Hoại tử tay vì mụn cơm, cảnh báo những sai lầm nhiều người vẫn mắc

Hạt cơm do vi rút HPV gây ra, nó có thể mọc ở các vị trí khác nhau trên cơ thể. Những sai lầm nhiều người mắc dẫn tới hệ lụy không đáng có, thậm chí có trường hợp hoại tử tay vì mụn cơm.

Hoại tử tay vì mụn cơm

Các bác sĩ của Khoa Chấn thương - Chỉnh hình - Bỏng (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) đã từng tiếp nhận một bệnh nhân 6 tuổi bị hoại tử ngón tay vì mụn cóc. Qua thăm khám, phát hiện 3 đốt ngón tay của bệnh nhân nhi đã hoại tử. Các bác sỹ đã nhanh chóng phẫu thuật cắt lọc hoại tử, điều trị vết thương.

Theo lời kể của gia đình, bé bị nốt mụn cóc ở tay, lúc đầu rất nhỏ sau to dần, gia đình thấy ở trên mạng có đăng bán thuốc trị mụn cóc hiệu quả và đã mua về cho cháu bé dùng. Sau khi dùng không lâu thì tay cháu bị tổn thương nặng nên đưa vào viện.

Tay hoại tử vì tự chữa mụn cơm. Ảnh TL

Tay hoại tử vì tự chữa mụn cơm. Ảnh TL

Trường hợp của chị Trương Thị Hoàng Hà 29 tuổi, Đống Đa, Hà Nội không bị hoại tử nhưng mụn cơm mọc thành chùm ở gót chân khiến chị không đi được. Trước đó, chị Hà bị mụn cơm và được nhiều người mách đắp tỏi để trị mụn cơm. Sau cả tháng đắp tỏi nhưng vẫn không có tác dụng, chị lại được mách có thuốc bôi, sau khi lấy đầu kim gẩy mụn ra chị bôi thuốc. Một tuần sau mụn hết nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì 1 tháng sau gót chân xuất hiện cả chùm mụn cơm. Mỗi lần đi dép hay va vào vật gì chị Hà đau điếng người.

Bác sĩ Cao Xuân Ngọc – giảng viên lớp Laser thẩm mỹ, khoa Y Dược, trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết anh gặp nhiều trường hợp biến chứng do điều trị hạt cơm sai cách. Mụn cơm là những nốt sùi nhỏ lành tính xuất hiện trên da thường gặp do virus HPV (Human Papilloma Virus) gây nên. Những virus gây tổn thương trên da tạo u nhú, mụn cóc phổ biến là loại types 1, 2, 3, 10… Virus này xâm nhập khiến cho những tế bào ở ngoài của da tăng sinh rất nhanh. Mụn cơm không gây ung thư.

Tại bệnh viện Da liễu Trung ương những năm gần đây cũng ghi nhận số bệnh nhân bị hạt cơm đến khám ngày càng tăng (chiếm 2,3% số bệnh nhân đến khám). Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn nam (55,7% và 44,3%).

Điều trị như thế nào?

Các chuyên gia cho rằng, có nhiều phương pháp gọi là "chữa mẹo" trong dân gian, nhưng cho đến nay chưa có phương pháp nào đáng tin cậy hoàn toàn vì đã nhiều người áp dụng nhưng không thấy có kết quả. Hạt cơm có hai loại là hạt cơm thường và hạt cơm phẳng.

+ Hạt cơm thông thường do HPV týp 2, 4, 27, 29 gây nên. Tổn thương cơ bản là sẩn sừng thô ráp, kích thước từ 0,3 – 1 cm, màu da bình thường, vị trí hay gặp vùng da dễ bị sang chấn như mặt duỗi các khớp liên đốt hay khớp bàn đốt hoặc ở vùng tỳ đè của bàn chân. Bề mặt hạt cơm tăng gai, thậm chí tạo thành rãnh, thành khía. Quanh các đám dầy sừng lại có những đám dầy sừng kế cận tạo thành như miệng giếng. Số lượng thay đổi từ một vài cái đến vài chục cái, đôi khi tập hợp lại.

+ Hạt cơm phẳng do HPV týp 3,10 gây nên. Tổn thương là những sẩn nhỏ hiếm khi nổi cao, màu vàng hoặc màu vàng nhạt, bề mặt bóng, mảnh, thường tập trung thành dải (do khi bệnh nhân gãi hạt cơm có thể mọc theo vết xước gọi là hiện tượng Koebner) hoặc tạo thành mảng, cảm giác thường hơi ngứa. Vị trí ưu thế ở mặt mu tay, ngón tay, cánh tay, đầu gối và mặt trước cẳng chân.

Thường gặp ở người suy giảm miễn dịch, thương tổn nổi cao hoặc kích thước lớn. Nó tồn tại dai dẳng nhiều tháng hoặc nhiều năm, có thể có dấu hiệu viêm ở xung quanh hoặc có vòng giảm sắc tố.

BS Ngọc (áo xanh) đang điều trị mụn cơm cho một bệnh nhân

BS Ngọc (áo xanh) đang điều trị mụn cơm cho một bệnh nhân

Theo BS Cao Xuân Ngọc, mụn cơm ở ngoài da có thể được điều trị bằng các loại thuốc bôi, laser và tiểu phẫu. Tuy nhiên, bạn cần đến khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán loại trừ các bệnh về da nguy hiểm khác như ung thư da thay vì tự ý điều trị tại nhà.

Điều trị hạt cơm bằng laser CO2 được xem là phương pháp đem lại hiệu quả cao, sau khi sát trùng cẩn thận ở vùng da bị mụn cơm thì bác sĩ sẽ tiến hành gây tê vào vùng da bị tổn thương để có thể giảm đi cảm giác đau khi điều trị.

Tiếp theo tiến hành chiếu tia laser trực tiếp lên vùng da bị tổn thương và sẽ loại bỏ tận gốc mụn cơm. Khi thực hiện quá trình này hoàn tất thì bác sĩ sẽ bôi thuốc sát trùng cùng với thuốc kháng sinh, từ đó để phòng tránh viêm nhiễm sau khi điều trị.

Hà My - Long Vũ

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/hoai-tu-tay-vi-mun-com-canh-bao-nhung-sai-lam-nhieu-nguoi-van-mac-20190904222810853.htm