Phát huy ý nghĩa Ngày hội Quốc phòng toàn dân

Có một thực tế là thời gian qua, ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, việc tuyên truyền về Ngày hội Quốc phòng toàn dân chưa được thực hiện đúng tầm mức. Điều này làm giảm ý nghĩa của ngày hội, chưa tạo hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ, tác động sâu sắc để làm thay đổi nhận thức, ý thức của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp toàn dân tham gia xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, ngày 17-10-1989, Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa VI đã ban hành Chỉ thị số 381-CT/TW quyết định lấy ngày 22-12, trùng với Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, là Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để mỗi người dân, các ban ngành, đoàn thể địa phương và cả hệ thống chính trị nhìn lại những việc làm, kết quả đã đạt được, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh… góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 Giảng dạy môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Trường Quân sự Quân khu 7. Ảnh: qdnd.vn

Giảng dạy môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Trường Quân sự Quân khu 7. Ảnh: qdnd.vn

Kể từ năm đầu tiên được tổ chức (22-12-1989) đến nay, hằng năm, cứ vào dịp 22-12, cả nước tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Tuy nhiên, có một thực tế là thời gian qua, ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, việc tuyên truyền về Ngày hội Quốc phòng toàn dân chưa được thực hiện đúng tầm mức, còn mờ nhạt so với các hoạt động tuyên truyền về kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân. Điều này đã phần nào ảnh hưởng, làm giảm ý nghĩa của Ngày hội Quốc phòng toàn dân; chưa tạo hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ, tác động sâu sắc để làm thay đổi nhận thức, ý thức của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp toàn dân tham gia xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Thực ra khó có thể tách rời, phân biệt rõ ràng đâu là tuyên truyền về kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân, đâu là tuyên truyền về Ngày hội Quốc phòng toàn dân vì nhiều nội dung trong đó giao thoa với nhau, “tuy hai mà một”.

Thế nhưng, hiểu một cách đơn giản thì tuyên truyền về Ngày hội Quốc phòng toàn dân cần phải làm nổi bật lịch sử, ý nghĩa của ngày hội; tập trung tuyên truyền, vận động toàn dân tích cực tham gia xây dựng và củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trong đó lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt; tuyên truyền làm tốt công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh.

Tuyên truyền để cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang ở địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc; chăm lo xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội để xây dựng “thế trận lòng dân”, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch…

 Bắn đạn thật trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021. Ảnh: TRUNG HIẾU

Bắn đạn thật trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021. Ảnh: TRUNG HIẾU

Để phát huy đầy đủ ý nghĩa, tác dụng của Ngày hội Quốc phòng toàn dân, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức của các tầng lớp nhân dân; để Ngày hội Quốc phòng toàn dân thực sự trở thành ngày hội của tinh thần yêu nước, của truyền thống dựng nước và giữ nước ngàn năm của dân tộc, là dịp tập hợp, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết, trước hết cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của ngày hội, từ đó có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Trong đó cần bám sát đề cương tuyên truyền kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân của các cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, các sự kiện kỷ niệm đúng mục đích, đúng nội dung, bảo đảm cân đối, phù hợp. Chú trọng tuyên truyền nổi bật quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt…

Các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm cần diễn ra với nhiều hình thức phong phú, sinh động, thiết thực, hấp dẫn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Đặc biệt, việc tuyên truyền về những nội dung nói trên cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, thực chất, trong đó Ngày hội Quốc phòng toàn dân là một điểm nhấn quan trọng. Cần tránh tình trạng cả năm thì thiếu quan tâm, “bỏ quên”, chỉ tập trung tuyên truyền vào “đúng ngày, đúng dịp”, vì như thế chắc chắn hiệu quả sẽ không cao.

TRUNG HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/phat-huy-y-nghia-ngay-hoi-quoc-phong-toan-dan-807738