sĩ trẻ Nguyễn Xuân Lục thích sáng tác các tác phẩm phù điêu sơn mài, với ngôn ngữ tạo hình độc đáo. Trưởng thành từ làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), anh đồng thời là một nghệ nhân gắn bó với nghề thủ công từ rất sớm. “Chất liệu và kỹ thuật sơn mài không chỉ là phương tiện mà còn là câu chuyện và nguồn cảm hứng của tôi”.

Để tạo ra một sản phẩm khảm trai hay sơn mài, theo Nguyễn Xuân Lục đều phải nắm vững kỹ thuật, nếu kỹ thuật tốt thì cái gì cũng có thể làm đẹp. "Tôi muốn hướng đến câu chuyện ẩn ý đằng sau ngôn ngữ hội họa, và tôi cho đó mới là cái quyết định giá trị của tác phẩm".

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn nhận xét, nhìn chung các họa sĩ trẻ đam mê chất liệu sơn mài truyền thống đã tìm được các hình thức khác nhau, từ cách xử lý ngôn ngữ đến màu sắc trong tranh. Họ đã tự mình tìm ra con đường riêng song vẫn cần thời gian để khẳng định những đóng góp mới cho sơn ta, sơn mài Việt. "Những người trẻ có năng lượng tốt, chủ động trong giải quyết các câu chuyện mới cho sơn mài nhưng họ đang bước những bước rất chậm chứ không vội vàng, và đó là điều tốt".

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/hoa-si-tre-phieu-luu-cung-son-mai-i339700/