Hoàn thiện hạ tầng, công nghiệp tăng tốc – Kỳ 3

Kỳ 3: Công nghiệp lan tỏa, người dân thụ hưởng

Thành công của các KCN đang góp phần tạo nên một Bình Dương năng động và phát triển. Và trên tất cả, ở Bình Dương dù là người dân địa phương, người lao động (NLĐ) ngoài tỉnh hay có nguồn gốc bất kỳ đâu thì bây giờ họ đều có cùng chung cơ hội hưởng thụ những thành quả từ sự phát triển này.

Mô hình tích hợp giữa khu dân cư và các KCN giúp diện mạo đô thị Bình Dương phát triển hài hòa và bền vững, thu hút ngày càng nhiều người dân về an cư lạc nghiệp. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp - đô thị Bàu Bàng

Thành quả của sự phát triển

Từ một vùng đất sỏi bạc màu, những ruộng lúa bị bom đạn cày xới, vùng “tam giác sắt” TX.Bến Cát hôm nay đang trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị- dịch vụ của tỉnh. Có được thành quả này, TX.Bến Cát đã xây dựng các KCN làm yếu tố đột phá để phát triển công nghiệp. Và trên mảnh đất này, cuộc sống của người dân địa phương cũng như NLĐ ngoài tỉnh đổi thay về mọi mặt. Họ được thụ hưởng tất cả những gì từ sự phát triển đột phá của TX.Bến Cát mang lại.

Ông Lê Đức Hòa, ngụtại xã An Tây, TX.Bến Cát, nhớ lại: “Ngày xưa ở đất An Tây chỉ toàn làm nông nghiệp, vất vả lắm mà không đủ ăn. Không ai dám tưởng tượng được cuộc sống như hôm nay, đường sá rộng thênh thang, nhà cửa khang trang, phố xá sấm uất… Vui nhất là đám trẻ lớn lên đứa nào cũng được học hành đàng hoàng, rồi vào làm việc trong các KCN gần nhà”. Công nghiệp đã đóng vai trò là nền tảng thuận lợi để hình thành các khu dân cư, khu đô thị hiện đại liền kề tại TX.Bến Cát. Mô hình tích hợp giữa khu dân cư và các KCN còn giúp diện mạo đô thị TX.Bến Cát phát triển hài hòa và bền vững, thu hút ngày càng nhiều người dân về an cư lạc nghiệp.

Theo ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND TX.Bến Cát, sau khi thực hiện chủ trương đưa công nghiệp về các huyện phía bắc của tỉnh, kinh tế TX.Bến Cát mới thực sự khởi sắc. Đến nay, trên địa bàn thị xã có các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3, 4, Thới Hòa, Protrade, Việt Hương 2, Rạch Bắp… Các KCN này đã giúp TX.Bến Cát thu hút hơn 8 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài. Chính các KCN đã giúp địa phương chuyển dịch nhanh từ thuần nông sang công nghiệp, thúc đẩy phát triển về đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa cuộc sống người dân lên tầm cao mới.

Cuộc “trở mình” ngoạn mục

Trong làn sóng dịch chuyển công nghiệp về phía bắc của tỉnh, huyện Bàu Bàng được cho là địa phương hưởng lợi nhất, bởi nằm ở vị trí gần như chính giữa và là cửa ngõ phía bắc của Bình Dương. Đây cũng là địa phương được duyệt quy hoạch diện tích KCN tăng 6,2 lần so với diện tích đang hoạt động. Ngoài KCN Bàu Bàng, Bàu Bàng mở rộng, huyện còn có các KCN Tân Bình, Lai Hưng và Cây Trường cũng đang được đầu tư hạ tầng, sẵn sàng đón các doanh nghiệp đến mở nhà máy. Cùng với đó là dự án KCN khoa học công nghệ đang mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho địa phương. Kinh tế của huyện đã khởi sắc và chuyển biến nhanh theo hướng công nghiệp, dịch vụ.

Từ khi các KCN liên tục mọc lên, các vùng quê trên địa bàn huyện Bàu Bàng cũng nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu lao động. Nhiều người dân từ đồng ruộng bước vào nhà máy với công việc mới, có thu nhập ổn định, đời sống ngày một nâng lên. Ngồi nhớ lại, chị Quách Thị Luyến, ngụtại xã Lai Hưng, vẫn cảm thấy may mắn vì quyết định sáng suốt của vợ chồng chị cách đây 10 năm. Chị kể, năm 2004, 2 vợ chồng từ tỉnh Hòa Bình vào làm công nhân tại TX.Thuận An. Khi 2 đứa con ra đời, cả gia đình chị vẫn phải sống trong căn phòng trọ 16m2. Chịu thương chịu khó, anh chị tằn tiện được một số tiền. Qua người quen, năm 2012, anh chị đã quyết định lên xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng để mua một miếng đất cất nhà để an cư lạc nghiệp.

