Hòa thượng Tăng Nê (1899 – 1965)
Hòa thượng Tăng Nê sinh năm Kỷ Hợi (1889) tại Kinh Hai, thuộc ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) là người bản địa gốc Khmer.
HÒA THƯỢNG TĂNG NÊ (1899 – 1965)
Hòa thượng Tăng Nê sinh năm Kỷ Hợi (1889) tại Kinh Hai, thuộc ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) là người bản địa gốc Khmer.
Ngài xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, đã đến định cư rất sớm trước khi người Việt, người Hoa đến. Gia đình qui kính đạo Phật, sống hiền hòa và cần mẫn với các cộng đồng đến khai hoang mở đất tại Vĩnh Phong này.
Phụ thân Ngài là ông Danh Thô, là tá điền của điền chủ Trần Văn Học. Lao động cật lực với 1 mẫu 6 ruộng lúa mà mỗi kỳ vụ phải nộp 40 giạ. Vì thế, khi Ngài sinh ra, cảnh nghèo khổ bần hàn của gia đình như chờ sẵn. Phụ thân Ngài với cảnh gà trống nuôi con phải làm lụng vất vả thêm bội phần, để Ngài được lớn lên không đến nổi thiếu thốn như các trẻ em cùng lứa tuổi.
Một năm trước khi Hòa thượng Tăng Nê sinh ra, 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã ra lệnh nạo vét kênh Núi Sập (Thoại Hà) nối Long Xuyên qua Rạch Giá, với tư cách một ông vua nhỏ, xem thường các Tỉnh trưởng thuộc địa khiến thực dân khắp Nam kỳ phản đối quyết liệt.
Hậu quả của việc giành thuế á phiện, giành quyền sử dụng nông nô, sở hữu các kênh đào vv… làm bà con nông dân đã nghèo lại thêm nghèo khổ đến xơ xác. Tình huống đen tối đó cứ tiếp diễn trong suốt quá trình đô hộ. Ngài được sinh ra và lớn lên trong một bối cảnh như thế.
Cũng như các gia đình Khmer khác, hoàn cảnh khắc nghiệt không thể làm phôi phai giá trị tinh thần to lớn của người con Phật là các ngày sóc vọng đến chùa lễ Phật, nghe giảng giáo lý và học chữ. Khi duyên lành đã đến kỳ đạt quả, Ngài xuất gia năm Giáp Dần (1914), lúc ấy vừa 15 tuổi.
Năm Bính Thìn (1916), Ngài thọ Sa Di giới tại chùa Chắc Băng, thuộc xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Rạch Giá.
Ngài tu học tại chùa Chắc Băng cho đến năm Tân Dậu 1921 (22 tuổi) thì thọ Cụ Túc giới. Hòa thượng Tăng Hô là người thầy đầu tiên của Ngài đã theo dõi chặt chẽ việc tu học và tiếp tục nâng cao trình độ tri thức cho Ngài, kể cả dạy thật kỹ chữ Khmer. Vừa tu học, vừa làm thị giả cho Hòa thượng, Ngài được Hòa thượng đánh giá là xuất sắc và tin tưởng, giao phó Ngài nhiều công việc quan trọng.
Thấy Ngài có nhận thức tương đối tốt về mọi lẽ, khá sâu sắc khi phân tích ký ức về thời niên thiếu nhiều biến động theo thời cuộc, cũng như những sự kiện trong hiện tại… Nên Hòa thượng Tăng Hô truyền dạy tinh hoa Phật học và không ngần ngại truyền cho Ngài tinh thần yêu nước bên cạnh những việc mà Hòa thượng đang cống hiến cho cách mạng.
Trước khi Hòa thượng Tăng Hô tịch khá lâu, Ngài đã thực sự sát cánh cộng sự đắc lực bên Hòa thượng. Thời gian hoạt động đó, Hòa thượng Tăng Hô đương chức Phó Chủ Tịch Mặt Trận Việt Nam Nam bộ, đồng thời kiêm Chủ tịch Hội đồng Kỷ luật Sư Sãi Nam bộ. Hai chức vụ quan trọng này khi Hòa thượng Tăng Hô tịch, Ngài thay thế nhận lấy và hoạt động tiếp tục, gây được tiếng vang và chiếm được sự kính nể trong cộng đồng Phật giáo Khmer Nam bộ thời bấy giờ.
Vừa tu vừa hoạt động cách mạng một cách tích cực, Ngài luôn giữ vững truyền thống yêu nước và những tôn chỉ cao cả của giáo pháp. Trong công cuộc hoằng hóa, Ngài đã khai mở kiến thức Phật học cho các cư sĩ Phật tử. Với việc truyền thừa tông chỉ, Ngài đã tiếp Tăng chúng cũng như cho xuất gia rất nhiều môn đồ.
Do đó, Ngài được Tăng chúng và đông đảo tín đồ kính mộ, xem lời nói và sự nghiệp tu hành của Ngài là biểu mẫu chung để hành thiện tu trì và phụng sự dân tộc. Đó là trợ duyên cần thiết cho một người đang rất cần nhiều hậu thuẫn để hoàn thành công việc theo dự tính chung. Và Ngài đã thành công. Ngài là một nhà sư trí thức, vì đạo vì đời, giàu lòng nhân từ, bi mẫn và luôn phấn đấu không mệt mỏi cho lý tưởng giải thoát.
Trong những năm thập kỷ 60, cuộc dấn thân vì dân tộc của Ngài chuyển sang bước ngoặc mới để có thể đáp ứng được tình thế trước âm mưu thực dân mới, áp đặt khủng bố khắp mọi nơi, mà nạn nhân trực tiếp không ai khác hơn là chính những người nông dân nghèo khổ quanh Ngài.
Vì thế Ngài là một trong những vị sư yêu nước tiêu biểu của giới Phật giáo Khmer Nam bộ. Để tồn tại mà thực hiện hạnh nguyện độ sinh, Ngài phải di chuyển chỗ ở liên tục hầu tránh sự theo dõi của chính quyền miền Nam. Từ Cos Đôn rồi đến Khna roông… ý chí và tinh thần yêu nước thương người nơi Ngài vẫn thủy chung trong tấm áo Cà Sa đi theo con đường từ bi của đức Phật và sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Năm Ất Tỵ 1965, Hòa thượng Tăng Nê đã tịch tại chùa Kinh Hai, thuộc huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Trụ thế 66 tuổi, trên 50 năm cống hiến cho đạo bằng hình bóng xuất gia.
Trích: Tiểu sử Danh tăng Việt Nam thế kỷ XX – Tập 1 (Giai đoạn chia đôi đất nước) – Chủ biên: TT.Thích Đồng Bổn
PDF PRINT
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/hoa-thuong-tang-ne.html