Hoại tử tinh hoàn vì không vào viện khám
'Đến muộn tới 3 ngày do ngại tới bệnh viện khám, cháu bé bị xoắn tinh hoàn, phải cắt bỏ', bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nói.
Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, khoa Ngoại - Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thông tin các bác sĩ vừa cắt bỏ một bên tinh hoàn cho bệnh nhân nam 16 tuổi, ở Hưng Yên.
Khi tìm tới bác sĩ Liên, nam bệnh nhân trong tình trạng bìu căng, mất nếp nhăn, đau dữ dội. Kiểm tra, bác sĩ thấy tinh hoàn căng cứng và nghiệm pháp nâng bìu dương tính nên nghĩ ngay tới xoắn thừng tinh. Chẩn đoán hình ảnh cho thấy tinh hoàn đã hoại tử, không thể cứu chữa. Đây là trường hợp đáng tiếc do chủ quan, xử lý muộn.
Theo bác sĩ Liên, xoắn thừng tinh là bệnh lý của nam giới do thừng tinh xoắn vặn gây ra tắc nghẽn dòng lưu thông mạch máu của thừng tinh - tinh hoàn. Hậu quả gây thiếu máu, ứ máu và hoại tử tinh hoàn nếu không được xử trí kịp thời.
Khi gặp bệnh này, nam giới phải được phẫu thuật khẩn cấp. Bác sĩ Liên khuyến cáo nếu được điều trị trong vòng 6 tiếng, tinh hoàn sẽ được cứu. Sau 12 tiếng, khả năng cứu chỉ còn 20% và sau 24 tiếng là 0%. Khi lưu lượng máu bị cắt đứt quá lâu, một tinh hoàn sẽ bị hư hỏng hoàn toàn và phải loại bỏ.
Do đó, việc điều trị bằng phẫu thuật có thể phòng ngừa những biến chứng nghiêm trọng do chứng xoắn thừng tinh gây ra.
"Trong mùa dịch Covid-19, nhiều người có tâm lý sợ vào bệnh viện. Riêng với bệnh lý này, tôi khuyến cáo cha mẹ đưa ngay con đi khám bệnh nếu trẻ kêu đau bìu, tránh làm ảnh hưởng 'bản lĩnh đàn ông' sau này", bác sĩ Liên khuyến nghị.
Mới đây, bác sĩ Liên mổ tháo xoắn tinh hoàn thành công cho một bệnh nhân nam, 11 tuổi, đau bìu trái. Do vào viện sớm, chỉ ở giờ thứ ba, bệnh nhân được chẩn đoán xoắn thừng tinh hoàn trái, mổ tháo xoắn ngay nên bảo lưu hoàn toàn bộ phận này.
Theo bác sĩ Liên, xoắn thừng tinh thường gặp nhiều ở nam giới từ 12-18 tuổi, trong đó, độ tuổi 14 là phổ biến nhưng hay bị bỏ qua.
Qua trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo nam giới cần đến gặp bác sĩ ngay nếu xuất hiện các triệu chứng dưới đây:
- Đau đột ngột hoặc đau nghiêm trọng một tinh hoàn
- Sưng bìu.
- Buồn nôn.
- Đau bụng.
- Một bên tinh hoàn ở vị trí cao hơn bình thường hoặc nằm ở vị trí khác thường
- Cơn đau dịu đi trong khoảng thời gian ít hơn 6 tiếng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hoai-tu-tinh-hoan-vi-khong-dam-vao-vien-kham-post1068769.html