Hoại tử gan do tự ý mua thuốc tây uống khi bị ho, sốt
Mỗi năm, Khoa Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận điều trị khoảng 5 - 7 ca bị dị ứng thuốc tây với mức độ nặng nhẹ khác nhau mà nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh tự đi mua uống. Có trường hợp lạm dung Paracetamol đã dẫn đến suy đa phủ tạng hoặc thậm chí tử vong.
Việc tự ý mua thuốc hạ sốt về uống sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Ảnh minh họa.
Lạm dụng thuốc tây, hậu quả khôn lường
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân là N.T.Q. (47 tuổi, trú tại Thạch Châu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) bị cảm nên đã tự đi mua thuốc tại quầy thuốc tây gần nhà để uống.
Sau khi uống 2 liều thuốc, các dấu hiệu bệnh cảm cúm vẫn không thuyên giảm mà ngược lại bệnh nhân xuất hiện ban đỏ, bọng nước ngoài da khắp cơ thể, chốc loét ở vùng mặt, cổ, ngực bụng, tay chân và vùng sinh dục; kèm theo dấu hiệu sốt và khó thở.
Bệnh nhân đã được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cấp cứu và chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Sau khi ổn định, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Lê Viết Long, Phó Trưởng Khoa Da liễu cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng Stevens - Johnson do dị ứng thuốc tân dược. Đây là một tình trạng nặng của dị ứng thuốc, thường gặp do các nhóm thuốc rất phổ biến như: kháng sinh, kháng viêm, giảm đau.
Tình trạng này thường gặp khi bệnh nhân chủ quan tự ý mua thuốc uống, không có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ…
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng có thể bị các tình trạng nặng như suy thận cấp, suy gan cấp; nặng hơn có thể dẫn đến suy đa phủ tạng hoặc thậm chí là tử vong.
Theo bác sĩ Lê Viết Long, trung bình mỗi năm, khoa tiếp nhận điều trị khoảng 5 - 7 ca bị dị ứng thuốc các loại với các mức độ nặng nhẹ khác nhau mà nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh tự đi mua thuốc uống.
Trước đó, Trung tâm Sản nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) tiếp nhận bệnh nhi T.V.D (27 tháng tuổi, Phú Thọ) trong tình trạng lơ mơ, sốt, khó thở, tim nhịp nhanh, phổi thông khí kém, gan to dưới bờ sườn…
Bệnh nhi được chẩn đoán ngộ độc Paracetamol do sử dụng quá liều. Người nhà bệnh nhi cho biết bé D. bị sốt, ho hò khè nên gia đình cho uống thuốc hạ sốt Paracetamol 500 mg với liều lượng 4 viên/ngày, đã uống 4 ngày.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã phải dốc sức cứu chữa cho bệnh nhi D. Tuy nhiên, các BS đánh giá đây là trường hợp bệnh nặng, tiên lượng tử vong nếu không được ghép gan.
Một trường hợp đáng chú ý gần đây tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, một bệnh nhân nam (22 tuổi; trú tại Sơn La) bị ngộ độc Paracetamol dù được điều trị tích cực suốt 1 tuần nhưng đã không qua khỏi.
Trước đó, do bị sốt không rõ nguyên nhân, nam thanh niên đã tự ý mua thuốc hạ sốt về uống. Bệnh nhân đã uống 19 viên thuốc Paracetamol 500 mg trong 2 ngày nhưng không hết sốt mà xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, vàng da nên phải nhập viện.
"Bệnh nhân đã dùng thuốc quá liều dẫn đến ngộ độc, cộng thêm có tiền sử viêm gan B làm tăng tình trạng nặng của bệnh, khiến không qua khỏi" - BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết.
Dùng thuốc sao cho an toàn?
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Paracetamol được chuyển hóa tại gan, khi uống quá liều, nồng độ Paracetamol trong máu quá cao, vượt quá khả năng khử độc của gan, khi ấy chất độc tích lũy lại gây hoại tử tế bào gan.
Tình trạng hoại tử lan rộng sẽ dẫn đến suy gan cấp, suy thận, thậm chí thấm vào não khiến bị hôn mê…
Với người có sẵn bệnh ở gan (viêm gan hay xơ gan), nguy cơ nhiễm độc cấp do Paracetamol càng cao, nhiều khi chỉ uống ở liều điều trị cũng có thể khởi phát viêm gan nhiễm độc thuốc.
Ngộ độc Paracetamol rất nhanh, chỉ sau vài giờ uống thuốc. Triệu chứng thường gặp là chán ăn, buồn nôn, vã mồ hôi, khó chịu, có thể đau hạ sườn phải. Sau 1, 2 ngày, có dấu hiệu vàng da, vàng mắt, tiểu sậm màu.
"Trong trường hợp nặng, bệnh nhân kích động, mê sảng, suy hô hấp và có thể tử vong do suy đa tạng", BS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.