Hoàn thiện 5 dự án cao tốc - cơ hội bứt phá cho Tây Nguyên

Đến năm 2030, vùng Tây Nguyên sẽ hoàn thành 5 tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Các cao tốc này giúp kết nối với cảng biển miền Trung và Đông Nam Bộ, kỳ vọng mở ra cơ hội phát triển đột phá cho Vùng.

Phát triển nhanh, bền vững

Chia sẻ với báo chí sáng 14.11, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06.10.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23). Một vài ngày tới, lãnh đạo Chính phủ sẽ ký ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động và dự kiến công bố tại hội nghị vào ngày 20.11 tới.

Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, thuộc khu vực Tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia. Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển về kinh tế rừng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, chế biến nông, lâm sản… song sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị Khóa IX và XI về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 và thời kỳ 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vùng vẫn thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại; GRDP bình quân đầu người ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đó, ngày 6.10 vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23, với mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số… Mục tiêu đến năm 2030, GRDP đạt bình quân 7 - 7,5%, cao hơn bình quân chung cả nước và cao hơn bình quân 10 năm gần đây của Vùng; tỷ trọng kinh tế số 25 - 30% GDP; tỷ lệ nhân lực được đào tạo, cấp chứng chỉ đạt 25 - 30%; tỷ lệ che phủ rừng tăng lên 47%...

Để sớm cụ thể hóa Nghị quyết số 23, Chính phủ dự kiến đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong Chương trình hành động cùng 23 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, Chính phủ xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết. “Trước 31.12.2022, các bộ, ngành, tỉnh trong Vùng phải ban hành chương trình hành động để triển khai Nghị quyết số 23; hàng năm, trước ngày 15.12 sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng việc triển khai thực hiện Nghị quyết xem có khó khăn, vướng mắc để có giải pháp phù hợp. Điều này sẽ góp phần bảo đảm việc triển khai Nghị quyết số 23 đạt hiệu quả”, Thứ trưởng Trần Duy Đông tin tưởng.

Năm 2023 sẽ ban hành Quy hoạch Vùng Tây Nguyên

Một trong những điểm nghẽn của vùng Tây Nguyên được xác định là giao thông vận tải làm giảm sức hút với các nhà đầu tư. Do vậy, trong Chương trình hành động, Chính phủ đã phân công các bộ, ngành triển khai 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối cho vùng Tây Nguyên.

Dự kiến, ngày 20.11 tới, tại Lâm Đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06.10.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với chủ đề “Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững”, hội nghị dự kiến có 500 đại biểu tham dự, gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cụ thể, đến năm 2030, mục tiêu tập trung hoàn thành 5 tuyến cao tốc, gồm Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương để kết nối với cảng biển miền Trung và với thị trường rộng lớn là Đông Nam Bộ. Hiện đã xác định được nguồn lực đầu tư cho dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột bằng ngân sách nhà nước; các tuyến Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương đều đã xác định đầu tư theo phương thức BOT; tuyến Gia Nghĩa - Chơn Thành hiện Thủ tướng rất quyết liệt để triển khai theo hình thức PPP, dự kiến có một nhà đầu tư lớn và ngân hàng tham gia. “Với sự nỗ lực, chúng ta có thể đạt được mục tiêu”, ông Đông nói.

Bên cạnh đó, sẽ thực hiện nâng cấp và mở rộng 3 cảng hàng không hiện có là Liên Khương, Pleiku và Buôn Ma Thuột. Đồng thời, sẽ khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt để phục vụ du lịch.

Thừa nhận cơ sở pháp lý có tính trung tâm để phát triển vùng là phải có bản quy hoạch, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Quy hoạch Vùng Tây Nguyên đang được xây dựng và phấn đấu năm 2023 sẽ ban hành, cùng với đó là 5 quy hoạch của các tỉnh trong vùng. Đây là yêu cầu đòi hỏi quyết tâm rất cao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành, địa phương có liên quan, bởi nếu không sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết 23 đề ra.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/hoan-thien-5-du-an-cao-toc---co-hoi-but-pha-cho-tay-nguyen-i307838/