Hoàn thành Chương trình một triệu sáng kiến, trị giá hơn 33.000 tỷ đồng

Chiều 4-10, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam thông tin, sau 10 tháng phát động, Chương trình một triệu sáng kiến đã hoàn thành, sớm 332 ngày so với kế hoạch đề ra và vượt gấp đôi chỉ tiêu.

Anh Nguyễn Đắc Luân với sáng kiến tối ưu nguồn khí bypass V-101A. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Anh Nguyễn Đắc Luân với sáng kiến tối ưu nguồn khí bypass V-101A. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Cụ thể, tính đến 24 giờ ngày 31-8, đã có hơn 2,4 triệu sáng kiến tham gia chương trình, với khoảng 2 triệu sáng kiến hợp lệ (đạt 203% chỉ tiêu). Trong đó, số lượng sáng kiến của đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp là 955.824 (chiếm 47%); số lượng sáng kiến của đoàn viên là công nhân lao động trong khu vực doanh nghiệp là 732.120 (chiếm 36%); số lượng sáng kiến của cán bộ công đoàn: 345.723 (chiếm 17%).

Các đơn vị có nhiều sáng kiến tham gia như: Thanh Hóa, Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Long An, Công đoàn Công thương…

Theo Công đoàn Việt Nam, nội dung của các sáng kiến rất đa dạng trên nhiều lĩnh vực, nhiệm vụ như: tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động; tăng cường an toàn vệ sinh lao động, cải thiện đời sống và môi trường làm việc.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá, theo thống kê trên hệ thống phần mềm trực tuyến, tổng giá trị làm lợi của những sáng kiến này ước tính hơn 33.000 tỷ đồng.

Chiều 8-10, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổ chức lễ tổng kết “Chương trình một triệu sáng kiến”. Dự kiến, Công đoàn Việt Nam sẽ tôn vinh 80 tập thể, cá nhân xuất sắc toàn quốc và tặng bằng khen cho 121 tập thể, 155 cá nhân có nhiều thành tích tham gia chương trình.

Một số công trình tiêu biểu:

Nhóm tác giả: Nguyễn Đắc Luân và đồng nghiệp, Công ty Chế biến khí Vũng Tàu - Công đoàn Dầu khí Việt Nam có sáng kiến tối ưu nguồn khí bypass V-101A khi tiếp nhận nguồn khí NCS2 để gia tăng hiệu quả sản xuất của Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố. Giá trị làm lợi: 292 tỷ đồng;
Nhóm tác giả thuộc Đoàn bay 919, Công đoàn Tổng công ty Hàng không Việt Nam với sáng kiến: “Tiết kiệm nhiên liệu bay”. Giá trị làm lợi: 263 tỷ đồng;
Nhóm tác giả: Trần Thị Thúy Liên và đồng nghiệp, Công đoàn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, có sáng kiến gia tăng nguồn vốn đảm bảo an toàn thanh khoản với chi phí thấp. Giá trị làm lợi: 239 tỷ đồng;
Nhóm tác giả: Hồ Xuân Tứ và đồng nghiệp, Công đoàn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, có sáng kiến tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận lũy kế các năm nhằm nâng cao năng lực tài chính của BIDV. Giá trị làm lợi: 205 tỷ đồng;
Tác giả Nguyễn Huy Hoàng, Phó trưởng Phòng kỹ thuật sản xuất, Công ty Samsung Electronics Vietnam, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh với sáng kiến cải tiến giảm tỷ lệ lỗi resolution ở ACT Line. Giá trị làm lợi: 104 tỷ đồng;
Nhóm tác giả Nguyễn Văn Minh, kỹ sư trưởng và đồng nghiệp thuộc Công ty Canon Việt Nam, LĐLĐ TP Hà Nội, với sáng kiến cải tiến và tối ưu hóa thiết kế của hộp đựng phụ kiện cho sản phẩm máy in. Giá trị làm lợi: 104 tỷ đồng.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hoan-thanh-chuong-trinh-mot-trieu-sang-kien-tri-gia-hon-33000-ty-dong-post708377.html