Hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm: Bảo đảm an sinh xã hội lâu dài
Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung triển khai các giải pháp như xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) để thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia.
Hạn chế nhận bảo hiểm xã hội một lần
Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên những người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH không được tăng lương. Bên cạnh đó, số người không tham gia BHXH khi về già sẽ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng cho an sinh xã hội. Do đó, điều cần hướng tới là làm sao để người lao động tham gia và có thể duy trì thời gian đóng BHXH để về già có sổ hưu, không hưởng trợ cấp BHXH một lần.
Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu, hiện Luật BHXH quy định, người lao động có 20 năm đóng BHXH mới được hưởng chế độ hưu trí nhưng điều kiện rút BHXH một lần lại rất dễ. Nghị quyết số 28-NQ/TW có nêu vấn đề rút ngắn thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, trong đó hướng lộ trình có thể xuống 15 năm, thậm chí 10 năm. Điều này giúp người lao động dễ dàng lựa chọn theo đuổi hơn để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần.
“Việc rút BHXH một lần là nhu cầu chính đáng do thực tế khách quan của người lao động. Nhưng khi hưởng BHXH một lần, người lao động chỉ được hưởng phần của người lao động đóng là chính. Trong khi BHXH có cả phần người lao động đóng và phần của người sử dụng lao động đóng. Nhưng nếu người lao động tham gia đóng BHXH thấy chỉ cần đóng 10 năm hoặc 15 năm sẽ được hưởng chế độ lương hưu khi về già, còn khi rút một lần chỉ được hưởng phần đóng của người lao động là chính thì sẽ hạn chế được tình trạng hưởng BHXH một lần”.
Bình quân hàng năm số người rút khỏi hệ thống BHXH khoảng 5%, theo nhận định của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH. Riêng năm 2020 có đến gần 861.000 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 53.000 người so với năm 2019, tương ứng với 6,65%. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là một trong những lý do cho thấy cần phải sửa sớm Luật BHXH. Nếu sửa được sớm sẽ quản lý tốt hơn những người được hưởng BHXH một lần.
Mở rộng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
Liên quan đến BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, chúng ta khởi động BHYT muộn hơn so với các nước nhưng lại tăng rất nhanh độ bao phủ, đến năm 2020 BHYT bao phủ tới 90,85%, vượt cả chỉ tiêu Quốc hội giao. Hiện nay đang cố gắng phấn đấu theo chỉ tiêu của Chính phủ giao nhưng tăng 1%, giai đoạn này sẽ rất khó khăn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc phải bảo đảm tính bền vững, mở rộng mức độ tham gia của người đóng BHYT là vấn đề quan trọng, gần như bao phủ toàn bộ dân số.
Ngoài ra, cũng phải tiếp tục theo đuổi phương án mở rộng quyền lợi, phạm vi được hưởng của người dân đối với BHYT. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phân tích, đây là chính sách rất ưu việt, ở nước ngoài đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Nếu chúng ta áp dụng như thế thì người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không thể tiếp cận được với các dịch vụ y tế chất lượng cao.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn chứng, có những người ở vùng sâu, vùng xa khi có bệnh phải mổ não nhưng bác sĩ cơ sở chưa mổ bao giờ, nếu chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì quá muộn; qua khám chữa bệnh từ xa, hướng dẫn từ trên, cầm tay chỉ việc nên đã cứu sống được bệnh nhân. Hay trong thời gian dịch Covid-19, Bộ Y tế đã kết nối tất cả các điểm cầu trên toàn quốc để trao đổi về các ca bệnh, diễn tiến bệnh.
Thế nhưng, đối với Luật BHYT lại chưa quy định tính pháp lý của việc này nên theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tới đây cũng phải mở rộng, yêu cầu đối với tất cả các cơ sở tuyến trên phải kết nối không chỉ với tuyến tỉnh mà còn cả với tuyến huyện.
Bộ Y tế đang báo cáo với Chính phủ, trình Quốc hội để sửa đổi Luật Y tế theo hướng tất cả người dân phải được tiếp cận dịch vụ BHYT. Không phải cứ đến khi ốm đau mới đóng bảo hiểm hay năm đóng, năm không.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long