'Họa sỹ Trịnh Tú với chuyện hình sắc': Những bí ẩn ở 'mặt sau của tấm toan'

Cuốn sách tập hợp khoảng 40 bài báo của họa sỹ Trịnh Tú về nghệ thuật. Viết và vẽ song hành, các bài viết của ông thể hiện một bề dày kiến thức và văn hóa.

Họa sỹ Lê Thiết Cương giới thiệu về cuốn sách “Họa sỹ Trịnh Tú với chuyện hình sắc.” (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Họa sỹ Lê Thiết Cương giới thiệu về cuốn sách “Họa sỹ Trịnh Tú với chuyện hình sắc.” (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngày 28/6, Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Gallery 39 tổ chức buổi ra mắt Cuốn sách “Họa sỹ Trịnh Tú với chuyện hình sắc” tập hợp các bài viết của họa sỹ Trịnh Tú in rải rác trên các báo từ khoảng năm 1997 đến trước khi ông mất.

Chủ biên của cuốn sách, họa sỹ Lê Thiết Cương đã cùng gia đình và những người bạn thân thiết của họa sỹ Trịnh Tú sưu tầm các bài viết của ông.

Theo họa sỹ Lê Thiết Cương, đó là những bài viết của một người có kiến thức, của một người trải đời, trải nghề và một người có tấm lòng với bạn bè, đồng nghiệp. Đó còn là những bài viết “có văn,” ngoài chuyện bình tranh thì còn có văn chương, ý tứ.

“Ấy là chưa kể, người viết Trịnh Tú cũng là người vẽ, khác với những người viết về tranh mà không vẽ. Bên cạnh chuyện về một họa sỹ, một triển lãm hoặc một trào lưu hội họa bao giờ cũng có thêm những câu chuyện hậu trường, chuyện ‘mặt sau của tấm toan’, bên lề bức tranh, mà chỉ người trong nghề mới nhìn ra,” họa sỹ Lê Thiết Cương nhận định.

 Cuốn sách do Gallery 39 sản xuất, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cuốn sách do Gallery 39 sản xuất, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Do đó, các bài viết vẫn là phê bình lý luận nhưng không khô khan. Vì tác giả Trịnh Tú có một lối viết riêng, ông luôn đặt chuyện người, chuyện thân phận và chuyện nghệ thuật ở trong nhau.

“Chất ‘con giai phố cổ’ của Trịnh Tú lộ ra trong cách viết, nó mơ hồ bảng lảng, vu vơ, nhẹ nhàng... Ông không nhận định, lập luận cứng nhắc mà luôn để mở cho người đọc, người xem tranh đọc tiếp, xem tiếp,” họa sỹ Lê Thiết Cương cho biết.

Cuốn sách dày 200 trang, chia làm 3 phần. Chương I tập hợp các bài ông viết về hội họa và các họa sỹ có nhiều đóng góp cho mỹ thuật nước nhà. Chương II là các bài viết về các thể loại khác ngoài hội họa như nhiếp ảnh, chân dung một số văn nghệ sỹ. Phần Phụ lục gồm một số tác phẩm ông vẽ chân dung bạn bè, đa phần được ông sáng tác trên chất liệu sơn dầu, một vài bức ký họa trên phấn màu, than chì… sau khi đã nghỉ hưu tại tòa soạn cùng với đề tài phong cảnh và tĩnh vật là hai thể loại mà ông yêu thích.

 Một số tác phẩm của họa sỹ Trịnh Tú tại triển lãm.

Một số tác phẩm của họa sỹ Trịnh Tú tại triển lãm.

Năm 2013, ông có bài viết về họa sỹ Nguyễn Sáng, tác giả của hai bức tranh Bảo vật Quốc gia là “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” “Thanh niên thành đồng.”

Đề cập đến bức tranh sơn mài cuối cùng của họa sỹ Nguyễn Sáng, họa sỹ Trịnh Tú viết: “Bức tranh có tên ‘Vũ trụ’ ấy như báo hiệu một dự cảm đã hình thành từ thẳm sâu tâm thức ông về điểm dừng của một chặng đường dài...”

Không chỉ viết về những danh họa, họa sỹ Trịnh Tú còn nghiên cứu, trân trọng sáng tạo của những họa sỹ thế hệ sau, chẳng hạn như Đào Hải Phong: “Họa sỹ đã biết bắt đầu từ cái ước lệ phi lý ấy để đến với một không gian hội họa của riêng mình, mà ở đó sắc màu không chỉ dừng lại ở con mắt nữa. Nó đã mang đầy ắp âm thanh từ tâm tưởng, từ hồi ức, lấp lánh trên lùm cây, vạt cỏ...”

 Họa sỹ Trịnh Tú được đánh giá là người nghiêm cẩn, say mê nghệ thuật. (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Họa sỹ Trịnh Tú được đánh giá là người nghiêm cẩn, say mê nghệ thuật. (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Buổi ra mắt sách cũng gắn với triển lãm “Họa sỹ Trịnh Tú với chuyện hình sắc” giới thiệu gần 30 tác phẩm của họa sỹ Trịnh Tú và một số họa sỹ tiêu biểu mà ông đã viết bài phê bình như Lê Thiết Cương, Nguyễn Khánh Toàn...

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 5/7 tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 65 Nguyễn Du, Hà Nội./.

Họa sỹ Trịnh Tú (1949-2022) sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, thân sinh là cụ Trịnh Hữu Ngọc, là sinh viên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và là nhà thiết kế nội thất với thương hiệu Mémo lừng danh của thế kỷ 20. Anh chị em của ông đều là các họa sỹ, nghệ sỹ có tiếng.

Thời trẻ, họa sỹ Trịnh Tú là trợ lý, vẽ minh họa cho sách về giải phẫu gan của Giáo sư Tôn Thất Tùng. Sau này, ông có 20 năm làm ở báo Lao động, phụ trách việc viết phê bình mỹ thuật và vẽ tranh minh họa, biếm họa cho báo.

Ông đã tổ chức hai triển lãm cá nhân vào năm 2014 (Hà Nội) và 2017 (Thành phố Hồ Chí Minh).

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/hoa-sy-trinh-tu-voi-chuyen-hinh-sac-nhung-bi-an-o-mat-sau-cua-tam-toan-post961841.vnp