HOÀN THIỆN CƠ CHẾ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC ĐỂ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TỪ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH

Công tác phòng, chống tham nhũng chính sách, cài cắm 'lợi ích nhóm' trong các văn bản quy phạm pháp luật để trục lợi đang được lãnh đạo Quốc hội cùng nhiều cử tri trên cả nước quan tâm. Về vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng cần nhìn nhận đánh giá đúng các tồn tại, hạn chế, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống 'lợi ích nhóm', tham nhũng từ hoạch định chính sách.

Bảo đảm xây dựng chính sách, pháp luật khách quan, chất lượng, không lợi ích cục bộ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19/KL-TW của Bộ Chính trị

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19/KL-TW của Bộ Chính trị

Trong Kết luận 19/KL-TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã đặt ra yêu cầu: các cấp, các ngành cần: “Chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật”. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: “Chúng ta yêu cầu một Chính phủ liêm chính hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp thì bản thân công tác lập pháp của Quốc hội cũng phải liêm chính. Không được để cho lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ “cài cắm” vào trong quá trình xây dựng luật”.

Phát biểu tại phiên họp Ban soạn thảo xây dựng dự thảo “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đã nhấn mạnh, hiện nay các quy định pháp luật về kiểm soát quyền lực, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật của Nhà nước ta là tương đối đầy đủ, từ Trung ương đến địa phương; việc kiểm soát quyền lực trên thực tế cũng đã được thực hiện, tuy nhiên quy định đối với trách nhiệm cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, những người có quyền lực thì vấn đề này còn ít, nằm rải rác trong các văn bản của Đảng, chưa có văn bản riêng, nên cần thiết phải xây dựng Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Bàn về thực trạng thực hiện quy định của pháp luật trong vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, thực hiện các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội đã thông qua số lượng lớn các luật với chất lượng ngày càng được nâng cao. Quy trình xây dựng pháp luật được thực hiện nghiêm túc; các dự thảo luật, pháp lệnh được tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản với nhiều hình thức phù hợp. Chất lượng của các báo cáo thẩm định, thẩm tra ngày càng được nâng cao, bảo đảm tính độc lập, khách quan, có tính phản biện cao, nêu được chính kiến của cơ quan thẩm định, thẩm tra đối với dự thảo văn bản. Việc thảo luận của đại biểu Quốc hội và việc tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật được tiến hành nghiêm túc. Quy trình xin ý kiến Bộ Chính trị đối với các nội dung lớn, quan trọng của dự án luật được tuân thủ chặt chẽ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật. Có thể nói, việc thực hiện nghiêm túc các quy định nêu trên về cơ bản đã bảo đảm sự kiểm soát đối với hoạt động lập pháp, bảo đảm văn bản luật được ban hành công khai, minh bạch, có chất lượng, phản ánh đúng chủ trương, đường lối của Đảng, ý chí của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, không bị lợi ích cục bộ ngành, địa phương, “nhóm lợi ích” chi phối.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường

Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, trong quá trình tổ chức thực hiện, vẫn còn một số hạn chế, dẫn đến hiệu quả kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng từ hoạch định chính sách chưa cao. Cụ thể, trong quá trình soạn thảo luật, việc lấy ý kiến đối với dự thảo và kể cả đối với đề nghị xây dựng luật, nhìn chung có nơi, có lúc còn mang tính hình thức; chất lượng ý kiến đóng góp chưa cao, nhất là đối với những vấn đề mới, phức tạp, còn nhiều tranh luận. Cơ quan trình dự án chưa dành thời gian thỏa đáng để xem xét, thông qua dự thảo luật trước khi trình sang Quốc hội (có trường hợp chỉ xin ý kiến thành viên bằng văn bản nên việc tranh luận, thảo luận bị hạn chế...). Một số tài liệu còn hình thức, nhất là báo cáo đánh giá tác động của chính sách, báo cáo rà soát thủ tục hành chính, dự thảo văn bản quy định chi tiết... Những vấn đề nêu trên làm cho việc kiểm soát chính sách bị buông lỏng, không chặt chẽ.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cũng cho biết chất lượng các báo cáo thẩm định, thẩm tra chưa đồng đều, nội dung của một số báo cáo còn sơ sài, xuôi chiều, tính phản biện chưa cao; chưa dựa trên lập luận mang tính khoa học, nên còn thiếu tính thuyết phục. Có trường hợp, báo cáo thẩm tra mới chỉ chú ý xem xét tới những vấn đề lớn mà cơ quan trình dự án nêu trong Tờ trình. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp có những vấn đề thực sự lớn, những nội dung có biểu hiện “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ lại không được nêu trong Tờ trình. Nếu báo cáo thẩm tra không chỉ ra được vấn đề đó thì sẽ chưa làm tròn nhiệm vụ tham mưu cho Quốc hội tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng của dự án và loại bỏ “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ trong dự án.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, một số dự án luật có chất lượng chưa tốt được trình ra Quốc hội và sau khi Quốc hội cho ý kiến thì cần phải sửa lại rất nhiều. Tuy nhiên, đến lúc này thì dự án đã “nằm ở sân Quốc hội”, cơ quan soạn thảo gần như chỉ có trách nhiệm “tham gia”; việc chỉnh lý, soạn thảo lại dự án không phải tuân theo các quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đánh giá tác động, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động...), dẫn đến sự kiểm soát đối với nội dung được soạn thảo, chỉnh lý lại sẽ thiếu chặt chẽ.

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh

Chia sẻ về những hệ lụy xã hội từ tham nhũng chính sách, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết, khi hoạt động xây dựng pháp luật, nguyên tắc xây dựng luật đã bị xâm hại sẽ tạo ra những văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn. Sự chồng chéo, mâu thuẫn đó cản trở sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, tạo ra những trục lợi về mặt chính sách. Như vậy, tham nhũng từ chính sách đã biến thành tham nhũng kinh tế, tham nhũng tiền tài. Từ mâu thuẫn đó, chức năng quản lý Nhà nước của các bộ, ngành đã có sự xung đột và đó là cơ chế để một số bộ, ngành trục lợi chính sách, biến chính sách thành lợi ích vật chất của bộ, ngành mình.

Nhận định hiện tượng lợi ích nhóm ngày càng có biểu hiện hoạt động tinh vi hơn, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh rằng việc tổ chức để những người độc lập nói lên tiếng nói phản biện sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc đấu tranh với lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cũng cho rằng, chuyện pháp luật còn không đi sát so với thực tiễn, ngoài nguyên nhân xuất phát từ “lợi ích nhóm” còn đến từ nguyên nhân năng lực thực tiễn của người thực hiện chức năng thiết kế chính sách.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=67053