Hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình phục vụ chuyển đổi số hải quan
Cùng với công cuộc chuyển sổi số của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, quy chế trong lĩnh vực hải quan đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện.
Đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho chuyển đổi số
Xác định việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế có ý vai trò quan trọng, Tổng cục Hải quan đã tích cực hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về Hải quan gắn với chuyển đổi số.
Theo đó, Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn nhân lực, trong đó phân công cán bộ tham gia xây dựng văn bản có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu; bố trí thời gian hợp lý, chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết xây dựng văn bản theo tháng, theo tuần và kiểm soát chặt chẽ công việc theo kế hoạch. Các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tăng cường cải cách hành chính, tháo gỡ các vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, hạn chế các quy định chồng chéo giữa các cơ quan quản lý, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BTC ngày 29/01/2024 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 81/2019/TT-BTC quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; Thông tư số 77/2024/TT-BTC ngày 26/01/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 442/2017/TT-BTC ngày 28/4/2022 quy định chế độ đảm bảo thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan.
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang chủ trì xây dựng, hoàn thiện các đề án thuộc Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 của Chính phủ, Bộ Tài chính. Điển hình như Nghị định sửa đổi Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải qua; Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử; Thông tư sửa đổi Thông tư số 50/2018/TT-BTC ngày 23/5/2018 quy định chỉ tiêu thông tin, mẫu chứng từ khai báo khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh đối với phương tiện đường hàng không, đường biển, đường sắt, đường bộ và đường sông...
Liên quan đến Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về việc giao các bộ quản lý chuyên ngành chủ động rà soát để xây dựng các nội dung cải cách cho từng hàng, lĩnh vực theo các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan.
Tổng cục Hải quan cũng đã triển khai rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, quy chế trong lĩnh vực hải quan và xác định các nội dung cần sửa đổi, bổ sung để triển khai chuyển đổi số toàn diện và cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan. Đồng thời, làm việc với một số cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố về việc tổng kết thi hành, xây dựng thay thế Luật Hải quan năm 2014 theo Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030.
Sát sao trong chỉ đạo, điều hành
Cùng với hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Hải quan đã ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản chỉ đạo, điều hành tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai công tác chuyển đổi số. Điển hình như Chỉ thị về việc đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hiện đại hóa Hải quan giai đoạn 2024 – 2025; Quyết định về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Tổng cục Hải quan năm 2024; Thông báo kết luận của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Trưởng ban Chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, mô hình nghiệp vụ tổng thể xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh...
Để triển khai hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số, Tổng cục Hải quan đã kiện toàn bộ máy tổ chức của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của Tổng cục Hải quan và Bộ phận thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo. Trong đó, lần đầu tiên, Tổng cục trưởng làm Trưởng ban chỉ đạo và Thành viên Ban Chỉ đạo gồm tất cả Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan. Ngay sau khi được kiện toàn về mặt tổ chức, Ban Chỉ đạo đã ban hành quy chế làm việc và chương trình làm việc.
Tổng cục đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị về chuyển đổi số để triển khai trong toàn Ngành. Tại các cuộc họp giao ban hàng tháng, hàng quý, chuyển đổi số cũng là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận và chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, phân công lãnh đạo, công chức tham dự đầy đủ các cuộc họp và thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số do Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ Tài chính phân công.
Nhờ đó, ngành Hải quan đã hoàn thành các nhiệm vụ về xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan như: nghiên cứu, rà soát, xây dựng quy trình, chức năng nghiệp vụ hải quan; xây dựng yêu cầu kỹ thuật; xây dựng hồ sơ trình Bộ Tài chính phê duyệt Dự án xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan...
Để triển khai thành công mục tiêu chuyển đổi số, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý và quy trình, thủ tục đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của Ngành. Trong đó, tiếp tục rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật về hải quan, các quy chế, quy trình nghiệp vụ để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai mô hình hải quan số, hải quan thông minh, triển khai Chính phủ điện tử và ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Hoàn thiện và trình Ban Chỉ đạo phê duyệt mô hình tổng thể xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh.
Cùng với đó, rà soát, báo cáo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cấp phép, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc và kiến nghị các bộ quản lý chuyên ngành và cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát, tập trung phân tích chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hải quan các nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam và các nước ASEAN; so sánh, đối chiếu với nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hải quan Việt Nam để đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Hải quan bảo đảm yêu cầu hội nhập và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục khảo sát tại các cục hải quan địa phương để xây dựng báo cáo tổng kết thi hành Luật Hải quan.