Họa sỹ Doãn Hoàng Lâm: Đam mê bất tận với nude
Doãn Hoàng Lâm là 'con nhà nòi'. Cha anh là đạo diễn nổi tiếng Doãn Hoàng Giang, mẹ anh, Nguyệt Ánh, nữ diễn viên sở hữu nhan sắc xinh đẹp của thập niên 70. Nhưng Doãn Hoàng Lâm chưa bao giờ 'dựa hơi' gia đình. Anh đi con đường của riêng mình. Doãn Hoàng Lâm là một họa sỹ chuyên nghiệp, được biết đến nhiều với những bức tranh đàn bà trong trạng thái 'nguyên thủy'.
Tháng 9 vừa qua, trong triển lãm nhóm có tên “Toan” cùng với Tào Linh, Nguyễn Văn Chung, anh đã khoe 15 bức tranh chỉ vẽ đàn bà. Phải chăng trong mùa dịch anh muốn “cứu rỗi” thế giới bằng vẻ đẹp của chị em?
Doãn Hoàng Lâm: Trong số 15 bức tranh ở “Toan” thì có 13 bức chỉ vẽ một cô. Đó là cơ duyên để gặp một nỗi ám ảnh trên đời. Người đó gây cho tôi cảm xúc để làm việc. Trong tranh biểu hiện, cảm xúc là của chính tác giả, chứ không nhất thiết nhân vật trong tranh phải ghê gớm thế. Vấn đề là họ mang lại cảm xúc cho người nghệ sỹ thật ghê gớm. Đó là cơn cớ. Họa sỹ biểu hiện cần cảm xúc để làm việc, mà cảm xúc không bịa được. Thí dụ, họa sỹ vẽ phong cảnh nông thôn nếu xuất phát từ nông dân thật sự, có đi chăn trâu, cắt cỏ sẽ vẽ rất khác. Chứ còn bây giờ bảo tôi vẽ nông thôn thì tôi chỉ vẽ được cái vỏ nông thôn.
Anh vẽ về phụ nữ nhiều hơn cả trong sự nghiệp cầm cọ, tính đến thời điểm này?
Doãn Hoàng Lâm: Đúng. Tôi vẽ phụ nữ nhiều nhất. Đó là cơ duyên thôi. Chính sự trải nghiệm trong cuộc sống của tôi, khiến tôi có được cơ duyên đó. Tôi nói rất thật nhưng như đùa: Mọi thứ quan trọng tôi hiểu biết được là do phụ nữ dạy cho nhiều (cười).
15 bức tranh vẽ đàn bà trong triển lãm “Toan” vừa qua, với nhiều trạng thái, tư thế, trong đó có cả trạng thái “nguyên thủy”, được anh vẽ vào những thời điểm nào?
Doãn Hoàng Lâm: Tôi vẽ trong cùng một giai đoạn. Bắt đầu từ khoảng đầu năm nay, chừng tháng 2, tháng 3 đến tháng 9, trong khoảng nửa năm.
Anh bắt đầu cầm cọ từ bao giờ?
Doãn Hoàng Lâm: Tôi học ĐH Mỹ Thuật, ra trường từ năm 1999. Năm 2000 tôi có triển lãm đầu tiên. Triển lãm đó bắt nguồn từ cảm xúc của tôi về đường phố Hà Nội, về những đứa trẻ ăn xin, về những phận người sống trên hè phố. Khi đang học tôi đã yêu chủ nghĩa biểu hiện mà chủ nghĩa biểu hiện cần một cơn cớ, một cảm xúc mạnh. Những con người vất vưởng đầu đường xó chợ, những kiếp sống nghèo khó… Đời sống của họ quá khốc liệt. Chính sự khốc liệt ấy đánh động rất mạnh đến tôi.
Vậy khi nào anh bắt đầu vẽ đàn bà?
Doãn Hoàng Lâm: Tôi vẽ đàn bà cũng song song với những giai đoạn như thế. Tạo hóa ban cho phụ nữ một vẻ đẹp không gì sánh được. Ngay những bài học trong trường mỹ thuật đã vẽ phụ nữ rồi.
Khi nào anh bắt đầu vẽ nude?
Doãn Hoàng Lâm: Thì tôi cũng thích vẻ đẹp nguyên thủy, cũng bị ám ảnh bởi vẻ đẹp nữ tính và bị cuốn hút bởi cái mãnh liệt trong đời sống tinh thần của người phụ nữ nữa.
