Họa sĩ Văn Đa - Hòa sắc màu cho cuộc đời chung

Đã 25 năm trôi qua kể từ ngày tôi làm phim chân dung về họa sĩ Văn Đa. Kể cũng lạ, chẳng hiểu biết gì về phim ảnh lại được phân công làm phim chân dung về họa sĩ, sau này là các văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Tạo; nhà thơ Vũ Cao, Xuân Khiêm; nhà văn Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Nguyễn Khải, Lê Lựu… nhưng ấn tượng nhất vẫn là làm phim về các họa sĩ.

Qua những khung hình

Họa sĩ Văn Đa.

Họa sĩ Văn Đa.

Người giới thiệu họa sĩ Văn Đa với tôi để làm phim là họa sĩ Quách Đại Hải ở Tạp chí Văn nghệ quân đội. Tôi khi đó thường lân la sang Văn nghệ quân đội lấy bản thảo về giới thiệu trên truyền hình nên rất được các chú các anh “chiều chuộng”.

Tôi học được nghề từ đây cũng không phải ít và cuối cùng trở về ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế công tác một mạch đến bây giờ.

Ngày ấy chúng tôi làm kịch bản văn học đối với thể loại phim chân dung rất kĩ lưỡng tới từng cảnh quay chúng tôi gọi là quay phim trên giấy. Tôi chưa học qua trường một ngày nào mà toàn được phân công với những quay phim giỏi nên rất sợ các anh chỉnh nghề, thậm chí là bắt bẻ lỗi biên tập. Song tôi cũng vừa làm vừa học, thành ra mọi sự cứ thế êm xuôi.

Phim về họa sĩ Văn Đa là phim đầu tay của tôi. Tôi cùng với họa sĩ Quách Đại Hải có đến vài tuần tới hầu chuyện cụ trên căn gác xép gần hồ ở đường Trấn Vũ (Hà Nội). Họa sĩ Văn Đa rất cởi mở lúc nào cũng rót rượu cho tôi và Quách Đại Hải nhâm nhi, còn ông kể đủ thứ chuyện, nhất là chuyện không có tiền thuê mẫu vẽ mấy ông họa sĩ đã phải mời cả bạn gái thân làm mẫu vẽ chung.

Tranh của các ngài vậy mà không có chỗ nào giống nhau khiến người mẫu cũng từ từ thoát hiểm. Ngày đó, mỗi khi họa sĩ kiếm mẫu vẽ khỏa thân cứ phải lén lút như đi buôn bạc giả thì các cụ Văn Đa, Mai Văn Hiến… vẫn rất tài tình thực hiện được những bức tranh ra tấm ra món, nhất là để thỏa cơn khát nghề nghiệp trong những lúc khó khăn.

Họa sĩ Văn Đa rất biết đóng phim đã cứu tôi thoát khỏi nhiều bàn thua trông thấy trong các phim đầu tay có phần ngô nghê của mình. Giới họa sĩ thường rất giỏi bố cục tạo hình.

Tôi làm biên tập kiêm đạo diễn phim tài liệu chân dung bỗng nhiên vớ được "mỏ vàng" từ các cụ. Văn Đa là như vậy. Vũ Cao vào phim cũng rất tuyệt vời. Họa sĩ Mai Văn Hiến dẫu ở trên chiếc xe lăn vẫn biết dẫn dắt các khuôn hình vừa uyển chuyển vừa tinh tế giống như những bậc thầy để lứa chúng tôi trưởng thành một cách tự nhiên.

Một số minh họa của họa sĩ Văn Đa.

Một số minh họa của họa sĩ Văn Đa.

Tôi rất nhớ, trong một cuộc họa sĩ Văn Đa và nhà thơ Vũ Cao cùng các bạn văn nghệ trở lại Núi Đôi (Sóc Sơn, Hà Nội). Các cụ tuổi đều ngót nghét 80 vẫn leo núi phăm phăm khiến cánh trẻ mệt nhoài. Đơn vị cũ ở Sóc Sơn các anh chị như không tin vào mắt mình khi thấy đích thân tác giả của bài thơ “Núi Đôi” rất nổi tiếng xuất hiện bằng xương bằng thịt.

Họa sĩ Văn Đa ký họa trực tiếp các hình ảnh của đơn vị khiến ai nấy đều rất phấn khích như bỗng quên đi khó khăn gian khổ đời thường. Văn học nghệ thuật quả là có sức mạnh hết sức to lớn. Một cậu binh bét như tôi bỗng chốc trở thành biên tập - đạo diễn truyền hình quân đội mời được toàn các bậc đa đề từ thời chống Pháp tới đơn vị làm phim chẳng khác gì chuyện thần thoại.

Họa sĩ Văn Đa quá đỗi gần gũi. Mãi về sau, tôi mới biết ông là một trong những họa sĩ chủ chốt thực hiện phần minh họa trên Tạp chí Văn nghệ quân đội chứ ngày làm phim về ông tôi cứ tưởng ông là một bậc đa đề có từ thời trước cách mạng.

