Hoa Thám: Thoát nghèo từ nội lựcTin khácAn toàn thực phẩm Tết Trung thu: Kiểm soát chặt, tuyên truyền mạnhQuyết liệt ngăn hàng lậu thời điểm cuối năm

Hoa Thám là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ Nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Xã Hoa Thám hiện có 851 hộ dân với 3.750 nhân khẩu, sinh sống ở 8 thôn, bản. Những năm qua, để người dân phát huy nội lực, vươn lên phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con khắc phục khó khăn, chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, trong đó, cây trồng mũi nhọn là thạch đen. Theo đó, xã đã vận động thành lập các tổ hợp tác trồng thạch đen nhằm hình thành vùng chuyên canh, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, tổng diện tích thạch đen tại xã là 137,7 ha, được trồng tại 8/8 thôn của xã, sản lượng đạt trên 540 tấn/năm. Với sự chủ động đó, đến nay, Hoa Thám đã trở thành xã có diện tích trồng thạch đen lớn nhất trên toàn huyện.

Người dân thôn Bằng Giang, xã Hoa Thám kiểm tra chất lượng thạch trước khi thu hoạch

Người dân thôn Bằng Giang, xã Hoa Thám kiểm tra chất lượng thạch trước khi thu hoạch

Anh Hoàng Văn Mong, thôn Vĩnh Quang cho biết: Năm 2015, từ sự định hướng của xã, tôi đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 1,2 mẫu thạch đen. Thông qua lớp tập huấn, tuyên truyền của xã, tôi đã biết lựa chọn giống cây khỏe mạnh và cách bảo quản thạch sau khi thu hoạch. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch được 4 tấn thạch với giá bán từ 30.000 đến 45.000 đồng/kg, đem lại thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/năm. Đến nay, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo.

Cùng với đó, tận dụng tiềm năng từ đất rừng, xã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế lâm nghiệp. Theo hướng đi đó, việc phát triển kinh tế đồi rừng được UBND xã quan tâm và chỉ đạo sát sao đến từng thôn, bản. Tập trung phủ xanh đất trống đồi trọc; hướng dẫn người dân kỹ thuật thâm canh, trồng các loại cây có khả năng sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế, nhờ vậy, nhận thức của người dân dần thay đổi. Từ đầu năm 2021 đến nay, xã trồng mới được hơn 80 ha, nâng tổng diện tích rừng trồng của xã lên 574 ha, cây trồng chủ yếu như: quế, mỡ, bạch đàn… Diện tích trồng rừng mới hằng năm đều vượt chỉ tiêu từ 150% đến 200%/năm.

Song song với việc khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế đồi rừng, hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức từ 2 đến 3 lớp tập huấn về quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp cho bà con. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, chính quyền xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện… tổ chức 4 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản thạch đen.

Đặc biệt, để người dân có nguồn lực đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo sát sao các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đến nay, xã đã có 511 lượt hộ được vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt gần 25 tỷ đồng.

Chị Hoàng Thị Hường, thôn Bằng Giang chia sẻ: “Năm 2015, được Hội Phụ nữ xã tuyên truyền về chương trình cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội, tôi đã vay 30 triệu đồng để trồng 5 sào thạch đen và chăn nuôi trâu sinh sản. Nhờ được vay vốn ưu đãi kịp thời và được định hướng đầu tư phù hợp nên mô hình kinh tế của gia đình tôi phát huy hiệu quả. Năm 2019, gia đình tôi đã thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang. Với mong muốn thoát nghèo bền vững, năm 2020, gia đình tôi tiếp tục vay 50 triệu đồng để trồng rừng bạch đàn.”

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền cùng sự chủ động tích cực từ người dân, trên địa bàn xã đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đặc biệt, xã đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất thạch đen cho tổng thu bình quân khoảng 20 tỷ đồng/năm và từng bước phát triển kinh tế đồi rừng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân. Hiện thu nhập bình quân của xã đạt 29,8 triệu đồng/người/năm, tăng 17,8 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Tỉ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 25,8%, giảm 31,5% so với năm 2015.

Ông Nguyễn Tuấn Uy, Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Thám cho biết: “Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Hoa Thám sẽ tiếp tục khai thác lợi thế của địa phương, tập trung mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng cây trồng, mũi nhọn là cây thạch đen, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, tạo đà quan trọng để xã tiếp tục phấn đấu giảm nghèo trong thời gian tới”.

MAI LINH

TRIỆU THÀNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/449703-hoa-tham-thoat-ngheo-tu-noi-luc.html