Hoài sơn, không chỉ là ký ức
Củ mài, có nơi gọi là hoài sơn. Thời gian khó, người dân miền núi huyện Tuyên Hóa đào củ mài về ăn để chống đói mùa giáp hạt. Người trẻ nghe kể lại cứ như là 'chuyện cổ tích'. Thế nhưng, 'chuyện cổ tích' ấy giờ đây vẫn còn hiện hữu, không chỉ là ký ức để nhắc nhớ nữa.1.2.
Tình cờ biết và cũng chỉ tình cờ nghe. Người viết có thoáng chút hoài nghi, lẫn tò mò. Và rồi càng trải nghiệm và nghe họ chia sẻ lại càng có chi chút trăn trở, ngậm ngùi. Bởi, ít người nghĩ rằng, lẩn khuất nơi xứ núi rừng này, thứ củ mài của một thời khó khăn, ngày nay vẫn còn đồng hành, an ủi những thân phận nghèo khó, trong cơn túng bấn tìm kế mưu sinh.
Thấy khách lạ vào hỏi chuyện, ông Phan Hồng Thanh, năm nay 73 tuổi (ở thôn Tam Đăng, xã Sơn Hóa) vừa bất ngờ, vừa băn khoăn, ngần ngại. Vì, không phải ký ức nghèo khó nào cũng đáng để kể, để tự hào. Từ nhỏ, ông đã theo người lớn vào rừng. Mùa nào thức nấy. Khi thì củ mài, củ nâu, khi lấy lá nón, hái măng rừng, “ăn mật ong”,… để đắp đổi qua ngày.
Ông Thanh lần giở ký ức về một thời nghèo khó, mà như ông nói là phải chấp nhận làm đủ thứ để có cái ăn: “Lúc đó, làm ruộng nhờ nước trời, sắn khoai còn là của hiếm thì sao “đầu gối không bò”. Nhưng thời của ông may mắn hơn, “sẩy nhà là ra rừng”. Rừng còn dư sản vật cho con người. Rừng trở thành cứu cánh, đùm bọc, mang nguồn sống, cái ăn, cái mặc cho con người.
Riêng với củ mài, ông Thanh gọi nó là loại “củ khó”. Khó vì những vất vả, khó khăn lúc lên núi tìm đào củ mài. Khó vì đó là loại củ chỉ để sử dụng thời thiếu gạo, đói cơm. Với ông, chuyện đi đào củ mài giờ đây chỉ còn là ký ức, nhưng với gia đình 2 người con trai của ông, nó không chỉ là ký ức nữa. Họ vẫn đi đào củ mài về bán. Hôm chúng tôi đến, cả 2 (đã có gia đình riêng ở gần nhà ông) đang đi đào củ mài.
“Từ sáng sớm 2 anh em nhà nó đã rủ nhau đi. Có khi đi cả 2 vợ chồng. Ngày “hên”, trúng củ to thì về sớm, còn không phải đến tối mịt mới về. Củ mài đào về, chúng chụp ảnh đưa lên facebook để rao bán. Củ to đẹp, mỗi kg từ 100-150 nghìn đồng, chứ trước đó, mỗi kg chỉ 15 nghìn đồng thôi. Mỗi ngày cũng được trên dưới 5kg. Sống ở miền núi mà không rừng, không nghề nghiệp thì cái gì còn làm ra tiền, cũng phải làm thôi”, ông Thanh kể.
Sinh năm 1995, Phan Thanh Tân cũng chỉ biết đến củ mài qua những câu chuyện kể của ba mẹ. Nhưng những tháng gần đây, Tân cũng theo bạn đi đào củ mài. Củ mài đào được, Tân mang về không phải để ăn, để chơi hay đơn giản chỉ để trải nghiệm cuộc sống thời khốn khó, mà để bán kiếm tiền. Trong tay Tân có biết nghề cơ khí, nhưng chỉ đi làm công, lấy tiền. Lúc việc nhiều, người ta mới kêu Tân đi làm. Kế mưu sinh khó khăn là vậy, Tân còn nuôi người mẹ già bị bệnh hiểm nghèo, người anh bị liệt bẩm sinh, người vợ không nghề nghiệp và 2 đứa con nhỏ nheo nhóc.
7 giờ sáng, tôi theo Tân và P.V.N. (xin giấu tên) mang theo cơm nước, thuổng, cuốc, xẻng đi đào củ mài. Sau gần nửa tiếng đi xe máy lẫn đi bộ, muốn đến khu vực có cây mài, chúng tôi phải bám vào vách đá để vượt qua 1 ngọn lèn dựng đứng, cao gần 400m. Vượt qua ngọn lèn cao ngất ngưỡng, chúng tôi tụt xuống một khoảng rừng khá bằng phẳng, cây cối xanh tốt. Rừng Hung Khé là nơi Tân đã từng đào được những củ hoài sơn dài gần 2m.
