Hóa thạch 'ma cà rồng nước' được tìm thấy ở Trung Quốc

Các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch hai loài cá mút đá khổng lồ thời tiền sử ở phía bắc Trung Quốc, giúp cung cấp manh mối về lịch sử của một loài đã tồn tại từ hơn 360 triệu năm trước.

Loài cá giống lươn không hàm, đôi khi được gọi là “ma cà rồng nước” vì chúng bám vào con mồi và hút máu qua cái miệng hình phễu có răng. Các nhà khoa học trước đây không chắc tổ tiên thời tiền sử của chúng kiếm ăn như thế nào vì thiếu bằng chứng hóa thạch.

 Mô phỏng hình dáng của cá mút đá thời Kỷ Jura. Ảnh: NICE Vistudio

Mô phỏng hình dáng của cá mút đá thời Kỷ Jura. Ảnh: NICE Vistudio

Nhưng các nhà nghiên cứu làm việc tại Yanliao Biota - nơi lưu trữ lớn các hóa thạch Kỷ Jura ở biên giới các tỉnh Nội Mông, Hà Bắc và Liêu Ninh ngày nay - hiện đã phát hiện ra hóa thạch hai con cá mút đá 160 triệu năm tuổi, hé lộ lịch sử tiến hóa của nhóm động vật này

Các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc và Pháp đã phân tích các mẫu hóa thạch - hóa thạch lớn nhất dài hơn 60 cm - và phát hiện ra rằng cá mút đá đã trở thành loài săn mồi vào Kỷ Jura, khi khủng long lang thang trên Trái đất và đã phát triển các cấu trúc kiếm ăn nâng cao.

Các hóa thạch chỉ ra rằng chúng có khả năng ăn thịt và có thể phát triển dài hơn gấp 10 lần so với những con cá mút đá đầu tiên.

Tác giả chính Wu Feixiang, nhà cổ sinh vật học, cho biết: “Cá mút đá là một loài động vật tuyệt vời. Những con cá mút đá Kỷ Jura này có 'cấu trúc cắn' mạnh nhất trong số các loài cá mút đá hóa thạch đã biết và gợi ý thói quen ăn thịt tổ tiên của cá mút đá còn sống".

Wu nói thêm rằng các hóa thạch mới đã cho phép các nhà nghiên cứu tái tạo lại cách tổ tiên của loài cá mút đá ngày nay sinh sống, cũng như các đặc điểm sinh học và quá trình tiến hóa của chúng.

 Một loài cá mút đá ngày nay. Ảnh: Wiki

Một loài cá mút đá ngày nay. Ảnh: Wiki

Cá mút đá thời hiện đại đôi khi được coi là mối đe dọa đối với các loài cá khác, các nghiên cứu trước đây cho thấy chúng có thể giết chết khoảng 40 đến 60% những con mà chúng tấn công.

Nhưng Wu cho biết chúng cũng đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái vận chuyển các chất dinh dưỡng có nguồn gốc từ biển khi chúng di cư từ biển lên sông để sinh sản.

Ông cũng cho biết việc nghiên cứu chúng có thể giúp ích cho nghiên cứu y học vì chúng có các tế bào thuộc hệ thống miễn dịch tương tự như các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng ở người.

Mai Anh (theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoa-thach-ma-ca-rong-nuoc-duoc-tim-thay-o-trung-quoc-post270725.html