Từ công nhân nơi phố thị về với vùng đất còn nghèo nàn, lạc hậu nhưng vốn dĩ đã có nghề nông, hai vợ chồng chị lại vừa buôn bán, vừa trồng rau, nuôi gà. Rồi Bàu Bàng tách ra từ huyện Bến Cát. Huyện Bàu Bàng vươn mình khoác màu áo mới, để Lai Hưng hôm nay có KCN, có hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại với những tuyến đường mới khang trang. Trời không phụ công người, sau nhiều năm chịu khó làm ăn, đến nay, gia đình chị Luyến đã có nhà cửa khang trang, chị còn mua được thêm 2 miếng đất gần nhà. Anh Hải chồng chị giờ làm việc trong KCN Bàu Bàng với thu nhập ổn định. Đứa con đầu của chị đã vào cấp 3 với ước mơ ấp ủ sau khi tốt nghiệp đại học sẽ xin về làm trong những KCN gần nhà.

Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng cho biết, qua 8 năm tách ra từ huyện Bến Cát (cũ), từ một vùng đất thuần nông, huyện Bàu Bàng đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một địa phương có nền kinh tế công nghiệp phát triển. Dấu ấn nổi bật nhất chính là xây dựng và phát huy vai trò của các KCN tập trung. KCN Bàu Bàng và các KCN khác đang giúp địa phương phát triển công nghiệp, thúc đẩy phát triển về đô thị, thương mại, dịch vụ, đưa giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng bình quân hàng năm 21,31%.

Tạo nền tảng vững chắc

Có thể khẳng định, chủ trương xây dựng, phát triển các KCN là một trong những hướng đi sáng tạo phù hợp, cần thiết trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương. Phát triển các KCN có ý nghĩa quan trọng nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển công nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đô thị hóa.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, chia sẻ một địa phương muốn phát triển và thu hút đầu tư dựa trên việc cung cấp một hệ sinh thái toàn diện với những điểm trọng yếu thông qua việc quy hoạch các KCN xanh, đan xen với các khu đô thị, thương mại và dịch vụ. Cùng với việc xây dựng các dự án nhà ở xã hội, khu tái định cư cho những người dân trong diện giải tỏa đền bù, cùng các khu đô thị cao cấp dành cho các nhà đầu tư, Becamex IDC đã tập trung xây dựng hệ sinh thái giao thông, y tế, giáo dục chất lượng cao ở tất cả các cấp nhằm phục vụ cho nhu cầu học tập của con em những nhà đầu tư, chuyên gia, NLĐ đang làm việc tại các KCN. Điều này giúp hình thành mạng lưới các khu dân cư mới, vừa có tác dụng phát triển thương mại và dịch vụ chung quanh các KCN, đồng thời bảo đảm chất lượng cuộc sống cho nhà đầu tư, bảo đảm lợi ích cho những người dân nằm trong diện quy hoạch, cũng như NLĐ ngoài tỉnh. Đây chính là nền tảng vững chắc để đồng hành cùng các địa phương phát triển bền vững.

Hiện 29 KCN của tỉnh với tổng diện tích hơn 12.660ha đều được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tỉnh đã sớm phát triển hệthống giao thông đồng bộ, xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa, vừa đưa công nghiệp bứt phá, vừa tạo tiền đề cho thương mại, dịch vụ phát triển theo. Hiện tại, Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN theo quy hoạch; nghiên cứu hình thành KCN - đô thị khoa học công nghệ. Tỉnh cũng đang tập trung xây dựng KCN Khoa học công nghệ tại huyện Bàu Bàng. Đây là một trong những dự án trọng điểm của Đề án Vùng đổi mới sáng tạo nhằm thu hút các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp trong các ngành sản xuất mũi nhọn có giá trị gia tăng cao phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Việc xây dựng và phát triển hệ thống các đô thị, KCN tại Bình Dương luôn được tỉnh quan tâm và dành nhiều nguồn lực để thực hiện. Nhờ đó, vị thế của tỉnh ngày càng được nâng cao, trở thành một trong những địa phương phát triển công nghiệp lớn của cả nước. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2025, Bình Dương đang tăng cường hơn nữa quỹ đất cho phát triển KCN, kịp thời đón đầu làn sóng đầu tư mới. Hiện tỉnh đang tăng tốc, nhanh chóng mở rộng diện tích các KCN theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, có thêm 2 KCN mới là VSIP III và Cây Trường. Cùng với các KCN khác của tỉnh, các KCN mới này được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng mới cho tỉnh.

NGỌC THANH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/hoan-thien-ha-tang-cong-nghiep-tang-toc-ky-3-a278050.html