Nghe nói đạo diễn Doãn Hoàng Giang, cha anh, cũng vẽ được?
Doãn Hoàng Lâm: Có, ông cũng thích vẽ nhưng amateur, nghiệp dư, thôi. Ông không được đào tạo về vẽ.
Ngoài đàn bà và nude anh còn vẽ gì khác?
Doãn Hoàng Lâm: Một mảng khác tôi cũng thích là chân dung. Tôi vẽ cả chân dung đàn ông và trẻ con nhưng ngay mảng này tôi cũng thích vẽ phụ nữ nhất. Phần lớn tôi vẽ chân dung phụ nữ .
Phụ nữ trong tranh anh ngày xưa khác gì so với phụ nữ trong tranh anh hiện tại?
Doãn Hoàng Lâm: Thay đổi nhiều chứ. Những ai xem tranh tôi cách đây 20 năm sẽ nhận ra. Nhưng có cái chung: Chủ nghĩa biểu hiện vẫn rất mạnh mẽ. Có những bức ngày xưa còn mạnh hơn thế này nhiều lần, mạnh khủng khiếp, nhưng tôi cho rằng, cảm xúc hồi ấy có khi là cảm xúc mình bịa, mình nhầm tưởng. Khi biết hơn, lớn hơn thì tôi không cần bịa, cái cụ thể đã quá đủ.
Vẽ nude khi thuê người mẫu chuyên nghiệp khác gì so với vẽ nude bằng cảm xúc từ hiện thực đời sống?
Doãn Hoàng Lâm: Nhiều người mẫu cho tôi cảm giác rất dễ chịu, có thể mình sẽ vẽ bức tranh êm ái. Nhưng bạn thấy đó, chỉ có 2 bức trong triển lãm “Toan” tôi vẽ mẫu thật. Còn lại là cảm xúc đời sống. Khác ở chỗ với cảm xúc đời sống tôi không cần trực họa. Tôi muốn vẽ bằng cảm giác nhiều hơn là vẽ một thân thể. Còn nữa, người mẫu chuyên nghiệp thì phải thuê. Vẽ cô mẫu không chuyên nghiệp thì không phải thuê mà đời sống thúc mình phải vẽ (cười). Khi mình có ý tưởng mơ hồ thì thuê người mẫu để lắp vào bố cục. Chuyện đó khác hoàn toàn một người khiến mình bắt mình phải vẽ, không thể không vẽ được.
Anh bán được nhiều tranh nude không?
Doãn Hoàng Lâm: Bây giờ người ta sưu tập tranh khỏa thân cũng nhiều. Tôi biết có nhà sưu tập chỉ sưu tập tranh khỏa thân, không mua bất cứ loại tranh nào khác. Ông ta có khoảng 30 bức của tôi và hàng trăm bức của tác giả khác nữa. Các nhà sưu tập mua tranh trường phái biểu hiện là mua một phần đời sống của tác giả. Họ trải nghiệm chung với tác giả trong tác phẩm đó.
Khách tây hay khách Việt đến với anh nhiều hơn?
Doãn Hoàng Lâm: Cách đây khoảng 15 năm tôi hầu như không bán được bức tranh nào cho người Việt Nam, 100% là người nước ngoài. Bây giờ thì ngược lại, toàn người Việt Nam gõ cửa.
Giá tranh của anh ra sao?
Doãn Hoàng Lâm: Giá tranh chẳng do tôi quyết định. Nó là quy luật cung cầu. Tôi không phải họa sỹ đắt hàng nếu đắt hàng hơn có thể giá cao hơn.
Vì sao anh nghĩ mình không phải họa sỹ đắt hàng?
Doãn Hoàng Lâm: Tôi chịu đó. Vì do người mua quyết định. Nhưng có thể tranh của tôi xa rời hoàn toàn tính trang trí. Chúng không thể trang trí nhà cửa được. Tranh của tôi có thể treo ở bất cứ đâu nhưng không nhằm mục đích trang trí. Thí dụ một người sưu tập có thể treo tranh của tôi giữa phòng khách, nếu họ thích. Đó là họ đồng cảm với tôi, muốn có một phần đời sống của tôi trong nhà của họ. Họ nhìn vào đó, cảm thấy được chia sẻ, chứ không phải trang trí nhà.