Hoàn thiện chính sách, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân

Sau 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung năm 2014, số người tham gia BHYT ở nước ta tăng lên nhanh chóng. Hiện tỷ lệ bao phủ đạt gần 90% dân số. Tính riêng từ năm 2015 đến năm 2019, toàn quốc tăng khoảng 15 triệu người tham gia BHYT; chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) BHYT ngày càng được cải thiện,... Có được kết quả quan trọng này là do chúng ta xây dựng được một hệ thống chính sách, pháp luật về BHYT. Phó Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Phan Văn Toàn (trong ảnh) đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Phóng viên: Năm 2013, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Năm 2014, Quốc hội thông qua Luật BHYT sửa đổi, bổ sung. Ðồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong giai đoạn vừa qua?

Phóng viên: Năm 2013, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Năm 2014, Quốc hội thông qua Luật BHYT sửa đổi, bổ sung. Ðồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong giai đoạn vừa qua?

Phó Vụ trưởng Phan Văn Toàn: Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội đã giao chỉ tiêu cho Chính phủ: "Bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT". Sau thời gian triển khai thực hiện, đến năm 2018, toàn quốc có hơn 83,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 88,5% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QÐ-TTg là 3,3% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68/2013/QH13 giao), trong đó đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đạt 15,7 triệu người, tăng gần một triệu người so với năm 2017 (tương đương tăng 6,3%).

Năm 2019, toàn quốc ước có khoảng 85,2 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 89,8% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QÐ-TTg là 1,7% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68/2013/QH13 giao).

Phóng viên: Ðiều gì đã tạo động lực cho công tác phát triển diện bao phủ BHYT giai đoạn từ năm 2013 đến nay?

Phó Vụ trưởng Phan Văn Toàn: Có thể nói với những mục tiêu mà Nghị quyết 68 của Quốc hội đặt ra và nhất là năm 2015, khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 chính thức có hiệu lực, với những quy định về nhóm đối tượng BHYT bắt buộc..., đã tạo động lực cho cả hệ thống chính trị vào cuộc trong thực hiện chính sách BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Ðặc biệt là sự quyết liệt trong triển khai thực hiện hệ thống cơ quan BHXH từ T.Ư đến địa phương.

Người dân được tuyên truyền về chính sách BHYT ngày càng thấy được lợi ích của việc tham gia BHYT. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cũng góp phần thúc đẩy sự tham gia của BHYT. Khi giá dịch vụ y tế dần tiến tới tính đúng, tính đủ thì chi phí cho một lần khám, cho một đợt điều trị nội trú tăng lên khá cao. Do đó, người dân thấy rằng, nếu không tham gia BHYT, khi bị ốm đau, bệnh tật sẽ tốn chi phí khá lớn so với trước đây...

Tuy nhiên, khu vực có tỷ lệ bao phủ BHYT cao hơn 90%, những địa phương có tỷ lệ bao phủ lên tới 98%, 99% hiện tập trung chủ yếu ở các tỉnh nghèo, tỉnh miền núi vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số... do được ngân sách nhà nước cấp mua thẻ BHYT.

Phóng viên: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 68, một trong những khó khăn là mục tiêu "đến năm 2020, hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn" vẫn còn vướng mắc trong thực hiện. Ðồng chí cho biết việc đầu tư cho các trạm y tế xã về cả nhân lực và trang, thiết bị đã có những kết quả bước đầu ra sao?

Phó Vụ trưởng Phan Văn Toàn: Ðể triển khai thực hiện Nghị quyết số 68, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm và có Quyết định số 2348/QÐ-TTg ngày 5-12-2016 phê duyệt Ðề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Thực hiện Quyết định số 2348 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã xây dựng Chương trình hành động số 1379/CTr-BYT thực hiện Ðề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Ðồng thời, Bộ ban hành Hướng dẫn số 1383/HD-BYT ngày 19-12-2017 thực hiện Mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã, phường, thị trấn để nhân rộng trong toàn quốc, làm cơ sở để các địa phương đầu tư các trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, bảo đảm y tế ở cấp cơ sở.

