Hoàn thiện cơ chế để 'gỡ vướng' thiếu thuốc, trang thiết bị y tế
Hiện ngành Y tế tiếp tục gặp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế… khiến tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế diễn ra ở nhiều nơi. Để khắc phục thực trạng khó khăn này, ngành Y tế đã và đang nỗ lực cùng các đơn vị liên quan sớm bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.
Bệnh viện thiếu hóa chất, vật tư y tế
Tại tọa đàm “Ngành Y vượt khó” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 23/2, GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, tại Bệnh viện Việt Đức, hóa chất xét nghiệm công thức máu chỉ đủ dùng trong một tuần. Số lượng vật tư y tế điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống tại bệnh viện cũng hạn chế, chỉ chỉ định cho trường hợp cấp cứu. Cùng với đó, bệnh viện còn thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống.
Theo GS.TS Trần Bình Giang, tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở nhiều bệnh viện lớn khác. Đây là việc cấp cứu của cấp cứu, cần được tháo gỡ ngay lập tức. Nếu không đủ vật tư, bệnh viện sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu. Trong đó, đa số hóa chất đang sử dụng là do các công ty cung cấp, kèm theo máy đặt, mượn. Nhưng điểm mới trong Nghị quyết 144/NQ-CP của Chính phủ quy định, các hợp đồng ký sau tháng 11/2022 (thời hạn áp dụng đến tháng 11/2023) sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả.
“Vậy sau năm 2023, bệnh viện sử dụng thiết bị ở đâu để xét nghiệm, nguồn đầu tư ra sao, vẫn chưa có. Trong khi riêng Bệnh viện Việt Đức, chi phí xét nghiệm khoảng 20 tỷ đồng mỗi tháng và chi phí đầu tư cho hệ thống xét nghiệm lên tới 50 tỷ đồng. Mặt khác, các vật tư tiêu hao phục vụ mổ chỉ đủ dùng trong một tháng, nhưng hầu hết giấy phép với vật tư tiêu hao vẫn chưa được gia hạn” - GS.TS Trần Bình Giang cho hay.
Còn theo GS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đang phải đối mặt với những khó khăn "vô cùng" về tài chính, phải sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp tiết kiệm hơn 10 năm qua để chi tiêu. Ba năm gần đây, Bệnh viện Bạch Mai không được đầu tư cũng như không mua sắm thiết bị. Các tòa nhà xuống cấp trầm trọng, không được duy tu bảo dưỡng, trong khi bệnh viện quá tải, mỗi ngày khám, điều trị 8.000 - 10.000 bệnh nhân. Thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh bệnh viện đang thiếu trầm trọng. Hầu hết các thiết bị của Bệnh viện Bạch Mai 10 năm qua thực hiện liên doanh liên kết. Khi hết hợp đồng, các thông tư về liên doanh, liên kết cũng đã hết hiệu lực và đang chờ các thông tư mới, quy định mới nên hiện tại không thể tái ký hợp đồng cũng như không thể ký các hợp đồng mới được. Việc đầu tư, mua sắm các thiết bị mới thì bệnh viện không có nguồn ngân sách nào. "Do vậy chúng tôi đang đề xuất khẩn cấp với Bộ Y tế và Chính phủ đầu tư một nguồn ngân sách của Chính phủ để Bệnh viện sớm có các thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh" - GS.TS Đào Xuân Cơ chia sẻ.
Cần sớm hoàn thiện các văn bản pháp quy
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được thông qua. Tuy nhiên, cần nhanh chóng có thông tư, nghị định hướng dẫn khi luật có hiệu lực để luật sớm đi vào cuộc sống. Bên cạnh việc cung cấp nguồn ngân sách thì cái chính là cơ chế. Bệnh viện Bạch Mai đã hết sức nỗ lực trong điều kiện khó khăn, thiếu trang thiết bị, thiếu vật tư, thiếu thuốc trong thời gian vừa qua. Cả tập thể bệnh viện đã tập trung ngày đêm vào công tác mua sắm thuốc để phục vụ khối lượng bệnh nhân hết sức lớn đến từ các tuyến.
