Hoãn phiên xét xử đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn
Nguyễn Xuân Cường được xác định là người cầm đầu, chủ mưu, trực tiếp điều hành đường dây sản xuất, mua bán thuốc giả quy mô lớn để thu lợi bất chính.
Ngày 25/2, TAND TPHCM đưa vụ án “sản xuất; buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” do bị cáo Nguyễn Xuân Cường (SN 1976, ngụ quận Tân Phú) và 10 đồng phạm thực hiện ra xét xử sơ thẩm.
Trong vụ án này, Nguyễn Xuân Cường, Đặng Văn Hóa bị truy tố về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”; Ao Vạn Hạnh, Trương Phong Hào, Trương Thùy Trinh, Hoàng Thị Hạnh, Bùi Đắc Khoa bị truy tố về tội “Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh”; Phạm Quốc Quyền, Huỳnh Nhật Khoa, Lý Thị Diễm Phương, Đào Tấn Phát bị truy tố về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.
Sau phần làm thủ tục, có một bị cáo vắng mặt do bị bệnh nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa.

Các bị cáo tại tòa
Theo cáo trạng, ngày 13/12/2022, Cơ quan CSĐT Công an Quận 8 tiến hành kiểm tra tại bãi xe không số đối diện số 55 Đường 84 Cao Lỗ, Phường 4, Quận 8 do Ao Vạn Hạnh quản lý thì phát hiện tại 2 kho hàng phía cuối bãi xe có chứa một số lượng lớn thuốc tân dược nghi giả các nhãn hiệu TERPIN-CODEIN, Decotyl, Asmacort, TERPIN-CODEI, Glotal cùng với một số lượng nguyên vật liệu, công cụ, phương tiện dùng để sản xuất thuốc giả.
Qua làm việc ban đầu, lực lượng chức năng xác định số thuốc tân dược nêu trên là hàng giả, do Nguyễn Xuân Cường thuê Ao Vạn Hạnh và một số đổi tượng khác tiến hành sản xuất, buôn bán tại địa chỉ nêu trên.
Cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét khẩn cấp đối với Hạnh tại địa chỉ 123/43A Cao Lỗ, Phường 4, Quận 8; đối với Nguyễn Xuân Cường tại 79 Nguyễn Thị Mười, Phường 4, Quận 8, kết quả thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu nghi vấn có liên quan đến việc sản xuất, mua bán thuốc giả
Mở rộng điều tra, Công an Quận 8 tiến hành khám xét khẩn cấp đối với các đối tượng tiêu thụ thuốc tân dược giả do Cường sản xuất, gồm: Phạm Quốc Quyền, Huỳnh Nhật Khoa trên đường Tô Hiến Thành, Phường 13, Quận 10; Đặng Văn Hóa tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; thu giữ một số lượng lớn thuốc tân dược giả các loại.
Kết quả điều tra xác định, Nguyễn Xuân Cường là người cầm đầu, chủ mưu, trực tiếp đặt mua nguyên liệu, đặt in nhãn hiệu của Bùi Đắc Khoa, Hoàng Thị Hạnh và một số cá nhân khác, thuê nhân viên, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho Ao Vạn Hạnh, Trương Phong Hào, Trương Thùy Trinh và các nhân viên khác sản xuất thuốc giả các nhãn hiệu, nhằm mục đích thu lợi bất chính.
Do đó, Cường phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số thuốc giả thu giữ tại kho do Cường sản xuất và thu giữ tại nhà của Phạm Quốc Quyền, Huỳnh Nhật Khoa.
Theo kết quả định giá, thuốc giả bị thu giữ có tổng trị giá tương đương hàng thật hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, kết quả sao kê tài khoản xác định tính đến ngày bị phát hiện, Cường đã bán thuốc giả do mình tự sản xuất cho Quyền, Khoa, Phương, Phát với tổng số tiền hơn 7,7 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 387 triệu đồng.
Ao Vạn Hạnh được xác định là người giúp sức tích cực nhất cho Nguyễn Xuân Cường trong việc sản xuất thuốc giả.
Hạnh đứng ra thuê địa điểm, quản lý, thuê người và nhận tiền từ Cường để trả tiền công cho những người sản xuất thuốc giả; tham gia trực tiếp vào công đoạn sản xuất thuốc giả là dán tem nhãn, đóng thùng sản phẩm.
Ngoài ra, bị cáo này còn tham gia sản xuất thuốc giả xuyên suốt nên phải chịu trách nhiệm hình sự trong việc giúp sức cho Nguyễn Xuân Cường sản xuất thuốc giả với tổng trị giá hàng giả tương đương hàng thật hơn 1 tỷ đồng.

Các bị cáo tại tòa
Trương Phong Hào, Trương Thùy Trinh cũng là những người giúp sức cho Cường trong việc sản xuất thuốc giả. Trong đó, Hào phụ đóng gói, xếp hàng vào thùng và giao hàng cho khách theo sự chỉ đạo của Cường; Trinh có nhiệm vụ đóng gói, dán nhãn hiệu từng mặt hàng theo chỉ đạo của Cường, tính đến ngày bị phát hiện Trinh mới làm được khoảng 10 ngày.
Phạm Quốc Quyền mặc dù biết thuốc do Cường và Hóa sản xuất là thuốc giả nhưng vẫn mua lại số thuốc có giá trị tương đương hàng thật hơn 41,4 triệu đồng, bán cho người khác nhằm mục đích kiếm lời. Ngoài ra, từ đầu năm 2021 đến thời điểm bị phát hiện, Quyền đã chuyển khoản thanh toán tiền mua thuốc giả cho Cường hơn 2 tỷ đồng; mua thuốc giả của Hóa gần 789 triệu đồng.
Huỳnh Nhật Khoa mặc dù biết thuốc do Nguyễn Xuân Cường sản xuất là thuốc giả nhưng vẫn mua lại bán cho người khác nhằm mục đích kiếm lời. Khoa phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số thuốc giả thu giữ tại nhà của Khoa hơn 556 triệu đồng. Ngoài ra, kết quả sao kê tài khoản xác định tính đến ngày bị phát hiện, Khoa đã chuyển khoản thanh toán tiền mua bán thuốc giả cho Cường hơn 4,3 tỷ đồng.
Riêng Đặng Văn Hóa, ngoài việc mua thuốc giả nhãn hiệu Asmacort của Phạm Quốc Quyền để bán lại cho người khác kiếm lời, Hóa còn tự sản xuất thuốc kháng sinh Ciproxacin 500 giả để bán lại cho Quyền. Vì vậy, Hóa phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tổng trị giá 352,7 triệu đồng liên quan đến thuốc giả hiệu Ciproxacin 500.