Hòa thượng Thích Chánh Trực: Vị lãnh đạo luôn vững chãi, trí tuệ giữa mọi biến động
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Trưởng lão Hòa thượng Chánh Trực viên tịch, cư sĩ Tâm Tưởng Nguyễn Thường, một trong những người đã gắn bó với Hòa thượng từ năm 1966, Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Trị lúc mới thành lập, đã có những chia sẻ xúc động về một bậc Thầy, nhà lãnh đạo Phật giáo qua các thời kỳ.
Tôi có cơ duyên gặp gỡ Hòa thượng Chánh Trực khi ngài từ Quảng Trị vào Huế, năm 1966. Cuộc gặp gỡ tình cờ ấy đã mở ra một mối nhân duyên kéo dài gần 40 năm. Ấn tượng ban đầu của tôi về Hòa thượng đó là ngài có một phong thái điềm tĩnh nhưng uy nghiêm, mỗi lời nói đều sâu sắc, thể hiện sự vững chãi và trí tuệ giữa thời cuộc biến động.

Hòa thượng Thích Chánh Trực chứng minh một sự kiện của Gia đình Phật tử
Hòa thượng sống một đời thanh bần và giản dị. Mỗi bữa ăn của ngài chỉ có miếng chao kho và chén canh nhỏ. Thời đó, cuộc sống khó khăn, ngài luôn chờ mọi người ăn xong mới bắt đầu dùng bữa. Tôi nhớ có lần, khi đoàn cứu trợ từ Sài Gòn ra Hải Lăng, xe bị sa lầy, Hòa thượng đã đợi cơm đến 9 giờ tối, đầy cảm thông và tình thương, không một lời phàn nàn.
Ngài luôn quan tâm đến mọi người xung quanh, từ chén nước đến chung trà. Khi chỉ dạy đệ tử, ngài nhắc nhở: "Rót trà theo chiều kim đồng hồ và luôn rót cho thầy sau cùng, vì mình là chủ, phải mời khách trước".

Với cương vị Chánh Đại diện GHPGVN Thống nhất tỉnh Quảng Trị, Hòa thượng chủ trương mở Trường tư thục Bồ Đề và nhiều Phật sự khác
Hòa thượng Chánh Trực không chỉ là một bậc tu hành nghiêm mật mà còn là nhà lãnh đạo sáng suốt, có công rất lớn đối với Phật giáo tỉnh Quảng Trị. Với tầm nhìn sâu rộng, ngài đã có những hoạch định rõ ràng cho Phật giáo Quảng Trị, lo toan cả cho hậu thế.
Còn nhớ, sau năm 1975, khi chùa Lập Thạch bị tận dụng làm hợp tác xã, nhờ sự khéo léo của ngài, vấn đề được giải quyết êm đẹp. Bên cạnh đó, ngài còn thành lập Ban Hộ tự niệm Phật đường, tạo dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển Phật giáo tại địa phương. Đặc biệt, ngài đã thiết lập chương trình cấm túc 72 vị tại gia mỗi mùa An cư kiết hạ với luật lệ và chương trình cấm túc riêng biệt.

Cư sĩ Tâm Tưởng Nguyễn Thường, một trong những huynh trưởng Gia đình Phật tử gắn bó với Phật sự của Phật giáo Quảng Trị, đặc biệt trong giai đoạn Hòa thượng Thích Chánh Trực làm lãnh đạo
Hòa thượng là người cẩn trọng, tình cảm và được Phật tử hết lòng tôn kính. Ngài luôn quan tâm chu đáo đến mọi người xung quanh.
Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ như in lời ngài dạy về ý nghĩa của bảo tháp: "Những vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức sau khi viên tịch, nếu sinh thời trì niệm kinh gì thì hãy để bộ kinh đó lên trên tháp, nhục thân nằm dưới thì mới gọi là bảo tháp".
Tôi cũng như sinh tiền, ngoài các thời khóa bình thường của một bậc xuất gia, bộ kinh mà ngài trì tụng và hành trì mọi lúc, mọi nơi là kinh Kim cang, một bộ kinh Đại thừa Phật giáo thuộc văn hệ Bát-nhã.