Hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn đảm bảo thiết thực, hiệu quả hơn trong bối cảnh mới
Chiều nay (21/8), tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012, chuyên đề tài chính công đoàn'. Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì Hội thảo.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Luật Công đoàn 2012 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Sau 7 năm triển khai thực hiện, công tác tài chính công đoàn có nhiều chuyển biến tích cực, tập trung thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác tài chính công đoàn, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả.
Nhờ đó, Công đoàn Việt Nam đã có một nguồn lực cần thiết để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, thu hút ngày càng đông đảo người lao động tham gia công đoàn, góp phần quan trọng xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, đóng góp trực tiếp vào các thành tựu kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Thực thi Luật Công đoàn năm 2012, việc quản lý, phân phối nguồn tài chính công đoàn từng bước được công khai, minh bạch và công bằng theo hướng tăng dần cho công đoàn cấp dưới, đặc biệt là công đoàn cơ sở.
Cũng theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ năm 2012 đến nay, tỉ lệ kinh phí công đoàn phân phối cho công đoàn cơ sở tăng dần từng năm từ 65% lên 70% như hiện nay. Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn thường xuyên quan tâm, thực hiện công tác quản lý, chi tiêu đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân sai phạm, qua đó nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định: Luật Công đoàn năm 2012 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã góp phần vào việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về công đoàn, là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức Công đoàn Việt Nam nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động trong thời gian qua.
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nước ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với việc ký kết, triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và phê chuẩn, thực thi các công ước quốc tế về lao động. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh chóng, có những tác động sâu sắc đến sản xuất và đời sống…
Bên cạnh đó, kể từ khi Luật Công đoàn năm 2012 được thông qua, Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, nghị quyết của Đảng cùng nhiều đạo luật có liên quan đã được ban hành, sửa đổi, trong đó Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021 với việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh công đoàn cơ sở của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
“Bối cảnh trên đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012 nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
Từ kết quả của Hội thảo, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn và dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và thông qua tại kỳ họp thứ 11.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Khang khẳng định: Cần xác định rõ quan điểm là sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012 phải đáp ứng được những yêu cầu trên nhưng cũng phải đảm bảo thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết mới của Đảng, nhất là về đổi mới tổ chức, hoạt động của tổ chức công đoàn nêu tại Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII yêu cầu tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; tức là làm cho tổ chức Công đoàn lớn mạnh lên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người lao động, thị trường lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; phát huy vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Theo đó, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Sửa đổi các khoản mục chi tài chính công đoàn để đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính công đoàn trong bối cảnh mới, đảm bảo thiết thực, hiệu quả; các quy định về kiểm tra, giám sát, công khai tài chính công đoàn, quy định cụ thể việc công khai tài chính Công đoàn phù hợp với quy định của pháp luật; việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản tại các cơ quan Công đoàn, các đơn vị sự nghiệp và các đơn vị kinh tế công đoàn.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn tập trung vào 3 nhóm nội dung: Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn và cơ chế quản lý cán bộ công đoàn; Hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh mới; Hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động 2019.