Hoàn thiện dải đô thị ven biển thành hệ thống bền vững đa chiều

Phát triển đô thị biển và phát triển kinh tế - xã hội cho dải đất, nước ven biển cũng như làm dày thêm, đầy đặn thêm các lớp kinh tế - xã hội từ đất liền ra đến lãnh hải quốc tế là một yêu cầu cấp thiết, mang ý nghĩa sống còn với quốc gia - dân tộc.

Nói một cách thật sòng phẳng, lịch sử phát triển của người Việt Nam không phải là lịch sử chinh phục đại dương. Chúng ta chưa từng có những đội thương thuyền lớn chủ động giao thương với các nước, chưa có những nhà hàng hải khám phá những vùng đất xa xôi. Chúng ta chỉ khai thác quanh bờ với những thuyền nhỏ từ những làng chài cũng nhỏ. Cha ông ta mở cõi từ Bắc xuống Nam cũng là đi lần hồi dọc theo bờ biển. Có lẽ chuyến đi xa nhất là của hoàng tử Lý Long Tường lưu lạc đến Cao Ly vào thế kỷ XIII. Cha ông ta giỏi thủy chiến trên sông như Bạch Đằng, Rạch Gầm - Xoài Mút… nhưng không giỏi thủy chiến ở đại dương mênh mông. Những người đầu tiên mang sản vật Việt ra nước ngoài như gạo lại là người Hoa ở Chợ Lớn.

Bài viết này muốn đề cập đến việc làm sao xây dựng được một dải đô thị liền mạch suốt từ Bắc đến Nam, thực hiện đa chức năng, trong đó có chức năng bảo vệ Tổ quốc.

Phát triển liền mạch giao thông ven biển

Việt Nam là một trong số các nước có biển dài và rộng. Vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp hơn ba lần diện tích đất liền, có bờ biển dài 3.260km. Biển mang lại nhiều lợi ích, nhưng biển cũng mang lại nhiều tai ương và rủi ro. Từ rất xa xưa, các quốc gia có biển bao giờ cũng căng mắt hướng ra biển để đón bạn và cảnh giác với thù. Họ sớm hình thành ven biển những dải thành thị (thành + thị) liền mạch. Đó là những pháo đài phòng thủ những điểm trọng yếu và các thành phố, thị trấn, làng nghề liền mạch nhau. Ngày nay, các quốc gia có biển cũng ứng xử như thế. Cùng lúc dải bờ biển là một liền mạch của sự kết hợp kinh tế, xã hội, quốc phòng.

Hệ thống giao thông ven biển của Singapore.

Hệ thống giao thông ven biển của Singapore.

Một khách quan lịch sử khiến cho chúng ta có vẻ “chểnh mảng” với dải tài nguyên hỗn hợp đất liền và biển này mà chỉ chăm lo cho biên giới đất liền là do hàng ngàn năm Trung Quốc chỉ nhòm ngó chúng ta từ phía Bắc, nơi “núi liền núi, sông liền sông”. Chỉ đến thời nhà Nguyễn thì các pháo đài quân sự có quy mô mới xuất hiện gần hoặc ven biển. Như pháo đài Duyên Khánh (1793) gần cửa biển Nha Trang; pháo đài Hà Tiên (1831), pháo đài Điện Hải (Đà Nẵng-1813); pháo đài Phước Thắng (Vũng Tàu - 1788). Từ sau 1990, chúng ta bắt đầu khai thác dải đất ven biển, các resort, khách sạn xuất hiện khiến dải ven biển trở nên sôi động.

Tuy nhiên, cách phát triển của chúng ta mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, chưa kể những nơi nhạy cảm có sự xuất hiện của người nước ngoài.

Điều dễ nhận thấy nhất là chúng ta không có hệ thống giao thông ven biển liền mạch. Muốn vận chuyển hàng hóa phải di chuyển sâu vào nội địa, mất thời gian và tốn kém, chưa kể nếu chiến tranh xảy ra thì việc di chuyển nhanh các thiết bị quân sự, lực lượng quân đội, cũng như sơ tán dân cư là không thuận lợi. Nhìn sang các nước khác sẽ thấy họ ưu tiên phát triển hệ thống giao thông ven biển.

Về vấn đề này, TS-KTS. Phó Đức Tùng có viết: Chúng ta có một dải bờ biển trong tình trạng bị “đứt mạch máu”(1). Vì lý do này mà Diễn đàn Kinh tế miền Trung diễn ra ngày 25.9.2017 tại Đà Nẵng đã gửi một bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đề nghị ưu tiên xây dựng tuyến đường ven biển xuyên suốt toàn vùng miền Trung. Đây là tuyến đường chiến lược về kinh tế và quốc phòng, gắn với trục đường này sẽ là các đô thị ven biển, hình thành nên “mặt tiền” của đất nước. Đó là một kiến nghị đúng đắn, tuy có muộn mằn, nhưng trục đường này không chỉ dừng ở miền Trung mà nên kéo dài đến Cà Mau.

