Hoàn thiện chính sách pháp luật, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

Theo Bộ Công Thương, kết quả lớn nhất Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030 đạt được từ năm 2021 – 2024 là hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Tại hội nghị quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024 tổ chức ở Đà Nẵng ngày 19/9, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, bên cạnh tăng cường các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ đã và đang triển khai mạnh mẽ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SXTDBV) giai đoạn 2021 - 2030.

Thông tin về các nhiệm vụ cụ thể của Chương trình quốc gia về SXTDBV 2021 – 2030.

Thông tin về các nhiệm vụ cụ thể của Chương trình quốc gia về SXTDBV 2021 – 2030.

Chương trình tiếp cận theo vòng đời sản phẩm từ khâu khai thác, thiết kế, chế biến, sản xuất, tiêu dùng, thu hồi, tái chế, tái sử dụng và thải ra môi trường và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là chương trình tiếp cận theo hướng toàn diện và theo xu hướng thế giới nhằm bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu.

“Chương trình không chỉ khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý hướng đến sản xuất xuất bền vững mà còn định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam”, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Lâm Giang cho biết.

Theo thông tin tại hội nghị, kết quả lớn nhất mà chương trình đã đạt được trong giai đoạn 2021 – 2024 là hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; xây dựng hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về SXTDBV 2021 – 2030 và hỗ trợ trực tiếp địa phương ban hành kế hoạch thực hiện chương trình; xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về kinh tế tuần hoàn thúc đẩy sản xuất bền vững…

Trưng bày, gới thiệu các sản phẩm thân thiện môi trường, hướng đến tiêu dùng bền vững bên lề hội nghị.

Trưng bày, gới thiệu các sản phẩm thân thiện môi trường, hướng đến tiêu dùng bền vững bên lề hội nghị.

Cùng với đó, đã xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng cho các ngành đồ uống (bia), nhựa và bao bì; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm trong ngành hóa chất, giấy bao bì; dệt may, da dày, giấy, gốm sứ, chế biến chè, chế biến gỗ…

Chương trình cũng phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái; đẩy mạnh phát triển thị trường bền vững, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; đẩy mạnh mua sắm bền vững, xây dựng mô hình chuyển đổi sử dụng túi nilon tại các trung tâm thương mại, siêu thị sang dùng các dạng bao bì thân thiện với môi trường; nâng cao năng lực, tăng cường giáo dục và thực hành lối sống bền vững…

“Những kết quả thực hiện Chương trình quốc gia về SXTDBV từ năm 2021 – 2024 cũng như các mục tiêu, kế hoạch hành động tiếp theo đến năm 2030 sẽ góp phần đạt được các mục tiêu đã đặt ra của Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc”, bà Thị Lâm Giang cho biết.

Hải Châu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/hoan-thien-chinh-sach-phap-luat-thuc-day-san-xuat-va-tieu-dung-ben-vung/20240919021540060