Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để trình Quốc hội vào tháng 10

Ngày 25-9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có cuộc làm việc với các bộ, ngành về tình hình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (tháng 9-2024), Trung ương, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, xác định đây là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm. Hiện nay, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan đang khẩn trương xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, chuẩn bị trình tự, hồ sơ thủ tục để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10.

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Mục tiêu cụ thể, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2025; giải phóng mặt bằng, khởi công trước năm 2030; hoàn thành toàn tuyến trước năm 2045. Phạm vi đầu tư của dự án có điểm đầu tại TP Hà Nội: tổ hợp ga Ngọc Hồi (đầu mối vận chuyển hành khách và hàng hóa phía Nam của khu đầu mối đường sắt Hà Nội). Điểm cuối tại TPHCM: ga Thủ Thiêm (đầu mối vận chuyển hành khách phía Đông của khu đầu mối đường sắt TPHCM).

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để trình Quốc hội

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để trình Quốc hội

Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TPHCM.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả khi đề xuất: xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài khoảng 1.541km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; đường sắt Bắc - Nam hiện hữu vận chuyển hàng hóa và khách du lịch chặng ngắn.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ GTVT tiếp thu, quán triệt chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, cũng như ý kiến đóng góp tâm huyết của các bộ, ngành, chuyên gia và nhân dân; tiếp tục cập nhật, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Quốc hội, tập trung vào những vấn đề có cơ sở khoa học và thực tiễn. Cụ thể, ngoài phạm vi đầu tư từ điểm đầu dự án là TP Hà Nội đến điểm cuối tại TPHCM, cũng cần xem xét, nghiên cứu phương án kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau.

Bộ GTVT phải phân tích ưu điểm, lợi ích đầu tư toàn tuyến sẽ kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác so với đầu tư trước một số đoạn tuyến; đánh giá hiệu quả của đường sắt tốc độ cao chuyên vận chuyển hành khách (hoặc kết hợp vận tải hàng hóa khi cần thiết) đối với cả nền kinh tế, chứ không giới hạn trong ngành đường sắt. Bên cạnh đó, báo cáo tiền khả thi cần thể hiện được quan điểm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế 350km/giờ "thẳng nhất có thể", "gặp núi qua núi, gặp sông bắc cầu".

"Các cơ chế, chính sách đặc thù đã áp dụng cho đường sắt đô thị ở TP Hà Nội, TPHCM cần được xem xét áp dụng cho các địa phương có tuyến đường sắt đi qua, trong dự án phải có cơ chế cho địa phương, doanh nghiệp tư nhân", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, một số doanh nghiệp lớn xây dựng và triển khai lộ trình tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ công nghệ và phát triển công nghiệp đường sắt từ sản xuất trang thiết bị, vận hành, quản trị; bảo đảm đồng bộ, thống nhất về công nghệ, quy chuẩn, tiêu chuẩn; lấy phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường sắt Việt Nam nói chung, tạo cú hích cho các ngành cơ khí, chế tạo, tự động hóa… và các ngành công nghiệp khác phục vụ quốc kế, dân sinh.

Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT xây dựng và triển khai trước một bước công tác đào tạo nguồn nhân lực, để sẵn sàng tiếp nhận, làm chủ, tự chủ công nghệ, thiết kế kỹ thuật, chế tạo trang thiết bị, vận hành, quản lý… trong ngành đường sắt.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hoan-thien-bao-cao-nghien-cuu-tien-kha-thi-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-de-trinh-quoc-hoi-vao-thang-10-post760676.html