Sau một hồi tỉ mẩn dò từng gốc cây tìm ti củ mài (thân dây cây mài còn sót lại), Tân lặng lẽ ngồi xuống săm soi, rồi dùng thuổng, xẻng bắt đầu đào bới đất. Đào được lớp đất mặt sâu từ 0,5-1m, Tân tiếp tục săm soi nhìn vào hốc đất. Một phần rễ cây mài mà Tân gọi là troóng cây mài (phần gốc cây nằm trong lòng đất) lộ ra. Thì ra, muốn biết củ mài có lớn, đẹp hay không, người đào phải xem ti và troóng của nó.
Mùa đào củ mài (từ tháng 2-3 hàng năm), cũng là lúc loại cây này đã đổ đốt (đốt cây đã tách thân và rụng hết lá) chỉ còn một đoạn thân ngắn lộ thiên trên mặt đất. Cũng có khi, người ta quan sát “tiền cây mài” (hoa của cây mài) đã khô và rụng xuống dưới các gốc cây gần đó để “săn” tìm củ.
Vì cây mài là loại thân dây leo, thường bám vào những thân cây gỗ bên cạnh. Sau một hồi đào bới, độ sâu chừng 1m, Tân chỉ thu lượm được 2 củ nhỏ, chừng hơn gang tay. Hố thứ 2, rồi thứ 3 cũng vậy. Lúc này, trời đã về trưa, dù đang ở dưới tán cây rừng mà nắng vẫn cứ nóng hầm hập. Bỗng, Tân phát hiện 1 ti cây mài khá lớn ở bên cạnh một khe cạn. Lại bới, lại đào, có khi Tân chỉ dùng 2 bàn tay cào vào đất lẫn đá, nhưng cũng chỉ kiếm được một đoạn củ ngắn vì đá cuội quá nhiều. Tân bảo, củ mài rất mềm, nếu dùng thuổng xiết vào đá, củ sẽ bị dập nát hết cả, nên nhiều lúc phải dùng tay để đào bới.
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hóa Lê Anh Tuấn cho biết, trước đây củ mài được người dân trên địa bàn xem là củ chống đói. Nhưng những năm gần đây, giá củ mài lên cao nên có nhiều người đi tìm đào củ mài để bán. Hầu hết những người này đều có hoàn cảnh khó khăn, việc làm không ổn định.
Có điều lạ là củ mài chỉ có một thế sinh trưởng duy nhất là đâm sâu vào lòng đất, chứ không mọc xiên hoặc ngang. Vì vậy, người tìm củ mài cứ phải úp mặt vào đất để đào. Cứ như những củ dài gần 2m đào được tuần trước đó, Tân phải đào hố sâu hơn 2m, đường kính miệng hố cũng rộng hơn 2m mới lấy được.
Đưa 2 bàn tay lấm đất, suýt tóe máu cho tôi xem, Tân nói: “Sung sướng chi cái nghề đào đất, cào đá thế này hả anh? Cũng chỉ vì bức bí quá. Cũng chỉ vì gia cảnh và hoàn cảnh, không thể bỏ lại gia đình, người thân để tìm đường mưu sinh khác nên đành phải chấp nhận để kiếm tiền vá víu qua ngày”.
Nhóm đào mài của Tân có đến 4 người. Ai cũng có nỗi niềm, hoàn cảnh riêng. Cũng như Tân, P.V.N. đi đào củ mài cũng là “bất đắc dĩ”. N. sinh năm 1992, hiện là lao động chính trong gia đình 6 người, gồm: Mẹ già, vợ và 3 con thơ. N. có nghề thợ sơn, nhưng cũng đang thất nghiệp.
“Chấp nhận” đi đào củ mài để kiếm sống, với thế hệ những người lớn tuổi như ông Phan Hồng Thanh chỉ ký ức một thời kỳ khốn khó, còn với những người trẻ như Tân và N, hai chữ “chấp nhận” nghe sao ngậm ngùi, xót xa đến thế. Nhìn những thanh niên trai tráng, vì nặng gánh gia đình phải úp mặt vào đất, cần mẫn đào bới thứ “củ khó” của một thời để mưu sinh, tôi cứ nghĩ chuyện không chỉ là ký ức nữa (?!).
Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/phong-su/202304/hoai-son-khong-chi-la-ky-uc-2208394/