Hóa thạch 'rồng biển' xuất hiện ở Trung Quốc

Một sinh vật có ngoại hình giống rồng trong thần thoại Trung Quốc vừa được phát hiện dưới dạng hóa thạch tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Sinh vật này thuộc dòng dõi 'bò sát đầu khủng khiếp' – một nhóm quái vật biển cổ đại từng thống trị đại dương kỷ Tam Điệp.

Các nhà cổ sinh vật học tại thành hệ Guanling, làng Waina, do TS Wei Wang từ Viện Cổ sinh vật học động vật có xương sống (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc) dẫn đầu, đã khai quật được bộ xương hóa thạch gần như nguyên vẹn. Sinh vật này sở hữu một chiếc cổ cực dài, thậm chí còn dài hơn cả phần thân, cùng chiếc đuôi uốn lượn đầy uyển chuyển. Nếu loại bỏ phần thân bò sát, hình dáng của nó gợi liên tưởng đến những con rồng thần thoại đang tung hoành trong siêu đại dương Tethys của kỷ Tam Điệp.

"Hóa thạch rồng" được tìm thấy ở Vân Nam - Trung Quốc - Ảnh: Vertebrata PalAsiatica

"Hóa thạch rồng" được tìm thấy ở Vân Nam - Trung Quốc - Ảnh: Vertebrata PalAsiatica

Sau quá trình nghiên cứu, các chuyên gia xác định đây là một loài hoàn toàn mới, thuộc một chi mới trong dòng dõi Dinocephalosaurus – nhóm bò sát biển săn mồi với hình thái đặc biệt. Loài này được đặt tên là Austronaga minuta, từng sinh sống cách đây khoảng 244 triệu năm.

Cái tên Dinocephalosaurus trong tiếng Latin có nghĩa là "bò sát đầu khủng khiếp", phản ánh phần nào sự đáng sợ của nhóm sinh vật này. Chúng sở hữu một chiếc đầu với bộ hàm sắc nhọn, hàm răng chuyên dụng để săn mồi, cùng phần cổ dài gấp đôi phần thân, giúp chúng dễ dàng phục kích con mồi. Đuôi dài với cấu trúc linh hoạt cũng hỗ trợ việc di chuyển và săn mồi hiệu quả dưới nước.

Dựa trên mẫu hóa thạch tìm thấy, các nhà khoa học nhận định Austronaga minuta có kích thước nhỏ hơn so với những họ hàng cùng dòng dõi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó kém nguy hiểm, bởi vào kỷ Tam Điệp, hầu hết các loài bò sát biển đều có kích thước nhỏ hơn nhiều so với các loài khủng long sau này.

Mẫu hóa thạch bao gồm một chiếc đuôi gần như hoàn chỉnh với 60 đốt sống, hộp sọ đầy đủ cùng một phần cổ – đủ để xác định rằng sinh vật này thuộc về nhóm "rồng biển" Dinocephalosaurus.

Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để làm rõ liệu Austronaga minuta là loài sinh vật sống hoàn toàn dưới nước hay có khả năng lưỡng cư. Việc phát hiện thêm hóa thạch mới sẽ giúp hé lộ thêm bí mật về cách loài quái vật này sinh sống trong đại dương cổ đại.

Như Ý (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/hoa-thach-rong-bien-xuat-hien-o-trung-quoc/20250401100934782