Hoàn thiện cơ chế cho trung tâm tài chính quốc tế

Việc xây dựng các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam đang tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Trong đó, một trong những yêu cầu hàng đầu là phải có các cơ chế, chính sách vượt trội.

Giữa tháng 11/2024, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM. Ảnh: L.T

Giữa tháng 11/2024, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM. Ảnh: L.T

Quyết liệt hành động

Dự thảo về Kế hoạch hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung hoàn thiện để có thể trình Chính phủ thông qua. Cách đây 3 ngày, khi Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương về nội dung trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đã báo cáo về những nội dung cơ bản của Dự thảo.

Cùng với Dự thảo Kế hoạch hành động của Chính phủ, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo về trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, cũng như Dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo đã được đưa ra thảo luận.

Theo đó, Dự thảo Kế hoạch hành động đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về việc chỉ đạo, điều phối liên ngành trong phạm vi quốc gia và từng địa phương; về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về trung tâm tài chính; về bố trí, huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển trung tâm tài chính; về việc thành lập trung tâm tài chính, bao gồm việc chuẩn bị địa điểm để sẵn sàng cho việc phát triển trung tâm tài chính, với các yêu cầu về việc có vị trí địa lý thuận lợi, đảm bảo khả năng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong và ngoài nước… Cùng với đó, tăng cường truyền thông và xúc tiến kêu gọi đầu tư…

“Chúng ta phải thực hiện nghiêm kết luận của Bộ Chính trị. Đây là trách nhiệm và bổn phận của chúng ta, phải rất nhanh chóng, quyết liệt, khẩn trương, không cầu toàn, nhưng phải chín chắn nhất có thể. Chúng ta có lợi thế của người đi sau, những gì chúng ta chưa có kinh nghiệm thì chúng ta có thể học hỏi, tìm hiểu ở các trung tâm tài chính lớn của khu vực và thế giới”, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nói.

Thep Phó thủ tướng, đây là thời điểm phải chuẩn bị tốt về cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, cũng như chuẩn bị về nhân lực để sẵn sàng bộ máy khi trung tâm tài chính đi vào hoạt động.

Giữa tháng 11/2024, Bộ Chính trị đã đồng ý về chủ trương đối với Đề án Xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Cụ thể, sẽ thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM và Trung tâm Tài chính khu vực tại Đà Nẵng. Chủ trương đã có và giờ là lúc bắt tay vào hành động.

“Việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng, là một trong những quyết sách chính trị lớn để chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì vậy, tinh thần là chúng ta phải làm việc hết sức khẩn trương, quyết liệt, thực chất, hiệu quả để sớm hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam”, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Cơ chế nào cho trung tâm tài chính?

Trong xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khu vực, xây dựng cơ chế, chính sách là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu. Phát triển tại cuộc họp bàn về Kế hoạch Hành động của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định điều này.

Các chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước đã nhiều lần cho rằng, đây là thời điểm vàng để Việt Nam xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế và đó là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam bứt phá.

Theo Bộ trưởng, ở Việt Nam, việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, do vậy, cần được thực hiện trên tinh thần không cầu toàn, không nóng vội nhưng phải rất quyết liệt, khẩn trương.

“Phải có các cơ chế, chính sách vượt trội. Các cơ chế, chính sách phải là những cái người ta cần, chứ không phải là những cái chúng ta có. Vì thế, phải thông qua tư vấn, qua hoạt động kết nối để biết được thông tin nhà đầu tư cần gì, qua đó xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thông tin cho biết, rất có thể, một số cơ chế, chính sách sẽ được đề xuất áp dụng tại các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực của Việt Nam. Chẳng hạn, một số sản phẩm tài chính cả truyền thống và hiện đại sẽ được ưu tiên phát triển; sẽ có những quy định đặc thù để phát triển thị trường vốn, bao gồm cả cơ chế sandbox đối với lĩnh vực fintech; áp dụng các cơ chế ưu đãi đầu tư vượt trội… Đây là những cơ chế, chính sách mà các trung tâm tài chính quốc tế trên thế giới đều đã và đang thực hiện.

Thực tế, khi thông qua chủ trương xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế ở Việt Nam, Bộ Chính trị đã đồng ý về chủ trương trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, sẽ ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đồng thời, thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.

Trong khi đó, từ năm 2030 đến năm 2035, sẽ tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.

Mặc dù vậy, đây chỉ là lộ trình khung và mang tính chất định hướng. Quá trình thực hiện cần đẩy nhanh tiến độ nhanh nhất có thể, nếu thời cơ thuận lợi, điều kiện đã chín muồi, thì có thể làm ngay, nhanh hơn các bước tiếp theo, không chờ theo thứ tự.

Dù chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng “cửa” đã mở cho việc thành lập các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam.

Nguyên Đức

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hoan-thien-co-che-cho-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-d233023.html