Hoa tết và câu chuyện thích ứng thị trường
Thực tế cho thấy, câu chuyện luẩn quẩn của ngành trồng, kinh doanh hoa tết vẫn lưu cửu. Dù bài học 'bể hoa tết' không mới, nhưng gần như năm nào cũng tái diễn. Đó là bài học về việc 'bắt mạch', thích ứng với thị trường'-nguyên tắc sống còn trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là với mặt hàng hoa tết.
Bài học cũ
Trong ngày cận tết Giáp Thìn năm nay, trước thềm Giao thừa, khi nhà nhà háo hức chờ đón năm mới, cũng là lúc rộ lên hình ảnh những chậu hoa ở các chợ hoa tại TP. Hồ Chí Minh bị người bán đập bỏ không thương tiếc.
Thật xót xa khi đập vào mắt người xem là cảnh những chậu hoa cúc, hoa vạn thọ tốn bao công sức và chi phí chăm sóc bị người bán đập bỏ la liệt. Lý do phá bỏ hoa được người bán giải thích là do người mua trả giá quá bèo bọt, không đủ bù lỗ, trong khi tết đã sát nút, nên thà đập bỏ còn hơn bán rẻ.
Phản cảm. Đó là chỉ trích từ dư luận trước cảnh hoa bị đập bỏ với thái độ giận dữ, có phần thô bạo của chủ hoa, như kiểu “giận cá chém thớt”, thách thức, dằn mặt người mua vì cho rằng họ “ép giá” quá đáng.
Bàn đến vấn đề văn hóa kinh doanh của người bán hoa trong ứng xử trên thương trường, dư luận tỏ ra bất bình, cho rằng, hành vi phá bỏ hoa một cách thô bạo nơi công cộng là không chấp nhận được. Chưa kể, hành vi không đẹp này trong dịp tết còn gây mất mỹ quan đô thị, tạo sức ép lên ngành vệ sinh môi trường dịp cuối năm, vi phạm Điều 318 Bộ luật Hình sự về gây rối trật tự công cộng.
Thực tế cho thấy, câu chuyện luẩn quẩn của ngành trồng, kinh doanh hoa tết vẫn lưu cửu. Dù bài học “bể hoa tết” không mới, nhưng gần như năm nào cũng tái diễn. Đó là bài học về việc “bắt mạch", thích ứng với thị trường”- nguyên tắc sống còn trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là với mặt hàng hoa tết.
Không như các mặt hàng khác, hoa tết là một sản phẩm đặc thù, khi có thời gian tiêu thụ ngắn, chỉ trong vòng dăm, ba ngày tết. Sức mua và thị hiếu người dùng hoa tết cũng khó đoán định, bởi đây là mặt hàng “chơi”, chỉ có giá trị làm đẹp, không thuộc mặt hàng nhu yếu phẩm, người mua có cũng được, không có cũng không sao. Chính sự mong manh này mà thị trường hoa tết trở nên phập phù, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Giới phân tích cũng cho rằng, đã là hàng hóa, hoa tết cũng phải chấp nhận sự chi phối của quy luật cung-cầu của thị trường. Để tránh rủi ro, người trồng hoa, người buôn hoa phải xác định được thời điểm bán; nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng; hàng phải đảm bảo chất lượng (đẹp, tươi), cùng các chính sách ưu đãi, khuyến mãi, giảm giá phù hợp để kích cầu tùy từng thời điểm, thực tế cung-cầu.
Thích nghi
Ở Huế, thị trường hoa tết năm nay có phần bình ổn so với năm ngoái.
Trò chuyện với một số chủ hoa, họ cho biết, năm nay, nhận định sức mua khó khăn trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, người dân tiết kiệm chi tiêu sau ảnh hưởng đại dịch COVID-19, các vựa trồng hoa giảm số lượng, tập trung nâng cao chất lượng hoa.
Chủ một vựa hoa tết ở khu vực trước đàn Nam Giao thuộc TP. Huế cho hay, đoán định về nhu cầu thị trường, xu hướng chơi mai chậu, mai cành và quất giảm, năm nay, chị tập trung trồng hoa cúc vàng với số lượng vừa phải. “Cúc chậu là hoa truyền thống ở Huế, có màu đẹp, lâu tàn, có thể chưng được cả tháng nên luôn được ưa chuộng. Đặc biệt, các chậu cúc lớn, bề thế vẫn được khách hàng có điều kiện tìm mua nhưng sức mua có phần giảm và yêu cầu cao hơn về chất lượng"-chủ vựa hoa nhận định.
Đến sáng 30 tết, trước vựa hoa cúc còn nguyên vẹn nhưng người mua khá vắng, hỏi có lo không, chủ vựa hoa đến từ làng hoa Phú Mậu tự tin: “Năm ngoái, tụi em bán số lượng gần gấp rưỡi nhưng đến chiều tối là hết nên năm nay không lo lắm”.
Thăm dò nhu cầu chơi hoa tết năm nay cho thấy, ngoài hoa cúc chậu truyền thống, được ưa chuộng, người chơi hoa có xu hướng chọn hoa đào, hoa mơ cắm bình. Một số hoa nhập ngoại tỉnh như ly Hà Nội, cẩm chướng Tàu, lan đen-rô Đà Lạt...được săn đón. Trong khi quất chậu khá thịnh nhiều năm trước có dấu hiệu bảo hòa. Riêng thú chưng mai vàng khá sốt một hai năm lại đây, tết này cũng chững lại.
Sáng 28 tết Giáp Thìn, tạt vào một hàng hoa đào cắm bình “dã chiến” trên đường Phan Bội Châu (TP. Huế), chỉ một loáng, số đào được một chủ buôn từ Bắc đưa vào Huế đã được mua sạch. Người bán nhiều năm buôn hoa tết vào Huế cho hay, đào cành cắm bình nhỏ, gọn, thanh mảnh năm nay đặc biệt được ưa chuộng.
Một vài câu chuyện để thấy, việc trồng hoa, buôn hoa tết, muốn sản xuất, kinh doanh ổn định, không bấp bênh, may rủi thì người trồng hoa và người bán cần có những kiến thức, sự nhanh nhạy nhất định về nắm bắt thị trường, thị hiếu, lường sức mua, định giá phù hợp... Nếu cứ nhắm mắt làm cái mình có, thay vì cái thị trường cần, thì chắc chắn sẽ phải trả giá.
Tuy nhiên, để nắm bắt được xu hướng thị trường, người trồng hoa rất cần nhận được sự hỗ trợ, định hướng để quá trình thích ứng chủ động, sáng tạo.