Hoàn thiện chính sách thuế, thúc đẩy kinh tế xanh phát triển

Các chuyên gia cho rằng, chính sách thuế thúc đẩy tăng trưởng xanh trong thời gian qua đã tác động tích cực góp phần phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập do việc áp thuế phải theo lộ trình, từ đó cần đặt ra các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế xanh phát triển bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn: Công ty Tư vấn Thuế Trọng Tín Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Công ty Tư vấn Thuế Trọng Tín Đồ họa: Văn Chung

Tiến tới thu thuế theo mức độ gây hại môi trường

Theo PGS.TS Vương Thị Thu Hiền - Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), chính sách thuế thực hiện mục phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường (BVMT) là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, điều hòa các quan hệ lợi ích giữa xã hội và doanh nghiệp, từ đó, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, khuyến khích ý thức tiết kiệm, giảm bớt sự lãng phí trong quá trình khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tăng cường các biện pháp BVMT.

Hỗ trợ "danh mục phân loại xanh"

Cần có các chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời cho sản xuất, tiêu dùng đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thuộc “Danh mục phân loại xanh” như các quốc gia đã và đang thực hiện với mức hỗ trợ kịp thời, thiết thực trực tiếp cho nhà đầu tư và người tiêu dùng - Ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín

Chính sách thuế ở Việt Nam với mục tiêu phát triển kinh tế xanh được thể hiện thông qua các khía cạnh như: Chính sách thuế góp phần khuyến khích sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và BVMT; chính sách thuế đã huy động số thu cho NSNN, từ đó nhà nước có nguồn lực để đầu tư cho phát triển kinh tế xanh, BVMT; chính sách thuế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, hướng tới sản xuất xanh và tái tạo...

Tuy nhiên, PGS.TS Vương Thị Thu Hiền cho biết, trong các chính sách thuế hiện hành, mục tiêu BVMT chỉ là mục tiêu lồng ghép, không phải là mục tiêu chính, nên tác dụng còn hạn chế.

Tính thống nhất giữa các sắc thuế trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, BVMT chưa đồng bộ dẫn đến việc gây khó khăn trong thực hiện. Chính sách thuế tài nguyên chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp khai thác tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả.

Đồng thời, chính sách thuế BVMT chưa bao quát hết các hàng hóa gây tác động xấu tới môi trường vào diện chịu thuế và mức thu thuế BVMT, chưa đảm bảo nguyên tắc mức thu cao phụ thuộc vào mức độ tác động tiêu cực đến môi trường. Minh chứng như quy định về thuế BVMT đối với xăng, dầu. Hiện nay xăng, dầu các loại (trừ etanol) đều được thu ở một mức thuế BVMT, trong khi đó hàm lượng lưu huỳnh trong mỗi loại xăng, dầu là khác nhau. Biểu khung thuế BVMT và mức thuế BVMT cụ thể đang áp dụng đối với túi ni lông là thấp, vì vậy, thuế BVMT chưa có tác động nhiều tới hạn chế sản xuất, sử dụng túi ni lông.

Ngoài ra, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có phạm vi điều chỉnh còn hẹp và thuế suất của một số mặt hàng thấp so với thông lệ quốc tế. Trong đó, đối tượng chịu thuế TTĐB hiện hành đã thực hiện ổn định trong thời gian dài và còn hẹp so với thông lệ quốc tế. Thuế TTĐB hiện hành đối với một số hàng hóa khi sử dụng gây tác hại đến sức khỏe và xã hội, cũng như việc điều tiết đối với một số hàng hóa xa xỉ còn thấp chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội…

Mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế

Khuyến nghị giải pháp hoàn thiện chính sách thuế với mục tiêu phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam trong thời gian tới, theo các chuyên gia, cần mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế để bao phủ được các sản phẩm khi tiêu dùng hoặc khai thác sử dụng gây ô nhiễm môi trường.

Trong đó, đối với thuế BVMT, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế BVMT, hướng đến các chủ thể gây ô nhiễm, các hành vi ô nhiễm chính xác nhất, bao quát được các nguồn gốc ô nhiễm như: Thuốc lá, phân bón hóa học, chất tẩy rửa, chất kích thích tăng trưởng...

