Hoàn thành cấp đất, hỗ trợ làm nhà và giải bản tàu, thuyền cho các hộ sinh sống trên sông
Nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vận động 'Toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo xóa nhà tranh tre, tạm bợ, dột nát và ổn định đời sống đồng bào sinh sống trên sông', huyện Thọ Xuân đã và đang làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhất là đẩy nhanh hoàn thành cấp đất, hỗ trợ làm nhà và giải bản tàu, thuyền cho các hộ sinh sống trên sông...
Thị trấn Thọ Xuân tổ chức giải bản tàu, thuyền của các hộ đồng bào sinh sống trên sông đã được cấp đất, hỗ trợ làm nhà.
Bám sát thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Thọ Xuân về hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông, xã Xuân Hồng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát các hộ để đề nghị cấp đất, hỗ trợ làm nhà cho hộ có đủ điều kiện. Theo đó, xã Xuân Hồng đã có 4 hộ đủ điều kiện và được cấp đất, hỗ trợ làm nhà.
Song song với đó, bám sát công văn của UBND huyện Thọ Xuân về việc tổ chức giải bản tàu, thuyền của các hộ đồng bào sinh sống trên sông đã được cấp đất ở và hỗ trợ làm nhà trên bờ; UBND xã đã tổ chức triển khai và hoàn thành việc giải bản tàu, thuyền của 4/4 hộ đồng bào sinh sống trên sông đã được cấp đất ở và hỗ trợ làm nhà trên bờ. Địa phương cũng đã tổ chức cho các hộ ký cam kết giải bản tàu, thuyền, không tái quay lại sinh sống trên sông.
Là địa phương có đồng bào sinh sống trên sông, Chủ tịch UBND xã Xuân Tín, Nguyễn Văn Đàn cho biết: Hiện xã đã có 17/17 hộ được cấp đất ở, hỗ trợ làm nhà và đều đã tự giải bản tàu, thuyền. Đạt được kết quả trên là do UBND xã đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện đảm bảo các bước quy trình. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hộ đồng thuận tự giải bản tàu, thuyền, không quay lại sinh sống trên sông.
Là 1 trong 4 hộ tự giải bản tàu, thuyền đợt này, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Được cấp đất và hỗ trợ làm nhà, chúng tôi đã có một tổ ấm cho riêng mình. Đây cũng là niềm mơ ước mà trước đây gia đình tôi không dám nghĩ đến. Chúng tôi cam kết sẽ tự giác giải bản tàu, thuyền và sẽ không quay lại cuộc sống sông nước để các thành viên trong gia đình đều có được cuộc sống ổn định".
Theo báo cáo của huyện Thọ Xuân, toàn huyện có 64 hộ đồng bào sinh sống trên sông, trong đó có 36 hộ đủ điều kiện được cấp đất, hỗ trợ làm nhà. Giai đoạn 2022-2023, bám sát thực hiện các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Thọ Xuân đã ban hành kế hoạch cấp đất và hỗ trợ đồng bào nghèo sinh sống trên sông, đồng thời hỗ trợ xây dựng nhà ở, góp phần ổn định đời sống Nhân dân.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch, huyện Thọ Xuân đã thành lập ban chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và rà soát các hộ đủ điều kiện giao đất ở, hỗ trợ làm nhà. Mục tiêu của kế hoạch phấn đấu trong năm 2023, hoàn thành việc giao đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo sinh sống trên sông có đủ điều kiện để lên bờ định cư, ổn định cuộc sống. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã và đang thực hiện hỗ trợ làm nhà cho 36/36 hộ. Trong đó, thị trấn Thọ Xuân có 10 hộ; các xã: Phú Xuân 2 hộ; Xuân Hồng 4 hộ; Xuân Thiên 3 hộ và Xuân Tín 17 hộ.
Song song với đó, với các hộ đã được cấp đất, hỗ trợ làm nhà, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và các hộ được cấp đất, hỗ trợ làm nhà thực hiện các bước quy trình giải bản tàu, thuyền. Ký cam kết không quay lại sinh sống trên sông. Đến nay, toàn huyện có 34 hộ đã giải bản tàu, thuyền.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, Nguyễn Xuân Hải cho biết: Với quyết tâm trong năm 2023 sẽ hoàn thành việc đưa tất cả các hộ dân sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống, huyện đã và đang tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các hộ đang sinh sống trên sông không đủ điều kiện cấp đất lên bờ, ổn định cuộc sống.
Huyện cũng tăng cường đấu mối với Ủy ban MTTQ tỉnh để hỗ trợ kinh phí cho 2 hộ xã Xuân Thiên chưa nhận được hỗ trợ; đồng thời phối hợp tổ chức khánh thành và bàn giao kinh phí cho các hộ đã hoàn thành xây dựng nhà ở tại thị trấn Thọ Xuân, các xã Xuân Hồng, Xuân Thiên, Xuân Tín. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với các hộ đồng bào sinh sống trên sông; vận động người dân trong độ tuổi lao động có đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề để chuyển đổi việc làm, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống lâu dài.