Hoãn phiên xử lãnh đạo huyện chỉ đạo cấp dưới 'rút ruột' hơn 3 tỷ đồng để trả nợ tiếp khách
Sáng 3/7, TAND tỉnh An Giang mở phiên tòa xét xử 23 bị cáo trong vụ tham ô tài sản tại huyện Chợ Mới. Tuy nhiên do luật sư bào chữa cho một số bị cáo vắng mặt, có đơn xin hoãn nên Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa.
TAND tỉnh An Giang đưa vụ án "Tham ô tài sản; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và mua bán trái phép hóa đơn" ra xét xử, với 23 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ UBND huyện Chợ Mới (An Giang) và lãnh đạo một số xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong 23 bị cáo bị khởi tố có 15 bị cáo bị bắt tạm giam, 8 bị cáo được tại ngoại. Ngoài ra, tòa cũng triệu tập 33 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Bị cáo Vũ Minh Thao – cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới bị truy tố tội tham ô tài sản. Xuất hiện tại tòa, bị cáo Thao tóc đã bạc trắng so với thời điểm bị khởi tố bắt tạm giam.
Sau phần thẩm tra lý lịch của các bị cáo và người có quyền và nghĩa vụ liên quan, luật sư bào chữa cho bị cáo có đơn xin hoãn phiên tòa. Xét thấy cần bảo đảm quyền lợi cho các bị báo nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 15/7, dự kiến diễn ra trong 4 ngày.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh An Giang, từ năm 2019 – 2021, UBND huyện Chợ Mới nợ tiền tiếp khách gần 600 triệu đồng và tiền đã tạm ứng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện chi hoạt động thăm hỏi, chúc Tết, tổng cộng hơn 1,3 tỷ đồng.
Để bàn phương án tìm nguồn tiền trả nợ trên, Thường trực UBND huyện Chợ Mới tổ chức các cuộc họp với sự tham gia của Ngô Hoàng Hiếu (Chủ tịch UBND huyện); hai Phó Chủ tịch UBND huyện là Vũ Minh Thao và Nguyễn Hồng Viễn; Chánh Văn phòng HĐND - UBND - Nguyễn Văn Ven, cùng hai cấp phó là Lê Quốc Điền và Nguyễn Tuấn Minh.
Tại các cuộc họp, ông Ngô Hoàng Hiếu chỉ đạo chọn xã để yêu cầu thanh, quyết toán kinh phí các dự án đầu tư công gửi tiền về cho UBND huyện sử dụng. Sau các cuộc họp, bị can Viễn trực tiếp hoặc phân công Ven, Điền hoặc Minh liên hệ với chủ tịch UBND các xã Hòa An, Tấn Mỹ, Hòa Bình, Hội An để yêu cầu quyết toán lấy tiền gửi về UBND huyện.
Trong các cuộc họp, ông Hiếu chỉ đạo chọn xã để yêu cầu thanh, quyết toán kinh phí gửi tiền về cho UBND huyện sử dụng; đồng thời giao cho ông Viễn cùng Văn phòng HĐND - UBND huyện tham mưu cho Thường trực UBND huyện phương án thực hiện.
Sau các cuộc họp, ông Viễn trực tiếp hoặc phân công cho các ông: Ven, Điền hoặc Minh liên hệ với Chủ tịch UBND các xã Hòa An, Tấn Mỹ, Hòa Bình, Hội An để yêu cầu quyết toán lấy tiền gửi về huyện.
Thực hiện ý kiến, các Chủ tịch UBND xã gồm: Lưu Văn Khôn (xã Hòa An), Trần Hữu Đức, Nguyễn Thị Bích Liễu (cùng xã Tấn Mỹ), Đặng Thanh Bình (xã Hòa Bình) và Bùi Minh Trí (xã Hội An) đã bàn bạc cùng các doanh nghiệp lập hồ sơ khống 13 công trình, giảm thi công một số hạng mục của 5 công trình đang thi công để quyết toán khống lấy tiền gửi cho UBND huyện, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 3,4 tỷ đồng.
Quá trình điều tra xác định ông Ven có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sai phạm tại UBND xã Hòa An, Hòa Bình, Hội An, Tấn Mỹ. Đến ngày 10/3/2023, ông Ven đã chết nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Ven.
Đối với bị can Ngô Hoàng Hiếu (thời điểm bị khởi tố đang giữ chức Phó Chánh Thanh tra tỉnh. Đến ngày 14/4/2024, ông Hiếu chết do bệnh lý.
Đại diện UBND huyện Chợ Mới cho biết đã yêu cầu những người có liên quan hoàn trả số tiền gây thất thoát cho ngân sách và xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị can. Sau đó, các bị can cũng đã nộp khắc phục hậu quả hơn 3,2 tỷ đồng.