Phát hiện tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất thế giới trong hang động ở Indonesia
Một nhóm các nhà khảo cổ học quốc tế đã tìm thấy tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất thế giới trên một hòn đảo ở Indonesia.
Theo tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu tại Đại học Griffith, Đại học Southern Cross và Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia cho biết, tác phẩm này có niên đại ít nhất 51.200 năm tuổi và được tìm thấy tại hang động Leang Karampuang trên đảo Sulawesi, phía đông Indonesia.
Các nhà khảo cổ đã thu thập được các hiện vật từ năm 2017, nhưng không xác định được niên đại khi đó.
Kỷ lục trước đó là hình vẽ kích thước thật về một con lợn rừng được cho là có cách đây ít nhất 45.500 năm trong một hang động ở Leang Tedongnge.
Hình vẽ mới được phát hiện gần đây cho thấy ba người thú (loài hư cấu lai giữa người và động vật) và một con lợn rừng.
Ông Adhi Agus Oktaviana, tác giả chính và là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Griffith, cho biết: "Những phát hiện này rất đáng ngạc nhiên, không có tác phẩm nghệ thuật thời kỳ băng hà nổi tiếng nào của châu Âu có niên đại gần bằng tác phẩm này, ngoại trừ một số phát hiện gây tranh cãi ở Tây Ban Nha”.
Trước đó, các nhà khoa học Tây Ban Nha đã tuyên bố tác phẩm nghệ thuật tại ba địa điểm - ở Cantabria, Andalusia và Extremadura - có niên đại hơn 64.000 năm. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Tristen Jones, chuyên gia về nghệ thuật đá tại Đại học Sydney, những phát hiện đó phần lớn đã bị cộng đồng khoa học quốc tế bác bỏ.
Bà Jones cho biết không rõ các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha đã xác định niên đại của đá vôi hình thành trên đỉnh tác phẩm nghệ thuật này hay đá vôi hình thành ở nơi khác. Phát hiện cũng gây tranh cãi vì các nhà nghiên cứu cho rằng người Neanderthal đã tạo ra tác phẩm nghệ thuật này. Trước đây, người ta tin rằng chỉ có con người hiện đại mới sáng tạo nghệ thuật.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp xác định niên đại chuỗi urani để xác định niên đại của các lớp canxi cacbonat hình thành trên đỉnh tác phẩm nghệ thuật này. Họ lấy mẫu đá vôi sau đó làm bay hơi chúng bằng tia laser. Tuổi của mẫu vật được tính bằng cách đo tỷ lệ thori với urani.
Các nhà nghiên cứu cho biết phương pháp này cho phép xác định niên đại của các lớp mẫu vật chính xác hơn, đảm bảo các chất liệu mới và cũ không bị trộn lẫn với nhau.
Các nhà nghiên cứu cũng xác định niên đại của hình vẽ tại một hang động gần đó – Leang Bulu’ Sipong 4 – trước đây được cho là hình vẽ hang động lâu đời nhất trên thế giới. Họ phát hiện ra rằng tác phẩm nghệ thuật, từng được cho là có niên đại ít nhất 44.000 năm, thực tế đã có niên đại ít nhất là 48.000 năm.
Tuy nhiên, địa điểm có bức vẽ hang động lâu đời nhất được biết đến trước đây tại Leang Tedongnge không thể xác định niên đại bằng phương pháp mới, vì không còn vật liệu canxi cacbonat nào còn sót lại.
Bà Jones cho biết phương pháp mới là một bước tiến lớn trong việc xác định độ phân giải và độ chính xác của niên đại. Theo bà, thông thường, nghệ thuật khắc trên đá cực kỳ khó xác định niên đại vì thành phần của chúng chủ yếu là khoáng chất.
Giáo sư Adam Brumm tại Đại học Griffith, đồng tác giả của nghiên cứu, nói rằng trong hàng trăm cuộc khai quật mà ông đã tiến hành ở khu vực này, thường xuyên có hình ảnh mô tả về loài lợn rừng.
“Rõ ràng chúng có tầm quan trọng về mặt kinh tế đối với những người thuộc tầng lớp thượng lưu. Chúng ta có thể thấy chúng cũng quan trọng đối với họ về mặt biểu tượng và thậm chí có thể là về mặt tinh thần”, ông Brumm cho hay.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết những sự kiện được khắc họa trong tác phẩm nghệ thuật này rất khó diễn giải, và không rõ điều gì đã truyền cảm hứng để người cổ đại sáng tác hình người thú.
“Vì lý do nào đó con người thời kỳ đầu hiếm khi được khắc họa dưới bất kỳ hình dạng nào giống con người. Động vật thường được vẽ với độ trung thực đáng kinh ngạc về mặt giải phẫu, nhưng những họa sĩ hang động thời kỳ đầu lại ít nỗ lực hơn trong việc thực hiện điều đó”, ông Brumm lập luận.
Ông cho biết các nhà nghiên cứu khá chắc chắn rằng một trong những giống lai giữa người và động vật là con người có đầu chim, và loài khác có đuôi, được cho là lai với cầy hương.
“Kể chuyện là một phần cực kỳ quan trọng trong quá trình tiến hóa của con người và thậm chí có thể giúp giải thích nguồn gốc của chúng ta với tư cách là một loài động vật. Song việc tìm thấy bằng chứng về điều đó trong nghệ thuật, đặc biệt là trong nghệ thuật hang động thời kỳ đầu, là cực kỳ hiếm”, ôngBrumm nói.