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, việc đầu tư cho các cơ sở y tế nói chung, các trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, ngân sách T.Ư chỉ mang tính hỗ trợ. Thời gian vừa qua, các địa phương đã quan tâm đầu tư cho trạm y tế xã, cụ thể: Nhiều địa phương đã ưu tiên sử dụng ngân sách địa phương, nguồn xổ số kiến thiết để đầu tư xây dựng, nâng cấp các trạm y tế xã, như: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Long An, Lâm Ðồng, Vĩnh Phúc, Hà Nội…; phần lớn các địa phương dành một phần vốn và đưa trạm y tế xã là đối tượng được đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, như vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư trạm y tế xã. Bên cạnh đó, một số địa phương đã vận động và được Tổ chức phi Chính phủ Atlantic Philanthropies (AP) - Mỹ hỗ trợ, đầu tư khoảng 940 trạm y tế xã. Và cuối cùng là, Chính phủ đã cho phép Bộ Y tế triển khai một số dự án ODA để hỗ trợ đầu tư cho các trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, như: Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 vay vốn ADB đầu tư xây dựng mới, sửa chữa 58 trạm y tế xã cho ba tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Ðắk Nông, Kon Tum); Dự án hỗ trợ hệ thống y tế do Quỹ toàn cầu viện trợ không hoàn lại, đầu tư trang thiết bị cho các trạm y tế xã 15 tỉnh miền núi phía bắc, tỉnh nghèo, tỉnh có tỷ lệ mắc lao, HIV/AIDS cao; Bộ Y tế đã dành một phần ngân sách của Chương trình hỗ trợ ngân sách ngành do Liên hiệp châu Âu (EU) viện trợ không hoàn lại để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 395 trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Dự án Giáo dục và Ðào tạo Nhân lực Y tế phục vụ cải cách hệ thống Y tế (HPET) có đào tạo, đầu tư một số trang thiết bị cho tuyến xã.

Phóng viên: Vậy chất lượng phục vụ của các trạm y tế xã đã và đang được cải thiện như thế nào?

Phó Vụ trưởng Phan Văn Toàn: Từ kết quả thực hiện, chất lượng KCB tại trạm y tế xã đang ngày càng được nâng lên. Có thể thấy y tế cơ sở đang được tập trung đầu tư trong thời gian vừa qua. Theo cơ chế hiện nay, tuyến T.Ư và tuyến tỉnh thì hầu như đã tự chủ và Nhà nước không phải đầu tư nhiều. Còn ở cấp cơ sở, nguồn thu BHYT và các nguồn thu khác rất khó để bảo đảm công tác tự chủ, chính vì vậy Chính phủ và Bộ Y tế rất tập trung đầu tư cho y tế cấp cơ sở. Ðồng thời học tập mô hình trên thế giới, kết hợp theo nguyên lý bác sĩ gia đình để chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại địa điểm gần nơi cư trú, tiến tới mỗi cá nhân sẽ có một hồ sơ khám sức khỏe riêng ở trạm y tế xã.

Phóng viên: Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Luật BHYT sửa đổi. Dự thảo Luật có những điểm nào đáng chú ý so với Luật BHYT hiện hành, thưa đồng chí?

Phó Vụ trưởng Phan Văn Toàn: Sau 5 năm thực hiện Luật BHYT sửa đổi và gần 10 năm thực hiện Luật BHYT, về cơ bản, Luật BHYT đã đáp ứng việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Ðảng và Nhà nước, quá trình triển khai cũng đã đáp ứng được nguyện vọng của bệnh nhân. Tuy nhiên, một số nội dung trong Luật BHYT cũng cần sửa đổi cho phù hợp xu thế hiện nay.

Một số nội dung mà Ban soạn thảo đang biên tập sửa đổi như đối tượng tham gia BHYT, mức đóng BHYT cũng như phương thức thanh toán cần rất cụ thể. Lần này, dự kiến sẽ đề xuất đưa vào dự thảo Luật có Hội đồng quốc gia về BHYT. Hội đồng này có trách nhiệm tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ngành để triển khai thực hiện các chính sách BHYT.

Trong luật hiện hành có ba phương thức thanh toán, nhưng thực tế mới chỉ triển khai được một phương thức. Bởi vậy, trong lần soạn thảo dự thảo Luật này, sẽ cần có những biện pháp quyết liệt để có thể triển khai được các hình thức thanh toán mà thế giới đang áp dụng. Ðó là theo định suất, theo chữa bệnh và theo phí dịch vụ.

Về hình thức thanh toán theo phí dịch vụ, đây là phương thức tốt nhưng đồng thời rất khó kiểm soát. Còn theo trường hợp bệnh hay nhóm bệnh, từng trường hợp sẽ được ấn định giá nhất định trên cơ sở tính toán, điều này sẽ làm giảm hành vi lạm dụng, trục lợi.

Về công tác giám định, hiện nay chưa có quy định về việc giám định hay chỉ định thuốc, không quy định chặt chẽ phải là bác sĩ, có bằng cử nhân hay các ngành nghề khác. Vậy nên, đôi khi, người làm công tác giám định chưa làm tốt công tác này. Từ đó, cần có những quy định cụ thể về giám định viên, về tổ chức thực hiện công tác giám định BHYT.

PV: Cảm ơn đồng chí.

Xuân Anh

(Thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/bhxh-va-cuoc-song/item/42668402-hoan-thien-chinh-sach-tien-toi-bao-hiem-y-te-toan-dan.html