Hoa vẫn nở trên đỉnh lũ miền Trung
Không châu thổ trù phú như sông Hồng hay Cửu Long, miền Trung chỉ có nắng gió bão bùng và nhận lấy thiên tai hàng năm như một nghiệp dĩ. Nhưng qua đợt thiên tai cuối năm Canh Tý là minh chứng sáng đẹp nhất cho tình người Việt. Biết bao giông bão, đồng bào khúc ruột vẫn vững chãi và càng thêm lẫm liệt.
Nhạc phẩm “Về miền Trung” của cố nhạc sĩ An Thuyên có đoạn: “Miền Trung cát trắng với rừng, vách núi với biển biếc liền nhau”... Cũng bởi vẻ đẹp thiên nhiên núi liền biển ấy mà tai ương trút xuống mỗi mùa mưa lũ.
Xót xa khúc ruột
Đợt bão lũ tại các tỉnh miền Trung mới đây đã hút sự theo dõi của bà con cả nước và người Việt ta ở nước ngoài. Bởi “lũ lịch sử”, “lũ chồng lũ” và đã xô đổ nhiều “kỷ lục” thiên tai trước đó.
Bấy giờ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã thốt lên rằng: “Chưa năm nào lại có số cơn bão dồn dập, dị thường như vậy. Mưa lớn cũng ở mức chưa từng thấy trong lịch sử. Đây là điều vô cùng bất thường!”.
“Nắm lấy bàn tay của bà con mình khi bão lũ vừa đi qua, chúng tôi vỡ lẽ ra rằng, niềm tin sống mãnh liệt của họ chưa bao giờ tắt. Chẳng những không than phận khó mà còn kiên gan bền chí: “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây. Còn người thì còn của, mất thì làm lại thôi”. Khí cốt của dân miền Trung là thế!”.
Bão lũ chồng lên nhau xảy ra rộng khắp miền Trung từ Nghệ An tới Quảng Ngãi, với cường độ lớn chưa từng thấy trong nhiều năm qua, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sản xuất của hàng triệu đồng bào. Mưa bão đã làm hàng trăm người chết, mất tích, bị thương; nhà cửa, đường sá bị phá hỏng; nông nghiệp tổn thương nặng nề… Con số thiệt hại về kinh tế 30.000 tỷ đồng đủ để nói lên sự tiêu điều, xơ xác của miền Trung sau thiên tai.
Không ai cầm được nước mắt khi xem clip gọi hú 13 đồng đội nằm lại ở Rào Trăng (Thừa Thiên Huế). Cả bãi bùn đất lặng im đến rợn người! Ai quên núi lở đổ ập trên đầu 23 cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng ở Hướng Phùng (Quảng Trị) giữa đêm khuya khoắt ấy? Thắt lòng nhìn cảnh bản làng miền núi Quảng Nam bị san phẳng.
Nước trên triền núi dội xuống, lốc gió từ phía biển thốc vào. Nhà trôi, làng sập, mạng người mỏng manh… Bão lũ quét qua, hoang tàn, đổ nát, tang thương ở lại. Những miền quê nghèo như quay ngược lại cả chục năm vì mất mát, thiệt hại. Có những mái đầu bạc khóc tiễn đầu xanh, những người trụ cột ra đi chưa một lời dặn dò con cháu. Những gia đình mất cha, những đứa con côi từ nay vắng mẹ, những vết thương hằn sâu vào trong ý niệm.
Tình người trên đỉnh lũ
Những ngày mưa bão quần thảo ở miền Trung, dường như cả Hà Nội, Sài Gòn đều dịu nhẹ mây trời. Những đồng hương miền Trung và bà con khắp nước vẫn theo dõi gió bão qua đài, báo và trên tivi... Ở phương xa, đã có những đêm thức trắng vì miền Trung. Cứ vài phút lại có điện thoại từ những đồng hương tận trong Nam, ngoài Bắc gọi về: “Bão vô chưa? Bà con quê mình ra răng?”. Gọi để được nghe qua làn sóng điện tiếng gió rít, mưa gào trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn, mà thổn thức...
