Hoàn thiện chính sách, duy trì vững chắc mức sinh thay thế

Dân số được xem là 'mẫu số chung' cho bài toán phát triển kinh tế - xã hội, nhưng trong giai đoạn hiện nay, công tác dân số Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, phải kể đến sự chênh lệch mức sinh và xu hướng giảm sinh, dẫn đến khó đạt mục tiêu duy trì mức sinh thay thế. Đó là khẳng định được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo 'Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương' do Cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức ngày 6.8.

Mức sinh thay thế chưa bền vững

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, thời gian qua, công tác dân số của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được khống chế thành công, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì đến nay. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt; dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

"Tuy nhiên, công tác dân số hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như xuất hiện một số vấn đề dân số thực tiễn nảy sinh, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước" - PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Trong đó, phải kể đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao (tỷ số giới tính khi sinh là 111,8 bé trai/100 bé gái năm 2023); già hóa dân số tăng nhanh; chưa có các giải pháp đồng bộ để phát huy hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số; tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng (năm 2023 là 74,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh chưa tương xứng; phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập.

Đặc biệt, mức sinh thay thế cũng chưa thực sự bền vững (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,96 con và tỷ lệ tăng dân số là 0,84% năm 2023), xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp, chênh lệch về mức sinh giữa các vùng, đối tượng chưa được khắc phục.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thảo Mộc

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thảo Mộc

Chia sẻ thêm về nội dung này, TS. Phạm Minh Sơn, Trưởng phòng Pháp chế, Thanh tra Cục Dân số cho biết, mức sinh thay thế ở Việt Nam đang giảm nhiều nhất trong 12 năm trở lại đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Mức sinh có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng; khu vực có kinh tế, xã hội khó khăn lại có mức sinh cao, thậm chí rất cao; trong khi ở khu vực đô thị có mức sinh xuống thấp, có nơi thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế. Xu hướng không muốn sinh con hoặc sinh rất ít con đang lan rộng tại đô thị; cũng là nguyên nhân căn bản kéo giảm tổng tỷ suất sinh của cả nước xuống dưới tổng tỷ suất sinh thay thế.

Theo thống kê đến hết năm 2023, có 22 tỉnh, thành phố có tổng tỷ suất sinh đều thấp dưới tổng tỷ suất sinh thay thế, trong đó, toàn bộ Đông Nam Bộ có tổng tỷ suất sinh là 1,47 và toàn bộ Tây Nam Bộ là 1,61 (2023). Điển hình như Đồng Nai, tuy chưa bước vào già hóa dân số nhưng đã có khoảng 300 nghìn người cao tuổi trên tổng số hơn 3,2 triệu dân (chiếm gần 10% dân số) và là một trong những địa phương có số lượng người cao tuổi lớn nhất cả nước (chỉ sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Thời gian qua, mức sinh tại Đồng Nai vẫn tiếp tục có xu hướng giảm, dẫn đến tỷ lệ người cao tuổi ngày càng lớn trong cơ cấu dân số, dẫn tới quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, rút ngắn thời kỳ dân số vàng tại tỉnh.

Cần những giải pháp linh hoạt và đồng bộ

Từ thực tế đó, không ít ý kiến cho rằng, để giữ vững mức sinh thay thế (tổng tỷ suất sinh là 2,1 con) đến năm 2030, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, với những những giải pháp mới, linh hoạt cho từng vùng cụ thể. Để triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp; điều kiện cần là bảo đảm nguồn lực cho chương trình và hoàn thiện về mặt chính sách liên quan tới nội dung này.

Bộ Y tế được giao chủ trì xây dựng dự án Luật Dân số và hiện đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các chính sách. Đại diện Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, một trong 6 chính sách đang được đưa ra tại dự thảo Luật Dân số là "Duy trì mức sinh thay thế". Nếu như Pháp lệnh Dân số hiện hành quy định, mức sinh thay thế là mức sinh tính bình quân trong toàn xã hội mỗi cặp vợ chồng có 2 con; thì theo dự thảo Luật Dân số, mức sinh thay thế là mức sinh mà bình quân mỗi phụ nữ có 1 con gái sống đến tuổi sinh đẻ, để thay thế mình trong quá trình sinh sản.

Đồng thời, dự thảo Luật Dân số cũng đề xuất, quyền của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con. Đây được xem là biện pháp quan trọng giúp duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước.

Dự thảo Luật cũng quy định các biện pháp linh hoạt để có thể bù trừ mức sinh giữa khu vực có mức sinh thấp và khu vực có mức sinh cao. Chính phủ quy định các biện pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể phù hợp từng thời kỳ và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; UBND các tỉnh, thành phố trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích để duy trì mức sinh thay thế trên địa bàn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; ưu tiên đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Theo GS.TS.ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, nhà nước cần có chương trình hỗ trợ thiết thực các cặp vợ chồng vô sinh sinh con; đồng thời phát triển hệ thống tư vấn chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ sinh sản. Đặc biệt là các gia đình tự quyết định số con và thời điểm sinh con.

Thảo Mộc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/hoan-thien-chinh-sach-duy-tri-vung-chac-muc-sinh-thay-the-i383482/