Hoàn thành nạo vét sông Rào Cùng trước mùa mưa lũ
HNN - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các đợt mưa lớn, lũ sớm và ngập úng kéo dài liên tiếp xảy ra, việc triển khai dự án nạo vét, gia cố sông Rào Cùng - tuyến sông xung yếu tại hai xã Quảng Điền, Đan Điền (TP. Huế) không chỉ là yêu cầu cấp bách trước mùa mưa lũ năm 2025, mà còn là giải pháp thủy lợi, kỹ thuật bền vững trong quản lý nguồn nước vùng hạ lưu.

Tuyến sông đã được nạo vét, khơi thông trên chiều dài 1.204,24m
Chạy đua với thời gian
Công trình nạo vét, nâng cấp sông Rào Cùng được triển khai từ tháng 7/2024, với tổng mức đầu tư hơn 44,7 tỷ đồng, do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Quảng Điền (cũ) làm chủ đầu tư. Phạm vi đầu tư bao gồm: Nạo vét lòng sông, gia cố hai mái kè, xây dựng hệ thống cống hộp, cống tròn tại các điểm giao cắt với đường dân sinh và nâng cấp các điểm sạt lở trọng yếu.
Ghi nhận tại hiện trường những ngày đầu tháng 7/2025, các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ, các máy móc, thiết bị nạo vét, ép cọc, đổ bê tông được huy động tối đa. Đội ngũ công nhân chia ca làm việc liên tục từ sáng sớm đến tối muộn, đảm bảo tiến độ thi công các hạng mục trọng yếu.
Tính đến ngày 30/6/2025, tuyến sông đã được nạo vét, khơi thông trên chiều dài 1.204m; khối lượng gia cố hai mái kè sông đã hoàn thành 2.000m. Hệ thống cống ngang tuyến, tiêu thoát nước cũng đã được lắp đặt, kết nối đồng bộ. Tổng giá trị khối lượng thực hiện đạt xấp xỉ 80% theo hợp đồng tổng thầu.
Một trong những điểm xung yếu từng gây lo lắng cho người dân địa phương là đoạn thượng lưu cầu Tân Xuân Lai, nơi bị sạt lở nghiêm trọng trong đợt mưa lớn cuối năm 2024 cũng đã được khắc phục bằng việc xây dựng kè mái ta luy rọ đá kết hợp tường chắn bê tông cốt thép, đảm bảo an toàn bờ sông và đi lại của người dân.
Ông Phan Hữu Lượng (83 tuổi), người dân thôn La Vân Thượng cho hay: “Đoạn 200m bị sạt lở do mưa lớn cuối năm 2024 đã được gia cố chắc chắn. Hơn 10 hộ dân ở khu vực nay đã yên tâm hơn mỗi khi mùa mưa đến”.
Dự kiến, việc gia cố, nạo vét sông Rào Cùng sẽ hoàn thành và bàn giao đưa vào vận hành cuối tháng 8/2025, kịp thời phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tiêu úng, thoát lũ cho khu vực. Đây là quyết tâm của chủ đầu tư và đơn vị thi công sau thời gian bị gián đoạn bởi thời tiết bất lợi trong các tháng đầu năm.
Theo các chuyên gia thủy lợi, vào mùa mưa, dòng Rào Cùng góp phần giảm áp lực dòng chính sông Bồ, ngăn chặn tình trạng nước dâng tràn vào khu dân cư. Ngược lại, vào mùa khô, tuyến sông này có vai trò giữ và cung cấp nước cho hệ thống mương tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nhiều chức năng
Ngoài giá trị phòng, chống thiên tai, công trình nạo vét sông Rào Cùng còn tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đường bộ, đường thủy, phục vụ sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống dân cư vùng hạ lưu. Đồng thời, góp phần vào mục tiêu tổng thể “xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững nông thôn”.
“Chúng tôi xác định đây là công trình cấp thiết, mang ý nghĩa chiến lược chứ không đơn thuần là xử lý tình thế. Vì vậy, công tác thi công, giám sát được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo chất lượng kỹ thuật, tiến độ và an toàn lao động. Toàn bộ dự án phải hoàn thành trong tháng 8/2025, đưa vào vận hành trước mùa lũ chính vụ”, đại diện chủ đầu tư chia sẻ.
Với sự đồng thuận cao từ chính quyền địa phương, các đơn vị chuyên môn, thi công và người dân, công trình nạo vét, gia cố sông Rào Cùng được kỳ vọng sẽ hoàn thành đúng tiến độ, bàn giao và đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất; sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tiêu úng, thoát lũ trong mùa mưa bão sắp tới.
Về lâu dài, đây sẽ là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông đồng bộ vùng hạ du sông Bồ, góp phần nâng cao năng lực ứng phó thiên tai, phát triển nông nghiệp bền vững và cải thiện chất lượng sống cho người dân địa phương.