Ông tuyệt đối không cho rằng mình là họa sĩ lớn mà toàn giới thiệu và ca ngợi các bậc đàn anh như: Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Phan Chánh, Huỳnh Văn Gấm… còn bảo mình chỉ giỏi vẽ minh họa cho các ông anh mà thôi.

Một đời ký họa

Họa sĩ Văn Đa nổi tiếng với nhiều bức ký họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó nhiều bức được in trang trọng trên trang nhất các báo lớn mỗi dịp lễ kỷ niệm đã cho thấy sự tài hoa và tấm lòng thành kính của ông với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Thể hiện thành công các ký họa chân dung về Hồ Chủ tịch càng cho thấy con đường mà các nghệ sĩ trong đó có giới họa sĩ đã lựa chọn đều trước sau như một, kiên định, thảo thơm vì công cuộc lớn lao của cách mạng đã đem lại cuộc sống tự do, độc lập cho quần chúng nhân dân.

Cũng không phải ai cũng biết, họa sĩ Văn Đa đã vẽ rất nhiều tranh chân dung về các anh hùng, chiến sĩ thi đua, những bà mẹ Việt Nam anh hùng với một phong cách riêng. Những bức tranh đặc biệt đó, phần lớn đều được họa sĩ Văn Đa trao tặng các nhân vật và thân nhân gia đình nhân vật ở trong tranh.

Trân trọng các giá trị máu xương, trân trọng những hy sinh không thể đong đếm bằng vật chất, những bức tranh chân dung của Văn Đa đã góp phần sưởi ấm, chia sẻ và lắng đọng nghĩa tình của người nghệ sĩ với những người đã đóng góp trí tuệ, máu xương của mình với Tổ quốc, với nhân dân.

Ít ai biết cuộc đời binh nghiệp của họa sĩ Văn Đa đã sớm bắt đầu từ khi ông mới 17 tuổi. Văn Đa quê gốc ở thôn Kim Hoàng, xã Thọ Nam, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ). Trú quán tại phố Nguyễn Khắc Hiếu, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Từ nhỏ Văn Đa đã học các bậc học tại trường Yên Phụ - Thăng Long - Hà Nội. Năm 17 tuổi, ông tham gia đội viên giải phóng quân Hà Nội. Năm 1946 là học viên quân chính khóa 5 (Khu II).

Thời kỳ chống Pháp (1947-1951) làm báo phụ trách ấn loát, báo miền Tây của Trung đoàn 52 Tây Tiến. Ông cũng là bạn đồng ngũ với nhà thơ Quang Dũng từ những ngày đầu kháng chiến. Sớm bộc lộ khả năng biết vẽ ngược, viết ngược trên đá thành thạo, ông đã cùng những người thầy là Hương Xuân Nhị, Bùi Xuân Phái, Tạ Tỵ, Lê Quốc Lộc, Mai Văn Nam… thực hiện các việc làm báo, in ấn ở Liên khu 3 trong kháng chiến chống Pháp và sau này đảm đương nhiều cương vị nhưng ở đâu và làm gì, họa sĩ Văn Đa cũng luôn để lại sự quý trọng, yêu mến của các văn nghệ sĩ nhất là giới họa sĩ.

Họa sĩ Văn Đa là cây vẽ minh họa chủ lực cho Văn nghệ quân đội. Ông có biệt tài vẽ tranh chân dung, nhất là các ký họa chân dung. Ký họa chân dung mà giới nghệ sĩ thán phục nhất là các chân dung về nhà thơ Quang Dũng, Thu Bồn, Vũ Cao, Hoàng Cầm, Chính Hữu và các nhà văn Hồ Phương, Tào Mạt, Nguyễn Khải, Xuân Thiều… Không hiểu tại sao, chỉ vài nét chấm phá mà thần thái các nhà văn nhà thơ đã hiện hình sắc nét rất sống động.

Tôi cũng đã từng được ông vẽ tặng vài bức ký họa chân dung khi đang thực hiện những cảnh quay về tranh của ông. Đối với tôi, đó luôn là những bức ký họa, những khoảnh khắc nghệ thuật vô cùng quý giá.

Họa sĩ Văn Đa đã thanh thản ra đi ngày 10/3/2008, khi mất ông vẫn còn rất minh mẫn. Vài tuần trước khi qua đời, tôi đến thăm ông vẫn còn nhắc đến câu chuyện sáng tác, những chi tiết hóm hỉnh đời thường của bạn bè văn nghệ.

Ông còn dặn tôi phải chăm viết như lứa các ông chưa bao giờ rời cây cọ một ngày. Vậy mà người họa sĩ - chiến sĩ ấy đã ra đi trong thương tiếc của biết bao người.

Họa sĩ Văn Đa - một họa sĩ đa tài của giới mĩ thuật quân đội cả một đời cống hiến sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng luôn là một tấm gương về lao động nghệ thuật, một loại hình lao động đặc biệt nhưng luôn khiêm nhường, bình dị, hòa sắc hương thơm cho cuộc đời chung.

PHÙNG VĂN KHAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hoa-si-van-da-hoa-sac-mau-cho-cuoc-doi-chung-10282420.html