Đối với thuế TTĐB, mở rộng cơ sở thuế TTĐB đối với một số đối tượng như khoáng sản, kim loại quý, dầu mỏ hay các hàng hóa khác mà trong quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thu thuế TTĐB. Đối với thuế tài nguyên, bổ sung đối tượng chịu thuế phù hợp với xu hướng cải cách thuế tài nguyên của các nước.

Cùng với đó, nâng mức thuế đánh vào hàng hóa thuộc diện chịu thuế, nhằm tác động đến hành vi sản xuất và tiêu dùng các loại hàng hóa có tác động xấu đến môi trường. Cụ thể, đối với các mặt hàng đang chịu thuế BVMT như xăng dầu, than, túi ni lông, dung dịch HCFC cần thiết phải sửa đổi khung thuế suất cho phù hợp với thực tế. Đối với thuế TTĐB, cần điều chỉnh thuế suất căn cứ vào mức xả thải ra môi trường của đối tượng chịu thuế, để đảm bảo công bằng về trách nhiệm BVMT đối với tất cả các đối tượng chịu thuế.

Đồng thời, hoàn thiện các quy định ưu đãi thuế nhằm khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, công nghệ sạch, tiết kiệm nguyên liệu, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường. Chỉ nên tập trung ưu đãi vào các ngành nghề có khó khăn và những ngành nghề mang tính tiên phong của nền kinh tế, không nên quá dàn trải làm giảm hiệu quả của các chính sách ưu đãi.

“Ngoài ra, sửa đổi các quy định trong các sắc thuế để đảm bảo phù hợp với công tác quản lý thuế; nghiên cứu, xây dựng thuế carbon. Đây là sắc thuế mới, nước ta chưa có kinh nghiệm, nhưng không thể đứng ngoài cuộc trong cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường có tính toàn cầu hiện nay. Vì vậy, cần bắt tay vào nghiên cứu về sắc thuế này, để có căn cứ ban hành...” - PGS.TS Vương Thị Thu Hiền cho hay.

Còn theo ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, cần hoàn thiện khung pháp lý và tạo ra cơ chế rõ ràng về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để thực thi các chính sách thuế xanh. Từ đó, xây dựng tổng thể các chính sách thuế ưu đãi, hỗ trợ đặc thù cho lĩnh vực này.

Theo đó, sớm ban hành “Danh mục phân loại xanh” để có cơ sở xây dựng chính sách ưu đãi và hỗ trợ phù hợp. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ không chỉ dừng lại trong lĩnh vực đầu tư mà cần mở rộng đối tượng ưu đãi, hỗ trợ trong lĩnh vực tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ của nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với mức ưu đãi và hỗ trợ đủ lớn để tạo cú hích mạnh cho lĩnh vực này./.

Cần có chính sách để thúc đẩy kinh tế xanh và giảm phát thải CO2

Theo ông Nguyễn Văn Được, Việt Nam hiện vẫn chưa có các chính sách thuế tổng thể và mang tính chiến lược đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là trong sản xuất xanh và giảm phát thải CO2. Dù chưa có chính sách thuế rõ ràng, nhưng Chính phủ đã triển khai một số ưu đãi và hỗ trợ đầu tư nhằm khuyến khích lĩnh vực này.

Cụ thể, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), theo Luật Thuế TNDN hiện hành, các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và các hoạt động BVMT sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi 10% trong vòng 15 năm. Ngoài ra, họ còn được miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong tối đa 9 năm.

Về thuế xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, xử lý môi trường và sản xuất sạch có thể được miễn hoặc giảm thuế đối với các máy móc, thiết bị, linh kiện phục vụ cho dự án đầu tư theo quy định của Luật Thuế xuất nhập khẩu.

Còn Luật Thuế TTĐB hiện hành ưu đãi đối với xe ô tô điện và ô tô chạy bằng năng lượng sinh học với mức thuế thấp hơn so với sản phẩm cùng loại sử dụng nhiên liệu hóa thạch…

Như vậy, các chính sách ưu đãi và hỗ trợ hiện hành đã bước đầu hỗ trợ, ưu đãi cho lĩnh vực này hình thành và phát triển. Đây cũng là cơ sở để có những cải cách và chính sách mạnh mẽ hơn trong tương lai, thúc đẩy kinh tế xanh và giảm phát thải CO2.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hoan-thien-chinh-sach-thue-thuc-day-kinh-te-xanh-phat-trien-164028-164028.html