HOÀN THIỆN CƠ CHẾ PHÁP LÝ ĐỐI VỚI TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG KHI THAM GIA ĐẦU TƯ NHÀ Ở XÃ HỘI

Sáng 19/6, tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), một số ý kiến đại biểu tán thành việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Công đoàn năm 2012. Tuy nhiên, để quy định đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi triển khai, đề nghị hoàn thiện cơ chế pháp lý đối với Tổng Liên đoàn khi tham gia đầu tư nhà ở xã hội...

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 Chương với 196 Điều. So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng hơn 13 Điều; trong đó bãi bỏ 07 Điều trong Luật hiện hành (Điều 98, Điều 124, Điều 130, Điều 142, Điều 143, Điều 157, Điều 172), giữ nguyên 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 104 Điều; bổ sung mới 34 Điều; Luật hóa từ Nghị định 11 Điều. Các nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bám sát và cụ thể hóa 08 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình khi lập đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), bao gồm: Quy định chung; Sở hữu nhà ở; Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; Phát triển nhà ở; Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;...

Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thể hiện đồng thuận cao với sự cần thiết và cũng đồng tình với nhiều nội dung cơ bản của việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở.

Theo đó, các ý kiến cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở nhằm: Thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong quản lý, phát triển nhà ở, phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà ở; Khắc phục hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn của pháp luật hiện hành, bổ sung các vấn đề mới nảy sinh; luật hóa các quy định dưới luật đã được thực tiễn khẳng định phù hợp nhằm góp phần ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội;... Đồng thời, hoàn thiện các quy định, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về nhà ở nhằm hạn chế, ngăn ngừa các khiếu nại, tranh chấp trong lĩnh vực nhà ở; Bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định khác của pháp luật có liên quan như pháp luật về đất đai, đầu tư công, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, quy hoạch đô thị…

Quan tâm tới quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, một số ý kiến đại biểu tán thành quy định tại dự thảo là phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Công đoàn năm 2012. Tuy nhiên, để quy định đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi triển khai, đề nghị hoàn thiện cơ chế pháp lý đối với Tổng Liên đoàn khi tham gia đầu tư nhà ở xã hội...

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, hiện nay, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã ghi nhận Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp, đồng thời là chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp theo hướng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu nhà ở công nhân.

Tuy nhiên, xung quanh quy định này, đại biểu tỉnh Bình Dương bày tỏ băn khoăn, Tổng Liên đoàn là một chủ thể đầu tư nhà ở xã hội mới được quy định trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nên còn khá nhiều vấn đề cần phải quy định rõ ràng, thống nhất hơn trong dự thảo. Do đó, đại biểu đề nghị cần hoàn thiện cơ chế pháp lý đối với Tổng Liên đoàn khi tham gia đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.

“Trong việc thực hiện dự án nhà ở cho người lao động, đề nghị coi việc Tổng Liên đoàn tham gia đầu tư như một hình thức Nhà nước tham gia đầu tư để áp dụng các quy định pháp luật tương tự về quyền của chủ sở hữu và các cơ chế trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành nhà ở xã hội. Cụ thể, như về quyền đại diện của chủ sở hữu được quy định ở Điều 17, đề nghị bổ sung theo hướng quyền của đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu Công đoàn Việt Nam được áp dụng theo quy định đối với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cũng cho rằng, tại Điều 37 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định về chủ đầu tư và điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở bao gồm 2 nhóm: (1) Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; (2) Cơ quan tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công.

Như vậy, quy định tại dự thảo Luật sửa đổi chưa bao gồm chủ thể Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vì Tổng Liên đoàn đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân từ nguồn tài chính công đoàn và ngân sách nhà nước hỗ trợ, nguồn này không được xác định là nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công. Vì vậy, đại biểu cũng đề nghị Tổng Liên đoàn là chủ thể đầu tư xây dựng được quy định tại Điều 37 để đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong dự thảo Luật.

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam bày tỏ thống nhất với quy định tại dự thảo Luật "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp”.

Để hoàn thiện quy định tại dự thảo, đại biểu kiến nghị, dự thảo Luật cần phải nêu rõ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư nhà ở xã hội bằng nguồn vốn nào để đảm bảo tính minh bạch, xác minh rõ nhiệm vụ và những rủi ro khi thực hiện dự án đầu tư.

Theo đại biểu, hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng các thiết chế công đoàn theo Quyết định số 655/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất". Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, có nhiều khu công nghiệp hiện nay chưa được đầu tư xây dựng, do đó cần phải cân nhắc quy định thật chặt chẽ và đảm bảo tính khả thi của dự thảo luật.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Phát biểu giải trình làm rõ nội dung này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Công đoàn năm 2012.

Trước đó, thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành cần tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động, đối tượng được hưởng chính sách xã hội mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một chủ thể có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, theo quy định của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Công đoàn, chưa rõ khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở cho công nhân thì tài chính dành cho các dự án đầu tư này sẽ lấy từ nguồn nào, từ kinh phí do đoàn viên công đoàn đóng, từ kinh phí 2% do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng hay bằng nguồn vốn đầu tư công do ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ…? Nếu sử dụng tài chính công đoàn để thực hiện dự án đầu tư nhà ở cho công nhân thì không phù hợp với Điều 27 của Luật Công đoàn, vì việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân không thuộc nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn.

Do đó, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ sự phù hợp, tính thống nhất, khả thi của chính sách này; đánh giá kết quả thực hiện thí điểm việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư xây dựng thiết chế của công đoàn ở các địa phương ; trường hợp vẫn giữ quy định này trong dự thảo Luật thì cần quy định rõ nguồn kinh phí thực hiện để bảo đảm tính minh bạch, xác định rõ trách nhiệm về những rủi ro khi thực hiện dự án đầu tư, đồng thời đề xuất sửa các quy định của các luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77138