“Hiện tại chúng tôi làm và vướng chỗ nào thì làm văn bản báo cáo Bộ Y tế và các cấp có thẩm quyền sửa đổi, kịp thời phục vụ công tác mua sắm thuốc, đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư phục vụ người dân. Chúng tôi cũng mong rằng các cấp, các ngành chức năng sớm vào cuộc giúp cho ngành Y tế, các bệnh viện có các văn bản pháp quy hợp lý, tạo hành lang pháp lý chuẩn để chúng tôi tự tin khám chữa bệnh cho người bệnh” - GS.TS Đào Xuân Cơ nói.
Hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao năng lực quản lý
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang tập trung tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Trung ương hoàn thiện thể chế chính sách để nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Trong đó, cần tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại các đơn vị y tế bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền; chú trọng phân bổ nguồn lực và năng lực của cán bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Đồng quan điểm, GS.TS Trần Bình Giang cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2024. Trong nội dung có rất nhiều điểm thay đổi để hoạt động của các cơ sở y tế được tốt hơn, thông thoáng hơn. Tuy nhiên, ý định của Ban soạn thảo cũng như Quốc hội muốn đây là luật mở và có tác dụng lâu dài, không quy định lĩnh vực cụ thể. Cho nên có nhiều điều luật ghi "Chính phủ quy định chi tiết thi hành điều luật này", nghĩa là cần có những văn bản dưới luật như nghị định, thông tư cụ thể hóa để luật đi vào cuộc sống.
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, nhưng nếu không ra các văn bản hướng dẫn thì sẽ tiếp tục ách tắc. Rất nhiều văn bản, do sự phối hợp giữa các ngành không đồng bộ nên khi ban hành gặp vướng mắc, các cơ sở khám chữa bệnh lại khó khăn. Vậy về mặt thể chế, cần phải giải quyết sao cho minh bạch.
“Bên cạnh đó, chúng ta không tính đúng, tính đủ nên các cơ sở khám chữa bệnh không có nguồn thu, dẫn đến không có tiền lương, không có thu nhập, đời sống của cán bộ công chức, viên chức và thầy thuốc khó khăn. Chính phủ, Quốc hội phải nhiều lần bàn để giải quyết vấn đề đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, đó là một vấn đề cần hết sức lưu ý” - ông Lợi chia sẻ.
Bộ Y tế tập trung giải quyết 3 vấn đề cấp bách
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế đang tập trung giải quyết các vấn đề khó khăn trước mắt. Khó khăn thứ nhất là vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở y tế trên cả nước. Về vấn đề này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ ngành có liên quan rà soát lại tất cả các văn bản liên quan để hoàn thiện thể chế về nội dung này. Trong thời gian vừa qua Nghị quyết 80 của Quốc hội đã được ban hành. Đây là nghị quyết hết sức quan trọng và đã giải quyết được căn cơ, trước mắt vấn đề cung ứng thuốc trong các cơ sở điều trị. Nghị quyết 80 cho phép gia hạn đăng ký tuổi thuốc đến hết năm 2024. Trong khoảng thời gian này, Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Quản lý dược rà soát và ban hành các danh mục thuốc đảm bảo theo đúng quy định của Nghị quyết 80 của Quốc hội. Cục Quản lý dược đã ban hành đợt 1 gần 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc.
Vấn đề thứ hai là thiếu trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 98 của Chính phủ và đang trình Chính phủ xem xét ban hành. Khi Nghị định sửa đổi Nghị định 98 được ban hành, cũng giải quyết được căn cơ nội dung liên quan đến việc cung ứng trang thiết bị vật tư y tế.
Vấn đề thứ ba, Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 146 của Chính phủ về việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế. Cùng với đó, Bộ Y tế cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã rà soát và ban hành các văn bản có liên quan đến đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế. Đặc biệt, Bộ Y tế đã ban hành gần 50 thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan để đảm bảo việc cung ứng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị trong giai đoạn hiện nay.