Hoài niệm Giêng Hai …

Rạo rực trước một mùa xuân mới, vạn vật, cỏ cây, hoa lá đang hớn hở đồng hành cùng đất trời bừng tươi sắc mới. Dường như vũ trụ bao la ấy đang muốn bù đắp cho con người và thiên nhiên sau nghiệt ngã bão giông của mùa đông năm cũ.

Chúng tôi - những người lính ở ngoài biên giới hải đảo xa xôi xin gửi những dòng hoài niệm này tới mẹ, quê hương và mùa xuân đất nước. Câu ca “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” quả đồng nghĩa với thú chơi xuân của cuộc sống xã hội hôm nay, đặc biệt là lớp trẻ họ tận hưởng, ngẫu hứng ùa nhau về phố thị ăn Tết, du xuân như hội, rồi rủ nhau phượt tập thể, lên rừng, xuống biển, leo đèo lội suối cho đằm đã cuộc chơi. Thấy, nghe và ngẫm lại những Tết, xuân xưa lòng ta bỗng chạnh lòng, bâng khuâng thầm nhớ mẹ…, quên sao một thủa: “Mẹ gom gạo cuối đông đau đáu đợi giêng hai…” cái cụm từ “Ba ngày Tết” là cách nói của ông bà ta xưa để biểu chỉ cái khó nghèo.

Thực đúng vậy! Mẹ cha thì trăn trở chắt chiu, con cái thì háo hức đợi mong Tết đến, xuân về để có bữa cơm no và manh áo mới. Mâm cỗ cúng tổ tiên chiều ba mươi thủa ấy sao mà thiêng liêng đến thế. Thoang thoảng mùi hương trầm nghi ngút, có bánh chưng, bánh tét với mâm cỗ mẹ bày khá thịnh soạn, trước thì cha mời ông bà về ăn Tết, sau nữa là cả nhà sum vầy được thưởng thức một bữa đại tiệc đủ đầy nhất trong năm. Sáng mùng một chạy qua nhà nội, nhà ngoại, bà mừng tuổi cho chiếc bánh gai, bánh mật là vui lắm rồi. Nhắc nhớ lại, chúng ta càng trân quý và cảm thông sâu sắc.

Vườn đào Nhật Tân khoe sắc. Ảnh minh họa:TTXVN.

Vườn đào Nhật Tân khoe sắc. Ảnh minh họa:TTXVN.

Ký ức về những thập niên 1970 và 1980 của thế kỷ trước, khi tôi còn quàng khăn đỏ đến trường, cứ dội về, thẳm sâu trong tiềm thức. Đó là nghị lực, khát vọng của chúng tôi trong những chặng đường đời… Ngày ấy nhà tôi ở bên sông, dịp Tết đến, xuân sang, thanh niên và mấy đứa bạn cùng lứa thuộc gia đình khá giả suốt ngày cứ say sưa với các thú chơi đánh đáo, chơi bài tam cúc ăn tiền… Với tôi và cũng như anh em nhà nghèo hoàn toàn không có khái niệm với những thú chơi ấy.

Thú vui của chúng tôi là những thứ bình dị gắn liền với đời sống hơn. Chẳng hạn như khi mấy đứa con ông lái đò vì quá ham chơi nên chểnh mảng mặc cho khách đôi bên gọi réo. Vốn rất mê lội bơi, chèo chống thuyền và tự tin vượt sông, tôi đã hăng hái xin bạn được đưa đò, đón khách. Khát khao thầm lặng mà vui. Đôi chân đạp chèo nhịp nhàng, thoăn thoắt, bê, đỡ đồ, cho khách. Cứ sau mỗi chuyến tôi lại đưa tiền cho cậu chủ và không đòi hỏi, mặc cả gì về tiền bạc và kể cả những đồng tiền khách mừng tuổi cho chú đưa đò hồn nhiên vui tính.

Biết tính tôi nhiệt tình, thật thà, cậu bạn rất bằng lòng và cũng muốn “sòng phẳng”. Vâng! cho thì tôi xin nhận. Mừng lắm, cầm những đồng tiền từ sức lao động của mình mà lòng vui khó tả. Lạ lẫm, mạnh dạn rồi thành quen, cần mẫn như con ong, có ngày từ sáng đến nhá nhem tối. Cứ lúc nghỉ, có tiền là chạy vụt về đưa cho mẹ. Lúc khó nghèo, cầm đồng tiền do con lao động mà ra, mẹ cười vui mà trào nước mắt.

Qua bao mùa xuân, năm tháng của tuổi trẻ đã đi qua và giờ đây, chúng tôi đã thành đạt nhưng câu chuyện đưa đò ngày ấy cứ mãi vang vọng. Ký ức ấy đã thấm vào các con. Thêm một nghĩa cử đáng nói và xúc động là khi con trai tôi, một chiến sĩ mới, có món quà mừng tuổi mẹ đầu xuân. Con tôi vào bộ đội từ mùa xuân năm trước. Sau những tháng ngày huấn luyện và học tập, con đã chững chạc và khỏe khoắn hơn; được cán bộ, đồng đội tin yêu.

Đầu xuân, biết mẹ vào thăm, con cứ dặn: Ngày xuân, đông người mẹ đi xe từ từ thôi nhé và không phải mang thứ gì vào cả, bởi đơn vị tổ chức ăn Tết cho chúng con đầy đủ cả rồi. Gặp nhau, con và đồng đội quây quần chúc mừng mẹ thêm một tuổi. Chiều xuống, chia tay, con trai cầm tay mẹ và trân trọng, nâng niu áp vào đôi bàn tay gầy guộc ấy một phong thư nhỏ. Hơn hai triệu đồng là khoản tiền không lớn, nhưng với một người chiến sĩ như con thì quả thật bất ngờ. Hỏi ra mới biết, đó là những đồng tiền phụ cấp suốt thời gian luyện tập mà con không phải dùng đến. Một chút thảo thơm của người lính tặng mẹ.

Tiết xuân đang đến với mỗi nhà, cành đào phương Bắc, hương xoan miền Trung và cánh mai vàng phương Nam đang tươi tắn hé nụ cùng xuân. Giao hòa cùng đất trời cũng là bước chuyển mình của con người, vạn vật khi đón chào một năm mới mới đang đến.

DUY HOÀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/hoai-niem-gieng-hai-650946