Hoài Thủy Trúc Đình 'gặp nạn'
Ra mắt rầm rộ, Hoài Thủy Trúc Đình nhanh chóng gây bão mạng, không vì thành công mà bởi tranh cãi xoay quanh chuyển thể, diễn xuất và kịch bản thiếu hồn.
Chỉ sau hai giờ phát sóng trên nền tảng iQiyi, bộ phim Hoài Thủy Trúc Đình đã nhanh chóng ghi nhận chỉ số phổ biến vượt mốc 5.700, và chạm ngưỡng 8.500 chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ – một kỷ lục mới trong dòng phim truyền hình năm nay.
Bề ngoài, đây là màn khởi đầu không thể mơ ước hơn cho một tác phẩm chuyển thể từ anime nổi tiếng. Tuy nhiên, ngay khi dư âm của những con số thống kê còn chưa lắng xuống, sóng gió từ cộng đồng mạng đã ập đến dữ dội, dấy lên một cuộc tranh luận nảy lửa về chất lượng thực sự của bộ phim.

Hoài Thủy Trúc Đình từng được kỳ vọng là cú hích mới cho dòng phim cổ trang huyền huyễn, khi hội tụ đủ yếu tố: cốt truyện nổi tiếng, dàn diễn viên đình đám, kỹ xảo hiện đại. Nhưng kỳ vọng càng cao, thất vọng càng sâu.
Anime gốc chỉ gồm 12 tập súc tích, giàu cảm xúc và mang đậm chiều sâu nhân vật. Vậy mà trong bản chuyển thể dài 36 tập, khán giả lại bị dẫn dắt qua một mê cung cốt truyện rối rắm, dài dòng và thiếu tập trung.
Tình cảm giữa Đông Phương Hoài Trúc (Lưu Thi Thi) và Vương Quyền Bá Nguyệt (Trương Vân Long) vốn được xây dựng tỉ mỉ trong anime, nay trở nên gượng gạo, thiếu lớp cảm xúc, như một bản nháp chưa kịp hoàn chỉnh.
Trên mạng xã hội, hàng loạt lời phê bình không khoan nhượng: "Đây không còn là chuyển thể, mà là cải biên tùy hứng. Phim truyền hình này đang phá hủy bản gốc".
Những lời này không chỉ là tiếng nói của người hâm mộ anime, mà còn phản ánh sự thất vọng sâu sắc của đông đảo khán giả truyền hình.
Lưu Thi Thi – một tên tuổi lớn trong làng phim cổ trang lại không thể hiện được khí chất hào hùng của nhân vật Đông Phương Hoài Trúc. Diễn xuất thiếu cảm xúc, đôi mắt mệt mỏi, biểu cảm đơn điệu khiến nhân vật của cô trở nên nhạt nhòa.
Trong khi đó, Trương Vân Long lại bị cho là quá già để đóng một Vương Quyền Bá Nguyệt trẻ trung, nhiệt huyết. Cả hai nhân vật chính đều không khắc họa được nội tâm phức tạp như kỳ vọng.
Chưa dừng ở đó, bộ phim còn vướng phải ý kiến trái chiều về kỹ thuật hậu kỳ. Hiệu ứng đặc biệt dù được đầu tư hoành tráng lại thiếu điểm nhấn, thiếu liên kết với hành động thực tế. Những cảnh chiến đấu lẽ ra phải là cao trào cảm xúc thì lại trở thành màn trình diễn màu mè, thiếu sinh khí.

Lồng tiếng vốn là thế mạnh của phim Hoa ngữ lại trở thành tử huyệt của Hoài Thủy Trúc Đình. Giọng nói không đồng bộ với khẩu hình, âm sắc thiếu phù hợp với hình tượng nhân vật, thậm chí còn khiến khán giả có cảm giác như đang xem một phiên bản "nghe kể truyện".
Những tuyến truyện phụ được thêm thắt như một nỗ lực lôi kéo khán giả trẻ bằng yếu tố “couple hóa” nhưng cuối cùng chỉ khiến bộ phim thêm rối rắm. Mối quan hệ của các nhân vật bị xây dựng sơ sài, lời thoại sáo rỗng, làm loãng mạch truyện chính thay vì bổ sung chiều sâu.
Thực trạng của Hoài Thủy Trúc Đình không phải là trường hợp cá biệt. Nó phản ánh rõ nét tình trạng “đồng hóa công nghiệp” của phim cổ trang hiện nay. Thị trường phim Hoa ngữ cứ tưởng đang "thịnh", nhưng thực chất đang "loãng".
Khán giả không còn dễ dãi. Họ cần những tác phẩm có hồn, có chiều sâu, chứ không phải là những chiếc vỏ bọc đẹp đẽ được dựng nên vội vã để đón đầu thị hiếu.
Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/dien-anh/hoai-thuy-truc-dinh-gap-nan-202505061252363637.html