Hoàn Kiếm ra quân đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông năm 2023
Sáng 13/2, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Lễ phát động 'Năm An toàn giao thông và đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường năm 2023' trên địa bàn quận.
Dự lễ phát động có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn; Bí thư Quận ủy Vũ Đăng Định; Chủ tịch UBND quận Phạm Tuấn Long.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân thông tin, hưởng ứng Lễ phát động “Năm An toàn giao thông 2023” của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và UBND TP Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Kế hoạch số 03/KH-UBND, ngày 5/1/2023 với mục tiêu tạo ra sự chuyển biến rõ nét, bền vững về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên địa bàn quận; Giảm từ 5 - 10% số vụ tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí.
Quận sẽ kiên quyết xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường bằng hình thức xử phạt với phương châm “Thượng tôn pháp luật để xây dựng trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường”; “Không có vùng cấm, không ngoại lệ, không bao che vi phạm”.
Xử lý nghiêm khắc đối với những tập thể, cá nhân được giao nhiệm vụ kiểm tra xử lý các vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường nếu còn để tồn tại các vi phạm. Hàng tháng, quý, năm tổ chức thanh tra, kiểm tra đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tập thể, cá nhân được giao thực thi nhiệm vụ. Đưa ra các tiêu chí về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường ở các tuyến phố, khu vực theo tính chất quan trọng để làm căn cứ kiểm tra xử lý.
Để đạt được các mục tiêu trên, quận sẽ tiến hành phân loại các tiêu chí về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường ở các khu vực, tuyến phố, cụ thể:
Kiểu mẫu - gồm 12 tuyến phố: Không để phương tiện trên hè phố, không cấp phép để các loại phương tiện, không có xe dừng đỗ trái quy định tại lòng đường, vỉa hè; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán; tuyến phố luôn sạch sẽ mức độ cao, không có rác tồn đọng; biển hiệu, biển quảng cáo, mái hiên, mái che đúng quy định.
Cấp độ 1 - gồm 20 phố văn minh đô thị và 5 khu vực trọng điểm (Khu vực Thành ủy, UBND TP; Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; Quảng trường 19/8; Quảng trường 1/5; khu vực Nhà thờ lớn): Phương tiện xe máy xe đạp chỉ được để trên hè tại những nơi được cấp phép; không có xe ô tô dừng đỗ trái quy định tại hè phố, lòng đường; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán; tuyến phố sạch sẽ không có rác tồn đọng; biển hiệu, biển quảng cáo, mái hiên, mái che đúng quy định.
Cấp độ 2 - gồm 86 tuyến có tên gọi là phố: Phương tiện xe máy xe đạp được để trên hè song phải để gọn gàng theo vạch kẻ sơn; không có xe ô tô dừng đỗ trái quy định tại hè phố, lòng đường; không có các vi phạm lớn về kinh doanh bán lấn chiếm hè phố, lòng đường; tuyến phố tương đối sạch sẽ, không có rác tồn đọng lưu cữu; biển hiệu, biển quảng cáo, mái hiên, mái che đúng quy định.
Cấp độ 3 - gồm các tuyến phố, ngõ, ngách còn lại: Có thể sắp xếp một số hộ kinh doanh cho các hộ nghèo đảm bảo lối đi cho người đi bộ, không có các vi phạm bức xúc về trật tự đô thị tạo thành tụ điểm.
Bên cạnh đó, quận Hoàn Kiếm tập trung xử lý nghiêm, kiên quyết các vi phạm về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường các tuyến phố kiểu mẫu; tuyến phố văn minh đô thị, khu vực trọng điểm đảm bảo đúng tiêu chí đã nêu trên, duy trì không có vi phạm.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long yêu cầu các phòng, ban, đơn vị, UBND 18 phường tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó: Triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh, bền vững về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh lấn chiếm hè phố, vi phạm về giao thông tĩnh...; tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt; giải quyết triệt để các điểm, tụ điểm phức tạp. Tập trung triển khai hiệu quả phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, phương án phân loại rác tại nguồn trên địa bàn quận.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các không gian đi bộ trên địa bàn quận. Tiếp tục duy trì và phát huy giá trị không gian bích họa phố Phùng Hưng, dự án nghệ thuật công cộng sử dụng vật liệu tái chế tại phường Phúc Tân, Phố sách Hà Nội tại phố 19/12, tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân - ngõ Cấm Chỉ. Hoàn thành công tác lập Đề án: Đề án xây dựng tuyến phố đi bộ Hàng Khay - Tràng Tiền - Quảng trường Cách mạng Tháng Tám kết hợp với các trung tâm thương mại; Đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử văn hóa khu phố cũ thành vùng di sản. Triển khai lập Đề án phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng trên địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm - Ba Đình - Tây Hồ - Long Biên; Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, 2 phường Chương Dương và Phúc Tân. Triển khai thiết kế đô thị riêng các ô phố, tuyến phố chính theo phê duyệt của Thành phố.
Tập trung thực hiện cải tạo chỉnh trang đô thị các vườn hoa, tuyến phố, vận động cơ quan, tổ chức và người dân treo hoa trang trí tại các ban công. Xây dựng quy chế phối hợp kiểm tra, giám sát việc thi công hoàn trả hè, đường phố của các đơn vị thi công trên địa bàn quận; quy định về quản lý, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật sau đầu tư; phá bỏ hoàn toàn xi măng, gạch,... xây bịt gốc cây; phá bỏ bục bệ, cầu dắt xe vi phạm trên địa bàn quận.
Một số hình ảnh tại Lễ phát động “Năm An toàn giao thông và đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường năm 2023” quận Hoàn Kiếm":
Lực lượng chức năng phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm ra quân xử lý trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường