Hỏa tốc bàn cách ứng phó bão số 9 trên biển Đông

Các bộ, ngành và 19 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Kiên Giang sẽ họp trực tuyến vào sáng 15/12, để bàn phương án chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 9.

Chiều 14/12, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai đã có thông báo hỏa tốc gửi các bộ, ngành và 19 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Kiên Giang đề nghị dự họp trực tuyến vào sáng 15/12, để bàn phương án chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 9 (bão RAI).

Dự báo hướng di chuyển của bão RAI đến ngày 19/12. Ảnh: Cơ quan khí tượng Nhật Bản

19 tỉnh, thành phố được triệu tập cử lãnh đạo dự họp gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, hiện áp thấp nhiệt đới phía Tây Bắc Thái Bình Dương đã mạnh lên thành bão với tên quốc tế là RAI. Dự báo ngày 16-17/12, bão RAI sẽ đi vào khu vực phía Nam Biển Đông, trở thành cơn bão số 9 đổ bộ vào Việt Nam từ đầu năm nay.

Khoảng ngày 19-20/12, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực đất liền và ven biển, đặc biệt là các tỉnh Trung Trung bộ và Nam Trung bộ.

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố theo dõi chặt bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của bão; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Các tỉnh cần chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch ra khơi đánh bắt để đảm bảo an toàn; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho hoạt động trên biển, nhà dàn, khu neo đậu tàu thuyền, hoạt động nuôi trồng thủy sản và phương án cung ứng vật tư đối với khu vực đảo.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh miền Trung sẵn sàng phương án vận hành đảm bảo an toàn hồ, an toàn hạ du; phối hợp khi vận hành giữa các địa phương; phòng chống sạt lở nhất là khu vực cửa sông đang bị sạt lở khi bão đổ bộ; sẵn sàng tiêu nước đệm bảo vệ sản xuất, nhất là đối với vụ lúa Đông Xuân vừa xuống giống.

Các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhanh chóng rà soát khu vực nhà yếu không đảm bảo an toàn; phương án quản lý, nắm bắt số liệu tàu thuyền neo đậu tránh bão tại các khu vực cửa sông…

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoa-toc-ban-cach-ung-pho-bao-so-9-tren-bien-dong-post172188.html