Mỗi đận thiên tai, không chỉ người dân mọi miền Tổ quốc lại nao lòng hướng vọng, mà tấm lòng kiều bào xa xứ khắp năm châu lại dang tay ôm lấy đất này, sẻ chia nghĩa tình “gừng cay muối mặn”. Những cung đường từ Nghệ An cho tới Quảng Ngãi, hàng ngàn đoàn thiện nguyện, với những tấm lòng tình nghĩa sẻ chia về với đồng bào nơi khúc ruột.
Tiền mặt, nhu yếu phẩm, tấm chăn, chiếc màn, bộ quần áo, tập vở… chất đầy những chuyến xe lấm lem bùn đất hối hả theo hướng Quảng Bình, Quảng Trị, xứ Huế yêu thương… Những ngày đó, khắp miền Trung như những “công trường” cứu trợ, thực sự là “tiền phương” của nghĩa tình và sự đồng cảm.
Chúng ta khâm phục những ngôi sao, người nổi tiếng trong làng giải trí… đã kêu gọi sự đóng góp của những tấm lòng hào hiệp, với tiền lên tới cả chục, trăm tỷ để mang đến đây khi dòng nước lũ chưa kịp rút. Trong cả ngàn, vạn tấm lòng, với bao nhiêu tiền, hàng ấy, có hình ảnh lan truyền về cụ bà 93 tuổi Trần Thị Cháu, ở thôn Xuân Phong (Nghĩa Hưng, Nghĩa Đàn, Nghệ An).
Cụ sống một mình, thuộc hộ cận nghèo nhưng thấy chiếc xe cứu trợ ngang qua, bà cụ lưng còng vẫn ôm thùng mì gói ra gọi: “Bà chỉ có thùng mì, các con đem vô cho đồng bào ăn đỡ…”. Nếu so sánh thùng mì của cụ Cháu sống nơi miền Tây xứ Nghệ với những nhân vật nổi tiếng tham gia cứu trợ miền Trung về giá trị, nó khập khiễng vô cùng. Nhưng nghĩ về cái nghĩa đồng bào, thì nó cân nhau lắm. Phải chăng, đất nước này qua bao mùa giông bão nhờ chính từ tấm lòng trong hàng ngàn, hàng vạn bà mẹ lặng lẽ như cụ Cháu?
Rồi chuyện những bà mẹ xứ Huế nấu cơm, ôm túi trái cây bứt vội sau vườn đem đi tiếp tế cho bộ đội lập lán trại, bới đào tìm kiếm anh em - cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở Rào Trăng. Chẳng ngạc nhiên khi người lính luôn sẵn sàng hy sinh, bởi phía hậu phương họ có những người bà, người mẹ như thế!
Nhiều năm làm báo ở đất miền Trung, chúng tôi là người “trong cuộc”, đi qua những trận bão, vượt nhiều cơn lũ. Chúng tôi thấu tận cùng sự chịu đựng của bà con mình, tận cùng của cái thiếu, cái khổ không tính đếm được. Và đã nhận ra rằng, khi chúng ta mở lòng mình ra trước những phận người khốn khó, cũng là cách để làm xói mòn đi những toan tính, sân si nhỏ nhặt đời thường để sống bao dung, quảng đại và nhiều xúc cảm hơn.
Những dòng viết này đến tay bạn đọc cũng là khi những dòng sông hung hãn đục ngầu hôm nào đã trở lại hiền hòa, trong xanh dưới nắng nhẹ xuân mới. Những ngôi làng tan hoang nay đã ngời lên sắc đỏ tươi của ngói mới, cây vườn đâm chồi biếc, báo hiệu cuộc sống đã hồi sinh.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/hoa-van-no-tren-dinh-lu-mien-trung-572145.html