Hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ

Chiều 20-2, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, dự phiên họp. Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo phiên họp. Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì phiên họp. Cùng dự còn có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương.

 Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo phiên họp.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó có dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ sẽ được Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ bảy (tháng 5-2024) theo quy trình tại một kỳ họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới thông tin, hồ sơ dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị công phu, nghiêm túc, cơ bản đầy đủ các tài liệu theo đúng quy định. Theo đó, đề nghị các đại biểu tham dự phiên họp tích cực tham gia ý kiến về Tờ trình, nội dung dự thảo luật để Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoàn thiện báo cáo thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào thời gian tới đây.

Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20-6-2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017 đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.

Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì phiên họp.

Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì phiên họp.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 5 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về Cảnh vệ, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về Cảnh vệ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, việc ban hành sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Cảnh vệ nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng Công an nhân dân; góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, hoạt động và hành vi, yếu tố khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ...

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị, ban soạn thảo luật cần tập trung phân tích, làm rõ thêm về đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ… nhằm tăng tính thuyết phục của các quy định; đề nghị, cơ quan giải trình, cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu và chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/hoan-thien-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-canh-ve-765696