Hoán đổi các năm đóng bảo hiểm xã hội thừa để giảm trừ tuổi nghỉ hưu

Đây là đề xuất của Công đoàn cơ sở nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, đảm bảo mức hưởng lương hưu phù hợp cho những người lao động làm việc từ sớm.

Góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Thị Thúy Hà đề xuất người lao động đóng bảo hiểm xã hội trên 30 - 35 năm được hoán đổi thời gian dôi dư cho tuổi đời còn thiếu để nghỉ hưu sớm mà không bị trừ 2%.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, cần tính toán kỹ để lao động không thiệt thòi. Nếu đề xuất được thực thi, số người rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ giảm. Thậm chí nếu thôi việc, người lao động sẽ cân nhắc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để chờ hưu trí.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc đã nhiều lần đề xuất hoán đổi năm đóng bảo hiểm xã hội thừa để giảm trừ tuổi nghỉ hưu

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc đã nhiều lần đề xuất hoán đổi năm đóng bảo hiểm xã hội thừa để giảm trừ tuổi nghỉ hưu

Thực tế hiện nay, nhiều công nhân đi làm và tham gia bảo hiểm xã hội sớm sẽ thừa năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng tối đa 75% lương hưu nhưng lại thiếu tuổi đời hoặc nghỉ sớm. Nếu như vậy, người lao động sẽ bị khấu trừ 2% khiến mức hưởng rất thấp.

Theo Luật hiện hành và dự thảo Luật (sửa đổi), lao động nam đóng đủ 35 năm bảo hiểm xã hội, lao động nữ đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã và đủ tuổi nghỉ hưu mới được hưởng tối đa 75% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Lao động về hưu sớm trước tuổi quy định bị khấu trừ 2% mỗi năm trong khi đóng vượt khung tối đa chỉ được trợ cấp bằng 0,5 lần bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho mỗi năm thừa.

 Đề xuất hoán đổi số năm đóng bảo hiểm xã hội thừa để được nghỉ hưu sớm được nhiều công nhân, đặc biệt là người lao động trẻ ủng hộ

Đề xuất hoán đổi số năm đóng bảo hiểm xã hội thừa để được nghỉ hưu sớm được nhiều công nhân, đặc biệt là người lao động trẻ ủng hộ

Về quy định mỗi năm đóng thừa chỉ được hưởng 0,5 lần bình quân lương đóng bảo hiểm xã hội, nhiều người lao động cho rằng quá thấp. Mức hưởng này không đủ hấp dẫn để tiếp tục đóng bảo hiểm trên 30 năm.

Khi đã làm việc được 30 năm, người lao động đã tích lũy được số vốn nhất định. Lúc đó người lao động sẽ quan tâm đến sức khỏe và niềm vui tuổi già, mong được nghỉ hưu sớm hơn là hưởng thêm tiền hỗ trợ. Vì vậy, nếu hoán đổi các năm đóng bảo hiểm xã hội thừa để giảm trừ tuổi nghỉ hưu sẽ thiết thực hơn.

Trước đó, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động của mức trợ cấp một lần với lao động đóng thừa năm bảo hiểm xã hội tối đa sao cho tương xứng nhằm khuyến khích họ gắn bó lâu dài với hệ thống an sinh. Tuy nhiên dự thảo Luật (sửa đổi) không thay đổi mức hưởng.

 Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2023, dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2023, dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025

Theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019, từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ được điều chỉnh tăng hằng năm theo lộ trình 3 tháng/năm đối với lao động nam và 4 tháng/năm đối với lao động nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028, nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Ngọc Châm

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/hoan-doi-cac-nam-dong-bao-hiem-xa-hoi-thua-de-giam-tru-tuoi-nghi-huu-119427.htm