Hoa văn của núi rừng

Dệt thổ cẩm là nét tinh hoa văn hóa của dân tộc Mường, Thái trên địa bàn tỉnh. Theo thời gian, thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau, người Mường, người Thái Hòa Bình giữ gìn, phát triển nghề dệt truyền thống. Những tấm thổ cẩm là thước đo đánh giá sự khéo léo của người phụ nữ.

 Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống xóm Cóm, xã Đông Lai (Tân Lạc) hiện có khoảng 80 khung cửi dệt truyền thống, sản xuất ra nhiều phẩm mẫu mã đa dạng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống xóm Cóm, xã Đông Lai (Tân Lạc) hiện có khoảng 80 khung cửi dệt truyền thống, sản xuất ra nhiều phẩm mẫu mã đa dạng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Khi xưa, để dệt ra được tấm vải, cạp váy thổ cẩm đầy sắc màu không tính bằng ngày, bằng tháng mà nhanh nhất cũng phải mất một năm từ trồng bông, se thành sợi rồi dệt vải mới tạo thành chiếc áo, cạp váy như ý. Ngày nay, do hạn chế về thời gian, người Mường, người Thái thường mua sợi vải có sẵn để dệt. Dệt vải vừa là đam mê vừa đem lại thu nhập cho nhiều chị em.

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho những cơ sở dệt thổ cẩm phát triển. Trong đó có một số làng nghề, cơ sở phát triển mạnh nghề dệt như: HTX dệt Chiềng Châu, xã Chiềng Châu (Mai Châu), HTX dệt xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn); làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống xóm Cóm, xã Đông Lai (Tân Lạc)…

Chị Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX dệt Chiềng Châu, xã Chiềng Châu (Mai Châu) chia sẻ: Nghề dệt thổ cẩm ở xã Chiềng Châu có từ lâu đời. Hiện nay, hầu hết các gia đình đều có từ 1 - 2 khung cửi, riêng xóm Chiềng có gần 100 khung cửi. Các sản phẩm thổ cẩm của HTX dệt Chiềng Châu chủ yếu dệt bằng tay nên một sản phẩm thổ cẩm của HTX làm ra có giá trị cao hơn so với các sản phẩm cùng mẫu mã sản xuất công nghiệp. Dệt thổ cẩm tạo việc làm và thu nhập cao cải thiện đời sống cho phụ nữ. Ngoài ra, dệt thổ cẩm còn góp phần quảng bá tiềm năng du lịch làng nghề tới khách du lịch trong và ngoài nước.

Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống xóm Cóm, xã Đông Lai (Tân Lạc) nổi tiếng bởi những sản phẩm dệt bằng tay tinh tế, màu sắc đa dạng. Mế Bùi Thị Mỉa, trưởng làng nghề dệt xóm Cóm chia sẻ: Cách đây hơn 10 năm, nghề dệt thổ cẩm ở xóm Cóm bị mai một. Nhưng kể từ khi được HTX dệt Vọng Ngàn (xã Mãn Đức) hỗ trợ khôi phục, đến nay, xóm Cóm đã khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm. Hiện, toàn xóm có khoảng 80 khung cửi với 70 người phụ nữ tham gia dệt thường xuyên. Các sản phẩm ở đây được dệt bằng tay với màu sắc độc đáo, hoa văn tinh tế nên được khách hàng ưa chuộng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm dệt thổ cẩm của làng nghề ổn định, tạo thu nhập cao cho phụ nữ.

Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương còn chú trọng phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch. Nghề dệt thổ cẩm được người dân giữ gìn, phát triển để thu hút khách du lịch. Tại các bản du lịch cộng đồng của người Thái như: bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu); bản Văn, thị trấn Mai Châu (Mai Châu); các xóm, bản du lịch của người Mường như: bản Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc); xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc); thác Mu, xã Tự Do (Lạc Sơn). Khách du lịch chắc chắn không khỏi trầm trồ, ngưỡng mộ đôi tay khéo léo của các bà, các mẹ, các chị bên khung cửi. Đi dọc các bản làm du lịch cộng đồng khách du lịch luôn ấn tượng về hình ảnh người phụ nữ Mường, Thái miệt mài bên khung cửi dệt vải. Du khách thỏa sức lựa chọn những món quà thổ cẩm là khăn, túi, ví, áo…

Thủy Thu

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/135529/hoa-van-cua-nui-rung.htm