Phát triển kinh tế - xã hội - quốc phòng theo chiều dọc và bề dày từ đất liền ra biển

Cùng với xây dựng tuyến đường giao thông ven biển thì cần nhanh chóng phát triển hành lang biển “mặt tiền” thành một chuỗi các tổ hợp kinh tế - xã hội. Các căn cứ quân sự bảo vệ Tổ quốc ngày nay khác với thời xa xưa, bởi chiến tranh ngày nay là chiến tranh điện tử, chiến tranh công nghệ thông tin, tự động hóa, nó không nhất thiết phải phơi mặt ra sát biển, nhưng nó cũng không thể tách rời các hoạt động kinh tế - xã hội và dân cư, bởi lớp cư trú ven biển như áo giáp bảo vệ cơ thể quốc gia. Việc phát triển các đô thị đơn chức năng và đa chức năng; các khu công nghiệp, khu du lịch, làng nghề như thế nào về vị trí, quy mô, cấp độ cần phải cân nhắc sao cho chúng liên kết thành chuỗi hỗ trợ, bổ trợ nhau.

Tiếp nữa là chú trọng phát triển chuỗi không gian kinh tế hỗ trợ cho nhau một cách hiệu quả. Dòng chảy hàng hóa, các cơ sở cung ứng dịch vụ biển, sản xuất hàng hóa, dịch vụ du lịch phải nằm trong chuỗi khăng khít nhau, tránh trường hợp từ cảng cá tới nhà máy chế biến phải mất hàng trăm cây số; chưa kể việc các nhà máy thép, xi măng, vật liệu xây dựng chễm chệ ngay bờ biển, gần các khu dân cư. Cảng cá, nhà máy chế biến, chợ, khu dân cư, dịch vụ nghề biển không thể mỗi thứ một nơi “xa thẳm” được.

Hệ thống giao thông ven biển của Đài Loan.

Hệ thống giao thông ven biển của Đài Loan.

Trong nghiên cứu “Đời sống xã hội - kinh tế - văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam bộ”, PGS-TS. Phan Thị Yến Tuyết thống kê được gần 20 loại làng nghề liên quan đến biển cần được duy trì và phát triển, như: đóng, sửa chữa tàu, ghe biển; đan lưới và phụ kiện đánh cá; làm muối, nước mắm, chế biến hải sản khô; nuôi sản vật từ biển (cá, tôm, ngọc trai); chế tác hàng thủ công mỹ nghệ từ biển (san hô, đồi mồi, vỏ tôm, vỏ trai, cát mỹ thuật…); chế biến thực vật từ biển (rong, tảo biển); khai thác vật liệu xây dựng từ biển (cát xây dựng, san hô, đá ngầm, …)(2). Như thế dọc theo bờ biển sẽ có các thành phố, thị trấn, làng nghề, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng phát triển theo quy hoạch và kế hoạch, hình thành một dải kinh tế-xã hội suốt chiều dài bờ biển.

Một điều nữa cần nhắc đến, từ nghiên cứu của TS-KTS. Phó Đức Tùng, là tính từ đất liền ra đến ngoài lãnh hải quốc tế thì phần mà chúng ta đang có mới chỉ là “một lớp mỏng bám theo bờ biển”. Lớp xa nhất là khai thác hải sản xa bờ, khai thác tài nguyên dưới đáy biển và sâu dưới lòng đại dương chưa được bao nhiêu; chúng ta chưa có những đội tàu lớn, hùng mạnh đánh bắt xa bờ dài ngày, hiệu quả lớn. Các chương trình khai thác dầu khí, khí đồng hành, kim loại quý không hoàn toàn thuận lợi. Lớp nội thủy không có các hoạt động kinh tế hiệu quả do bị khai thác vô tội vạ bằng bom, mìn, lưới cào khiến tôm cá, rong tảo, san hô và các sản vật khác cạn kiệt. Lớp trên đất liền sau lớp bám sát ven biển thì không kết nối, bị xé lẻ, manh mún, băm nát. “Các dải mỏng ven biển như hiện nay dẫn đến việc hai vùng trong và ngoài bị cắt đứt không kết nối được. Phát triển du lịch không chỉ là mặt biển mà còn phải có các lớp văn hóa nằm sâu bên trong”, hơn nữa “trên cao còn có các vùng tâm linh” (3), làm sao kết chúng lại với nhau thành sức mạnh tổng hợp cho quốc gia.

Ý thức chủ quyền của người Việt Nam xuất hiện sớm, nhưng việc giữ cương vực, khẳng định chủ quyền bằng các hoạt động sống (kinh tế, xã hội và văn hóa) qua các thời kỳ chưa thật mạnh. Việc phát triển đô thị biển và phát triển kinh tế - xã hội cho dải đất, nước ven biển cũng như làm dầy thêm, đầy đặn thêm các lớp kinh tế - xã hội từ đất liền ra đến lãnh hải quốc tế là yêu cầu cấp thiết, mang ý nghĩa sống còn với quốc gia - dân tộc.

Làm thế nào để đạt mục tiêu đó là một quá trình khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nỗ lực từ trung ương đến địa phương, từ lãnh đạo đến người dân thường. Tuy nhiên, quan trọng nhất và trên hết vẫn là những định hướng chiến lược và hành động chiến lược đúng đắn ở tầm quốc gia.

PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa

_______________________

(1) (3) Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Kiến trúc du lịch biển Việt Nam. Kỷ yếu hội thảo, 11.2012
(2) Phan Thị Yến Tuyết. Đời sống xã hội-kinh tế - văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam bộ. NXB. Đại học Quốc gia TP.HCM. 2016

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/hoan-thien-dai-do-thi-ven-bien-thanh-he-thong-ben-vung-da-chieu-27683.html