Hoa thiên lý: Bài thuốc quý từ dân gian, không phải ai cũng biết
Hoa thiên lý, hay còn có các tên gọi khác là dạ lài hương, cây hoa lý. Là thực phẩm ngon, hoa thiên lý còn được xem như một loại dược liệu tốt cho sức khỏe.
Đặc điểm của hoa thiên lý
Thiên lý thuộc loại cây thân mềm hóa gỗ, được trồng leo giàn, thân cây trơn, có màu nâu ở cành già, cành non có màu xanh đậm. Lá hình trái tim, màu xanh đậm, phiến lá không quá dày có đường kình trung bình từ 5-10cm, gân mọc nổi lên trên.
Hoa thiên lý mọc thành từng chùm, từ những nách lá, mỗi bông hoa có màu xanh lục hay màu vàng, gồm 5 cánh nở rộng. Bông hoa nhỏ có đường kình khoảng 1cm nhưng vì mọc thành chùm nên trông chúng khá lớn. Hoa có mùi hương dịu nhẹ, nở nhiều nhất từ tháng 5 đến tháng 10.
Theo nghiên cứu y học hiện đại, hoa thiên lý bao gồm: chất xơ 3%, chất đạm 2,8%, ngoài ra còn có chất bột đường, vitamin như C, B1, B2, PP và tiền vitamin A (caroten), cùng các khoáng chất cần thiết cho cơ thể như canxi, phốt pho, sắt, đặc biệt là kẽm có hàm lượng khá cao. Vì vậy hoa thiên lý vừa là thức ăn bổ dưỡng và thuốc bổ giúp trẻ mau lớn, giúp người già giảm chứng phì đại tuyến tiền liệt vừa tăng sức đề kháng cho người sử dụng.
Liều dùng hoa thiên lý trong các bài thuốc phổ thông từ 20g đến 30g (100-200g tươi). Khi chế biến các món ăn với hoa thiên lý, chú ý không xào nấu quá chín sẽ làm giảm các dưỡng chất và dập nát cánh hoa, mất ngon. Sau đây là một số tác dụng tuyệt vời và bài thuốc từ hoa thiên lý.
Tác dụng bất ngờ của hoa thiên lý đối với sức khỏe
An thần, chống mất ngủ: Theo Đông y, hoa thiên lý là một vị thuốc an thần, giúp người bệnh ngủ ngon giấc hơn. Để trị chứng mất ngủ, chúng ta có thể chế biển hoa thiên lý như sau: Sử dụng hoa thiên lý và lá vông nem, mỗi loại khoảng 50 g, sau đó đem rửa sạch rồi nấu canh để ăn. Chỉ cần ăn liền 1 tuần là chứng mất ngủ sẽ cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, nấu hoa thiên lý với thịt băm hoặc cá diếc cũng có tác dụng an thần, giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
Hỗ trợ người bị bệnh trĩ: Hoa thiên lý là loại thực phẩm có tác dụng giải nhiệt. Vì thế, hoa thiên lý còn được biết đến là món ăn rất tốt cho những người bị bệnh trĩ.
Hơn nữa, loại hoa này còn có đặc tính sát khuẩn tự nhiên mạnh mẽ, giúp loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm. Các thành phần có trong hoa thiên lý còn có tác dụng làm mau lành vết thương.
Với những người bị bệnh trĩ, chỉ cần dùng hoa thiên lý nấu thành món canh cua hoa thiên lý hay món canh giò hoa thiên lý để thêm vào khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày. Những món ăn dân dã này không những thơm ngon mà còn có tác dụng giải nhiệt, tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ điều trị bệnh trĩ.
Ngăn ngừa tình trạng rôm sảy: Vào mùa hè nóng nực, rôm sảy ở trẻ em là vấn đề sức khỏe trở nên khá phổ biến. Tuy nó không gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ nhưng lại gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
Để ngăn ngừa tình trạng này, bạn chỉ cần lấy hoa thiên lý nghiền nhỏ rồi nấu với bột hoặc cháo cho bé ăn. Món ăn này có thể giúp hỗ trợ điều trị rôm sảy vì hoa thiên lý có vị mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể.
Giảm đau xương: Nếu như bạn đang mắc chứng đau nhức xương khớp bạn có thể lấy phần hoa thiên lý xào với thịt bò hoặc chấm với muối vừng ăn sẽ có tác dụng đau nhức xương cốt.
Giảm cân hiệu quả: Những ai muốn giảm cân, chống béo phì thì hoa thiên lý là sự lựa chọn tuyệt vời không thể bỏ qua.
Sở dĩ hoa thiên lý có tác dụng giảm cân là do loại hoa này chứa dồi dào chất xơ, chất diệp lục, lại rất ít calo. Vì vậy, khi ăn các món ăn chế biến từ hoa thiên lý sẽ mang đến cảm giác no, hạn chế hấp thụ chất béo nên sẽ hỗ trợ giảm cân cho người thừa cân, béo phì một cách hiệu quả.
Lưu ý: Trong thiên lý chứa kẽm nên khi sử dụng không xào nấu cùng với các thức ăn giàu chất sắt như gan, thịt lợn nạc, rau muống… vì chất sắt có trong các loại thực phẩm này sẽ đẩy kẽm ra khỏi cơ thể.
Một số bài thuốc hữu ích từ cây thiên lý
Trong kinh nghiệm của dân gian, hàng ngày ăn đều đặn canh nấu lá non hoặc hoa thiên lý với liều từ 20 đến 30g có tác dụng chữa bệnh giun kim. Ngoài ra, canh rau thiên lý nấu với rau khù khởi và lá non mướp đắng còn có công dụng bổ mát, an thần, dễ ngủ, bớt mệt mỏi sau những buổi làm việc căng thẳng.
Bệnh viện Thái Bình năm 1961 đã dùng lá thiên lý chữa lòi dom và sa tử cung đạt kết quả. Cách làm như sau: lá thiên lý non và lá bánh tẻ (100g) rửa sạch giã nát với 5g muối, thêm chừng 30ml nước cất, lọc qua vải gạc. Dùng nước này tẩm vào bông đắp lên chỗ dom hoặc phần tử cung bị sa đã rửa sạch bằng thuốc tím hoặc nước muối, rồi băng lại như đóng khố, ngày thay một lần. Thường khoảng từ 3 đến 5 ngày là khỏi. Nên đắp thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Bài thuốc rễ thiên lý từ 10 đến 20g thái nhỏ sắc với 200ml đến khi còn 50ml uống làm một lần trong ngày lại rất có hiệu quả trong chữa bệnh tiểu buốt, tiểu ra máu hoặc nước tiểu có cặn trắng.
Ở một số nước châu Á, thiên lý được dùng chữa viêm kết mạc cấp và mãn tính, viêm giác mạc bằng cách lấy hoa hoặc lá thiên lý (từ 3 đến 6g) sắc nước uống. Lá thiên lý hơ nóng để đắp cũng có công dụng chữa mụn nhọt, lở loét.
Trúc Chi (t/h theo VTC News, Lao Động, VTV News)