Hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số

Ngày 08/8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp thẩm định Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Quang cảnh buổi thẩm định.

Quang cảnh buổi thẩm định.

Tạo hành lang pháp lý để phát triển công nghiệp công nghệ số

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương nêu rõ, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm đến việc hoàn thiện, xây dựng thể chế để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), công nghiệp công nghệ số trong nước. Các văn kiện, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước gần đây tiếp tục đề ra nhiều chủ trương, định hướng quan trọng cho việc hoàn thiện thể chế về công nghiệp công nghệ số.

Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về công nghiệp CNTT đã được ban hành hơn 17 năm, nhiều quy định chưa điều chỉnh được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn phát triển ngành CNTT như: chưa có khung pháp lý định hình khái niệm công nghệ số, công nghiệp công nghệ số; còn khoảng trống về phát triển dữ liệu số....

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương trình bày tại buổi thẩm định.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương trình bày tại buổi thẩm định.

Vì vậy, việc xây dựng Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số là cần thiết để thúc đẩy ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo môi trường thuận lợi nhất để “nuôi dưỡng” và phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Đồng thời, Dự án Luật cũng được hy vọng sẽ thúc đẩy thông minh hóa các ngành, lĩnh vực thông qua hội tụ công nghệ số vào các hoạt động quản lý, điều hành, sản xuất trong các ngành, lĩnh vực để tối ưu hóa hiệu suất, hiệu quả, năng suất, khả năng tự động thích ứng với sự thay đổi của các ngành, lĩnh vực.

Góp ý về cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, đại diện Hội truyền thông số đánh giá quy định “doanh nghiệp tham gia thử nghiệm được miễn trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại cho Nhà nước, được loại trừ trách nhiệm hành chính, hình sự khi đã tuân thủ đúng, đầy đủ quy định và các yêu cầu theo văn bản cho phép thử nghiệm của cơ quan có thẩm quyền” mang tính đột phá, tạo không gian thử nghiệm an toàn cho các doanh nghiệp triển khai công nghệ số mới. Tuy nhiên, hiện dự thảo luật quy định trường hợp doanh nghiệp thử nghiệm chịu trách nhiệm pháp lý là “trong quá trình thử nghiệm đã biết hoặc buộc phải biết về nguy cơ rủi ro nhưng không kịp thời thông tin, báo cáo cơ quan có thẩm quyền và không áp dụng đầy đủ biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra” dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong thực tế. Theo đồng chí, trong quá trình thử nghiệm, có thể cả nhà nước và doanh nghiệp đều chưa lường hết được toàn bộ rủi ro có thể xảy ra; vì vậy không thể bắt buộc doanh nghiệp “buộc phải biết” về rủi ro.

Do đó, đồng chí đề xuất quy định trường hợp doanh nghiệp thử nghiệm phải chịu trách nhiệm pháp lý là “doanh nghiệp có khả năng biết về nguy cơ rủi ro nhưng không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền và không áp dụng đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn đã nêu trong hồ sơ thử nghiệm để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra”. Các điều kiện doanh nghiệp có khả năng biết về thiệt hại bao gồm: doanh nghiệp tự mình phát hiện ra lỗi của sản phẩm/dịch vụ, người dùng hoặc các bên khác cảnh báo/phản hồi về lỗi của sản phẩm, dịch vụ.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, hoạt động dịch vụ thu thập, lưu trữ, kinh doanh, khai thác, phân tích, xử lý và các hoạt động khác liên quan đến dữ liệu số trong công nghiệp công nghệ số là hoạt động dịch vụ liên quan đến dữ liệu, thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Dữ liệu (đã được Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Luật). Vì vậy, đồng chí đề nghị lược bỏ nội dung này khỏi dự thảo Luật. Trong trường hợp cần thiết phải quy định rõ các hoạt động dịch vụ liên quan đến dữ liệu số, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo có ý kiến để bổ sung vào dự án Luật dữ liệu cho đầy đủ.

Các đại biểu góp ý tại buổi thẩm định.

Các đại biểu góp ý tại buổi thẩm định.

Tại buổi thẩm định, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tham khảo thêm các kinh nghiệm quốc tế để chỉnh lý thời gian thực hiện thử nghiệm và thẩm quyền cho phép triển khai cơ chế thử nghiệm đảm bảo tính hiệu quả, tính khả thi trên thực tế; làm rõ các tiêu chí “thông minh hóa” các ngành, lĩnh vực, qua đó thể hiện sự khác biệt với các tiêu chí về chuyển đổi số hiện nay; giải trình mục đích của việc dán nhãn sản phẩm công nghệ số là người sử dụng chỉ được sử dụng các sản phẩm có dán nhãn hay chỉ những sản phẩm dán nhãn mới được đưa ra thị trường…

Tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật

Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao hồ sơ dự án Luật Công nghiệp công nghệ số do Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị, ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định. Thứ trưởng đánh giá đây là dự án Luật mới và có nhiều nội dung khó như trí tuệ nhân tạo, tài sản số...

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận.

Theo Thứ trưởng, dự thảo Luật đã thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, dự thảo Luật có một số nội dung mới so với các chính sách đã được Chính phủ thông qua như thông minh hóa các ngành, lĩnh vực; tân trang hàng hóa; khởi nghiệp sáng tạo số… nên cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung đánh giá tác động đối với những nội dung này.

Cùng với đó, Dự án Luật có nhiều nội dung liên quan đến Luật Công nghệ thông tin, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đầu tư, Luật Công nghiệp trọng điểm (đang được xây dựng). Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành để phân định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Thứ trưởng cũng lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo giải thích rõ ràng, rành mạch, thể hiện nội hàm của những khái niệm mới được đưa ra trong Luật; thiết kế các ưu đãi một cách tập trung, tránh dàn trải, trong đó thể hiện rõ loại hình doanh nghiệp, dự án như thế nào sẽ nhận ưu đãi; từ đó xây dựng cơ chế, quy trình ưu đãi phù hợp. Đồng thời, cơ quan chủ trì cần bổ sung trách nhiệm pháp lý của người tạo ra sản phẩm trí tuệ nhân tạo; nghiên cứu quy định mang tính nguyên tắc đối với việc quản lý tài sản số; chi tiết hóa các điều khoản tại dự thảo Luật; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính ngay tại Luật, giảm tải áp lực phải sửa đổi các quy định, quy hoạch của địa phương…

T.Oanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-thuc-day-phat-trien-cong-nghiep-cong-nghe-so-post521203.html