Họa sĩ tự khuôn mình vào kỷ luật giờ giấc như nhân viên công sở

Ngẫu hứng là ấn tượng dễ thấy về phong cách, sinh hoạt của một nghệ sĩ. Họa sĩ Trần Hải Minh thì khác, ông sáng tạo trong kỷ luật, tự khuôn mình ngày nào cũng vẽ đều đặn 8 tiếng.

 Họa sĩ Trần Hải Minh.

Họa sĩ Trần Hải Minh.

38 năm học tập và sáng tác, dành hết tài năng và tâm huyết cho thể loại tranh trừu tượng biểu hiện, họa sĩ Trần Hải Minh cho biết chính vì hội họa khó, nên ông mới tiếp tục miệt mài vẽ.

Đây là chia sẻ của họa sĩ trong buổi khai mạc triển lãm trưng bày những tác phẩm tranh trừu tượng biểu hiện mới nhất của mình tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tối ngày 3/7.

"Ngày nào không vẽ, tôi khó chịu vô cùng"

Trong số 71 tác phẩm này đa số đều là tranh khổ lớn, được họa sĩ thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2024. Lượng lớn tranh vẽ thuộc bốn phong cách chính mà ông theo đuổi là trừu tượng biểu hiện kinh điển, trừu tượng biểu hiện trữ tình, trừu tượng biểu hiện thư pháp và hình thể tự do được hoàn thành trong khoảng thời gian chỉ vỏn vẹn nửa năm cho thấy khả năng sáng tạo dồi dào của Trần Hải Minh.

Chia sẻ với Tri Thức - ZNews, họa sĩ cho biết ông vẽ mỗi ngày. "Một ngày nào không vẽ, tôi thấy rất bứt rứt. Một ngày nào không sáng tạo, tôi thấy khó chịu vô cùng", họa sĩ nói.

Hàng ngày, ông dậy từ 5h30 hoặc muộn nhất là 6h sáng, ăn sáng, tập thể dục, chuẩn bị mọi thứ để đến 7h30 là bắt đầu làm việc. Từ 11h30 ông nghỉ trưa trong khoảng một tiếng rưỡi rồi lại tiếp tục vẽ từ 13h đến 15h chiều.

Là nghệ sĩ, nhưng ông tự khuôn mình vào khung giờ làm việc như một nhân viên văn phòng: "Tôi đều đặn làm việc 8 giờ mỗi ngày, dù không ai bắt ép tôi phải như thế cả".

Nhắc lại hai trụ cột của trừu tượng biểu hiện là màu sắc và bút lực, Trần Hải Minh tâm niệm họa sĩ trừu tượng biểu hiện cần có nội tâm, nội lực và truyền đạt được điều đó đến người xem. "Bởi vì ai cũng có những khắc khoải, những đam mê trong mình, nên trừu tượng biểu hiện mới có sức sống lâu dài như vậy khi so sánh với các trường phái hội họa khác", ông nhận định.

Họa sĩ Trần Đán từng ví von rằng Trần Hải Minh chọn gam màu như "chọn những con ngựa nhanh nhẹn nhất, dũng mãnh nhất... cho chúng quần thảo nhau một cách bất ngờ, ngẫu hứng... đường nét rất chừng mực, như những vệt tàn dư của ký ức".

Còn về bút lực, Trần Đán nói về cảm nhận "sức mạnh của sơn vuột ra khỏi cọ vồ lấy nền toan... chồng lên nhiều lớp khiến màu sắc ẩn hiện, tăng cường kịch tính thị giác". Nhìn toàn thể, ông gọi bức tranh là "một dòng thác của màu chảy vào màu, nét nhập vào nét, sơn che lấp sơn".

Sách tranh đánh dấu thời điểm chín muồi trong nghệ thuật

Nhân dịp này, sách tranh Trần Hải Minh cũng được giới thiệu đến người yêu hội họa. Nếu triển lãm trưng bày các tác phẩm nổi bật thì cuốn sách tổng kết cô đọng hành trình 38 năm gắn bó với hội họa của họa sĩ.

 Họa sĩ Trần Hải Minh tại xưởng vẽ.

Họa sĩ Trần Hải Minh tại xưởng vẽ.

Sách 430 trang, trong đó 1/3 giới thiệu quá trình học tập và sáng tác của họa sĩ tại Đức và Việt Nam. Phần còn lại giới thiệu tác phẩm nổi bật nhất của họa sĩ qua nhiều giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp.

Khi được hỏi lý do lựa chọn thời điểm này để thực hiện và ra mắt cuốn sách tranh, họa sĩ tâm sự rằng ông đã ấp ủ cuốn sách về hành trình học tập và sáng tạo hội họa của mình từ mười năm trước. "Tuy nhiên, khi ấy tôi cảm thấy chưa đủ, chưa 'chín muồi'. Trong hội họa, người nghệ sĩ và tác phẩm của họ luôn có sự tiến triển cùng thời gian".

Họa sĩ Trần Hải Minh tâm niệm rằng chỉ có miệt mài sáng tác, làm việc, nỗ lực không ngừng thì người nghệ sĩ mới đạt được độ chín trong sáng tạo. "Mười năm trước, tôi làm không đủ nhiều, bây giờ tôi vẽ nhiều hơn", họa sĩ sinh năm 1962 cho biết.

Nhận định về môi trường nghệ thuật hiện nay tại Việt Nam, ông cho rằng nhờ có sự phổ cập của Internet và công nghệ, lớp nghệ sĩ trẻ của đất nước đã tiếp cận được nhiều xu hướng, cái mới, cái hay của thế giới, nhận thấy ở họ sự tìm tòi, sáng tạo, chịu khó. So sánh với bối cảnh 20 năm trước, môi trường nghệ thuật hiện này đã nhiều thay đổi, cởi mở hơn xưa. "Cánh cửa đã mở ra, quan trọng là họ có chịu bước vào hay không".

Trả lời câu hỏi về quan điểm của ông với việc trí tuệ nhân tạo (AI) tham gia vào các lĩnh vực sáng tạo, Trần Hải Minh khẳng định: "Dù có tài giỏi đến đâu thì AI cũng không thể làm được những tác phẩm vẽ ra từ tấm lòng, từ xúc cảm của người nghệ sĩ. Không bao giờ!"

Triển lãm TRẦN HẢI MINH và hành trình 38 năm với hội họa diễn ra từ ngày 3 đến ngày 13/7/2024 tại bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM.

 Hình ảnh tại triển lãm.

Hình ảnh tại triển lãm.

Đến tham dự triển lãm vào ngày khai mạc, chị Lương (41 tuổi, quận 2, TP.HCM) và con gái Thanh Bạch (16 tuổi) trầm ngâm trước những bức tranh.

Thanh Bạch sinh ra tại Trung Quốc và lớn lên ở Đài Loan, theo học nghệ thuật hội họa từ bé. Cô bạn chia sẻ cảm nhận về triển lãm: "Những bức tranh này không có một ý nghĩa cố định mà sẽ tùy vào cảm nhận mỗi người. Người xem tranh có thể có nhiều cách diễn đạt khác nhau".

Chia sẻ với nhận định này của con gái, chị Lương nói: "Mỗi người nhìn vào tranh sẽ thấy một điều khác nhau. Và thậm chí mỗi người vào những thời điểm khác nhau, quan sát ở góc độ khác nhau, lại nhìn thấy những điều mới mẻ, khác đi".

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoa-si-tu-khuon-minh-vao-ky-luat-gio-giac-nhu-nhan-vien-cong-so-post1484392.html